‘Xe mù’ chẹt giá khách

18/01/2018 - 00:00

PNO - "Xe mù" là biệt danh mà giới xe ôm công nghệ đặt cho nhóm đối tượng giả danh GrabBike đang trà trộn hoạt động tại sân bay Tân Sơn Nhất và chẹt giá cao gấp 3-4 lần so với giá cước thông thường của xe ôm công nghệ.

Ngày 2/1/2018, anh T. (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đáp chuyến bay từ Hà Nội – TP.HCM vào khoảng 15h30 chiều, do có việc gấp nên anh đi thẳng từ nhà ga qua bãi giữ xe hướng về đường Trường Sơn.

Tại khu vực rất đông xe hai bánh đón và trả khách, một tài xế mặc áo thun sọc, khoác áo GrabBike đội mũ tai bèo trông rất luộm thuộm lập tức tiếp cận anh T. và hỏi ngay: “Đi đâu, em đặt Grab giúp anh?”.

‘Xe mu’ chet gia khach
Nhóm "xe mù" gồm khoảng 20 người, đội nón hoặc mặc áo của xe ôm công nghệ nhưng giá cước luôn cao hơn nhiều lần.

Nghĩ trong đầu có người gọi xe thay, khỏi phải bật 4G đặt xe như mọi khi nên anh T. nhanh chóng cung cấp điểm đến gần khu vực chợ Bà Chiểu (quận Bình Thạnh). 

Người này lập tức dùng điện thoại, nhập điểm đến trong một phần mềm thoạt nhìn rất giống ứng dụng Grab. Giá tiền hiện lên cho chuyến đi từ sân bay Tân Sơn Nhất về gần chợ Bà Chiểu là 99.000 đồng/lượt.

“Mọi khi tôi đi từ phía chợ Bà Chiểu đến sân bay và ngược lại bằng GrabBike vào khoảng 25.000 - 26.000 đồng/lượt, nhưng trong phần mềm tôi xem trực tiếp tài xế nhập điểm đi và điểm đến lại tăng chóng mặt lên gần 100.000 đồng/lượt”, anh T. cho hay.

Thấy không bình thường, anh T. từ chối khéo rồi di chuyển dần ra đường Trường Sơn. Tại khu vực bên ngoài này có rất đông tài xế Grab, Uber lẫn xe ôm truyền thống, cứ 2 - 3 phút lại có tài xế đến chào mời anh T. đi xe.

“Tôi dùng điện thoại kiểm tra lại bằng ứng dụng Grab, đặt xe GrabBike từ vị trí đang đứng về Bình Thạnh thì đúng là chỉ 25.000 đồng/lượt”, anh T. nói.

Sau đó, anh T. tự dùng điện thoại riêng để đặt xe thông qua ứng dụng nhưng điều lạ là anh liên tục bị hủy chuyến.

“Đặt bằng ứng dụng 3 lần đều bị hủy chuyến, đặt qua hãng xe Mai Linh thì không có tài xế, tôi phải đứng chờ rất lâu, khoảng 30 phút sau mới có xe rước”, anh T. chia sẻ.

‘Xe mu’ chet gia khach
 

Từ câu chuyện của anh T., PV báo Phụ Nữ TP.HCM đã tìm đến khu vực chờ khách của bãi xe hai bánh tại đường Trường Sơn để tìm hiểu. Qua quan sát, liên tục khi hành khách vừa từ trong nhà ga bước ra khu vực này là cánh "xe mù" bước tới chèo kéo, điện thoại lúc nào cũng mở sẵn ứng dụng để đặt ngay khi khách báo điểm đến.

Trong vai một người cần đặt xe ôm về Bình Thạnh, tài xế tiếp cận và đặt xe cho PV. Trên ứng dụng của tài xế này hiển thị giá cước từ sân bay Tân Sơn Nhất về ngã tư Hàng Xanh là 86.000 đồng/lượt; trong khi giá trên ứng dụng của PV sau khi kiểm tra cũng cùng đoạn đường này là 36.000 đồng/lượt.

Ghi nhận tại đây cho thấy, phần lớn khách ra khỏi ga có nhu cầu tìm xe ôm, khi được đề nghị đặt xe thay một cách rất nhiệt tình thì hầu như không từ chối hay mảy may nghi ngờ, đưa tay nhận mũ và leo lên xe đi mà không hề hay biết cước phí mình phải trả đã bị hét lên gấp nhiều lần. 

‘Xe mu’ chet gia khach
Ra khỏi trạm thu phí , phía đường Trường Sơn khách mới tìm được xe ôm công nghệ đứng chờ. 

Nói về  nhóm "xe mù" tại sân bay, Hoàng, một tài xế GrabBike cho biết, khu vực sân bay lâu nay vẫn có nhóm xe ôm truyền thống khoảng 20-30 người giả danh xe ôm công nghệ để hoạt động, có "bảo kê" nên cánh tài xế xe ôm công nghệ "ngán" đụng, hầu như chỉ dám chở khách vào sân bay và chạy ra luôn chứ không đứng đợi khách.

“Khách muốn đặt từ sân bay, tôi sẽ gọi khách và dặn ra tận đầu đường Trường Sơn phía ngoài trạm thu phí mới dám rước, còn trường hợp khách không chịu đi ra, kêu vào trong trước thì tôi hủy hoặc nhờ khách hủy chuyến”, tài xế Hoàng chia sẻ.

‘Xe mu’ chet gia khach
Xe ôm công nghệ ngày nay đã trở nên phổ biến tại các thành phố lớn. 

Cũng theo Hoàng, nhóm "xe mù" hoạt động có quy luật ngầm, phải nộp tiền cho người "bảo kê" để được hoạt động. Hàng ngày, tài xế "xe mù" cầm điện thoại lượn quanh khu vực đổ xe máy, thấy khách bước ra sẽ đến tiếp cận và vồn vã đặt xe giúp. 

“Tài xế các hãng xe ôm công nghệ khi vào đón khách sẽ bị nhóm này lại tịch thu chìa khóa, dằn mặt, thậm chí nếu cãi cọ có thể bị đánh. Trước đây tôi không biết, vào trong sân bay chờ bắt khách nên bị rút chìa khóa, đuổi. Thành ra bây giờ tôi rất ngại đón khách tại sân bay”, Hoàng cho biết.

Thái Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI