Nghe tiếng nẹt pô, phải né gấp
11g trưa, chúng tôi vừa có mặt tại đường Học Lạc, Q.5, TP.HCM, liền bắt gặp cảnh hai thanh niên ở trần, chở nhau trên một chiếc xe “mù” phóng như bay về hướng đường Võ Văn Kiệt. Khi cần vượt qua các phương tiện chạy cùng chiều, hai thanh niên này thường hét lớn để “báo hiệu”, vì xe không có còi.
Thấy chiếc xe “mù” vùn vụt lao đến, người phụ nữ đang đứng mua hàng vội rồ ga "bay" lên vỉa hè, đống giấy chị cầm trên tay rơi xuống, bay phất phơ theo làn khói đen sì từ ống pô xe “mù”.
|
Một chiếc xe “mù” chất hàng như tiệm tạp hóa di động ở khu Chợ Lớn |
Khu vực Chợ Lớn hằng ngày có đến hàng ngàn lượt xe “mù” lưu thông qua lại. “Mỗi khi nghe tiếng nẹt pô, kèm theo những tiếng la “nước sôi, nước sôi”, “né, né”, người ta phải dạt vào lề tránh. Gọi là xe mù vì gặp nó là phải tự tránh chứ nó không biết tránh người ta bao giờ” - bà Du, sống ở đường Phùng Hưng, Q.5, ngao ngán.
Trên đường Nguyễn An Khương rộng chỉ vài mét, chúng tôi thấy xe “mù” đậu la liệt hai bên đường chờ chất hàng. Đó là những chiếc xe máy chỉ còn bộ khung bằng sắt, phần biển số bị cắt mất hoặc được bôi đen để không còn nhận diện được. Chúng tôi bám theo một chiếc xe “mù” từ đường Nguyễn An Khương chạy ra do một thanh niên cầm lái, chở theo 4 thùng hàng lớn chất cao hơn đầu người, phía trước còn kẹp thêm một thùng hàng lớn. Ở những đoạn đường đông, thanh niên này nẹt pô ầm ĩ để các phương tiện cùng chiều nhường đường. Chưa đầy 20 phút sau, thanh niên quay về, tiếp tục chất hàng và phóng đi với tốc độ chóng mặt.
Đứng ở giao lộ Nguyễn An Khương - Hải Thượng Lãn Ông trong vòng 60 phút, chúng tôi đếm được khoảng 400 lượt xe “mù” lưu thông qua lại. Đáng nói, những chiếc xe “mù” đều chất hàng quá khổ, phóng như bay trên đường, có thể gây tai nạn bất cứ lúc nào. Nhưng không hề thấy bóng dáng cảnh sát giao thông ở đây.
Trưa 27/10, chúng tôi bám theo chiếc xe “mù” gắn biển số 51K5 - 2327 do một thanh niên điều khiển chở theo 18 bao hàng, chạy từ đường Lê Tấn Kế ra hướng chợ Kim Biên. Dù chở theo hàng nặng, chất vắt vẻo, chạy lảo đảo nhưng thanh niên trên vẫn phóng vèo vèo. Đến vòng xoay dưới chân cầu Chà Và, chiếc xe “mù” chở hàng cồng kềnh suýt va chạm với một phụ nữ chạy xe Honda Vision nhưng thanh niên trên vẫn thản nhiên phóng xe vun vút.
Cùng thời điểm trên, chúng tôi bắt gặp một chiếc xe “mù” hiệu Honda Cub 82 được độ lại phần đầu và thêm 2 phuộc nhún phía sau để có thể chở gần 30 chiếc bàn xếp, vun vút chạy trên đường Châu Văn Liêm. Khi chiếc xe này đến gần giao lộ Hồng Bàng - Ngô Quyền, phát hiện có chốt cảnh sát giao thông phía trước, “quái xế” liền đánh lái rẽ vào gần đường Lý Thường Kiệt gọi điện dò xét rồi mới chạy tiếp.
Xe “mù” ở đâu ra?
Trên nhiều tuyến đường ở trung tâm TP.HCM, chúng tôi vẫn thường xuyên bắt gặp cảnh xe “mù” chở hàng cồng kềnh ngang nhiên tham gia giao thông. Như tại hẻm 584 Lý Thường Kiệt nối ra đường Ba Tháng Hai, có hàng chục chiếc xe “mù” chuyên chở bia, nước ngọt, đá lạnh... hoạt động nhiều năm nay. Thậm chí, nhiều người còn độ xe “mù” thành xe kéo để chở quần áo, trái cây, nông sản... Ngoài việc gây mất an toàn, những xe máy này còn xả khói đen kịt, gây ô nhiễm môi trường.
Thế nhưng, sử dụng xe “mù” phổ biến nhất vẫn là lực lượng nhân viên chở hàng của các doanh nghiệp. Cứng tay lái, gan to là hai “tiêu chí” tuyển nhân viên chở hàng của một chủ cửa hàng bánh kẹo tại Q.5. Khi chúng tôi đến xin việc, quản lý cửa hàng bánh kẹo ngay sau lưng chợ Bình Tây chỉ một dãy xe “mù” đang đậu trước cửa hàng, hỏi: “Cưỡi con này có bồng thêm được hai tạ không?”. Thấy chúng tôi chần chừ, người quản lý lắc đầu nói: “Vậy là thua rồi, quân ở đây chở ba, bốn tạ là bình thường”.
Theo khảo sát của chúng tôi, rất nhiều cửa hàng lớn ở khu vực Q.5, Q.6 đang giữ rất nhiều xe “mù” chuyên chở hàng. Hầu hết xe này đều được độ, chế theo kiểu “râu ông nọ cắm cằm bà kia” để mạnh máy, chở được nhiều hàng.
|
Một chiếc xe “mù” được độ theo kiểu “quái thú” để chở được gần 30 chiếc bàn xếp lưu thông trên đường Châu Văn Liêm, Q.5 |
Gần 7 năm cầm lái xe “mù”, Phước “đen” (27 tuổi, quê tỉnh Bến Tre) cho biết, đây là chiếc xe chở hàng thứ tư của mình trong gần 7 năm qua vì có chiếc bị gãy đôi do chất hàng nặng quá, có chiếc bị cảnh sát giao thông tạm giữ, phải bỏ luôn. Hiện Phước đang cầm lái một con “quái thú” được độ lại từ 3 chiếc xe hiệu Honda DD, Cub và Dream nên bộ khung sườn dài, tổng cộng đến 6 phuộc nhún, có thể chở được 400kg. "Khu chợ Bình Tây này toàn mua xe nát về làm lại, nên làm gì có giấy tờ. Mấy đồ tân trang thêm toàn mua hàng món ở chợ Tân Thành thôi" - Phước nói.
Khi được hỏi vì sao không trang bị đèn, còi xe để chạy an toàn hơn, Phước lý giải: "Mình chở hàng nhiều, gắn đồ nhựa vào nó cũng bị vỡ ngay thôi. Hơn nữa, xe để trơ khung thì ít cản gió, dễ chạy hơn. Chở hàng nặng, xe bình thường không kham nổi nên phải độ lại rất nhiều chi tiết".
Tại khu vực Chợ Lớn, có rất nhiều người chạy xe "mù" chở hàng thuê, hưởng tiền công theo chuyến. Việc trả công phụ thuộc vào lượng hàng mỗi chuyến nên họ phải độ lại xe để chở được càng nhiều càng tốt.
Ông Hùng (40 tuổi, ngụ tại Q.6) cho biết, trước đây, ông chở thuê cho một hãng nước đá ở Q.5, thu nhập chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Từ ngày "ra riêng" nhận chở hàng thuê theo cuốc, thu nhập cao hơn nhưng lúc nào cũng lo mất xe. Mỗi lần nghe có đợt ra quân dẹp xe "mù", ông Hùng phải "ém" xe, không chạy ra các tuyến đường lớn vì sợ bị thu giữ xe.
|
Hai thanh niên cởi trần chạy xe “mù” lạng lách trên đường Học Lạc, Q.5 |
"Cực chẳng đã mới bám cái nghề này chứ chạy xe chất hàng nhiều cũng sợ gây tai nạn, bị thu giữ xe. Xe bình thường chở không được bao nhiêu hàng, xe tải thì vận chuyển bất tiện nên các chủ hàng vẫn thích thuê chúng tôi chạy hơn. Mỗi cuốc được vài chục ngàn đồng, nhưng lúc nào cũng nơm nớp lo" - ông Hùng than.
Anh B. - một nhân viên chở hàng ở Q.6 - tiết lộ, muốn kiếm các loại xe “mù” chở hàng, anh thường tìm đến các “cò” chuyên mua xe cũ thanh lý hoặc đến các lò độ xe để tìm. Trung bình mỗi chiếc xe “mù” có giá từ 1 - 3 triệu đồng. Những chiếc “nát” không biển số, giấy tờ, chỉ còn trơ khung, giá chưa đến 1 triệu đồng nhưng phải bỏ tiền ra làm máy lại. “Giá rẻ nên khi bị “vịn” (bị cảnh sát giao thông giữ phương tiện), mình bỏ luôn rồi mua xe khác. Chỗ tôi từ đầu năm tới giờ bị “vịn” 3 chiếc rồi” - B. cho hay.
Từ tiết lộ của B., có thể lý giải phần nào nguyên nhân khiến các bãi tạm giữ phương tiện giao thông ở TP.HCM quá tải vì xe vô chủ. Theo số liệu tổng hợp của Sở Tư pháp TP.HCM, từ tháng 7/2017 đến hết tháng 8/2018, tổng số phương tiện giao thông vi phạm đang bị tạm giữ là 43.588 chiếc, trong đó có hơn 19.000 phương tiện quá thời hạn tạm giữ, đang chờ xử lý.
Trước thực trạng trên, một chuyên gia lĩnh vực giao thông ở TP.HCM chia sẻ: “Nếu mang gần 20.000 phương tiện trên ra đấu giá thì khó tránh khỏi chuyện người vi phạm sẽ mua lại chính chiếc xe của mình theo giá rẻ hơn mà không cần phải đóng tiền phạt. Cứ như vậy thì không thể dẹp xe “mù” được”.
Một cán bộ công tác trong ngành đăng kiểm tại TP.HCM cho biết: “Mô tô, xe máy là nguồn thải ra phần lớn các chất gây ô nhiễm do chưa được kiểm soát khí thải. Việc xử lý các vụ tai nạn giao thông do xe “mù” gây ra cũng gian nan vì người gây tai nạn thường bỏ trốn trong khi xe lại không biển số, không giấy tờ”.
Cần 2,4 tỷ đồng để kiểm soát khí thải xe máy
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM cho biết, đang phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy. Theo Sở GTVT TP.HCM, đến giữa năm 2018, TP.HCM có hơn 8,3 triệu phương tiện giao thông, trong đó có hơn 7,6 triệu mô tô, xe máy.
Việc xây dựng đề án kiểm soát khí thải đối với mô tô, xe máy tại TP.HCM là hết sức cấp thiết trong khi chờ sửa đổi Luật Giao thông đường bộ. Kinh phí xây dựng đề án vào khoảng 2,4 tỷ đồng. Nếu được thông qua chủ trương, Sở GTVT TP.HCM sẽ thuê tư vấn lập đề án trong năm 2019, xây dựng lộ trình thực hiện các bước tiếp theo, đồng thời sở sẽ phối hợp với các cơ quan đăng kiểm xây dựng mạng lưới kiểm soát khí thải.
|
Sơn Vinh