Xe máy phải kiểm định khí thải: Phương án nào cũng tồn tại vướng mắc

20/07/2016 - 12:24

PNO - Theo ông Bùi Danh Liên, nếu không kiểm soát tốt thì Đề án này sẽ lặp lại như việc thu phí bảo trì đường bộ cuối cùng phải bác bỏ.

Gần đây, dự thảo về quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe môtô, xe gắn máy của Bộ Giao thông Vận tải sẽ được thực hiện trước mắt tại 5 thành phố lớn đầu tiên với mức phí kiểm định khí thải khoảng 100.000-150.000 đồng/lần/xe/2 năm đang nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

Phương án nào cũng tồn tại vướng mắc

Trước vấn đề này, trao đổi với PV, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, Dự thảo này phù hợp với Hiệp định mà Việt Nam bảo vệ trái đất, bảo vệ tầng ô zôn. Thậm chí, Nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng còn đóng góp với Liên Hợp Quốc 1 triệu USD để giảm khí thải toàn cầu, vì vậy, việc các Bộ, ngành đưa ra kế hoạch kiểm soát khí thải là đúng với chủ trương nhà nước ta.

Ông Liên cho rằng mức 100 - 150.000 đồng/xe/2 năm không phải quá cao nhưng vấn đề được đặt ra là làm thế nào để kiểm soát được người nào đóng hay không đóng? Theo ông Liên, nếu không kiểm soát tốt thì Đề án này sẽ lặp lại như việc thu phí bảo trì đường bộ cuối cùng phải bác bỏ.

Xe may phai kiem dinh khi thai: Phuong an nao cung ton tai vuong mac
Ông Liên cho rằng cần phải xây dựng kế hoạch kiểm tra khí thải cụ thể. Ảnh: VietNamNet

"Như ô tô thì có quy định 6 tháng kiểm tra 1 lần nhưng còn xe máy thì ai thu, vấn đề này rất phức tạp. Thu chính chủ, không chính chủ, tạm trú, tạm vắng, từ thành phố về nông thôn... không quản lý được, cuối cùng là không thu được", ông Liên phân tích.

Vị Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Hà Nội nhấn mạnh: "Còn có một hình thức nữa là thu qua xăng dầu thì mọi người phải chịu hết, nhưng còn một kẽ hở đó là còn liên quan đến ô tô, máy nổ, máy phát điện,... đấy là một vấn đề khó".

"Tôi ủng hộ về chủ trương nhưng Nhà nước phải xây dựng kế hoạch về việc thu cho hợp lý để đạt được kết quả. Trong thời điểm này chưa nên triển khai vì chưa thể giải quyết được, phương án nào cũng tồn tại vướng mắc. Bởi vậy hiện nay nên tập trung vào những vấn đề nhức nhối hơn như thực phẩm bẩn độc, rác thải, ô nhiễm môi trường", ông Liên bày tỏ quan điểm.

Làm cập rập chỉ làm giàu cho nước ngoài

Cũng bàn về Dự thảo này, ông Bùi Văn Quản - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải TP.HCM đánh giá: "Tôi thấy nên xem lại, điều đó cũng chưa cần thiết vào lúc này, làm ảnh hưởng đến đời sống, phát sinh chi phí cho người lao động, giờ còn nhiều việc lớn hơn cần phải giải quyết".

Theo vị Chủ tịch Hiệp hội: "Xe của người dân ở thời điểm hiện tại đang phải chịu ảnh hưởng của nhiều chi phí quá, bây giờ chồng thêm phí đó thì sẽ tạo nên gánh nặng cho người dân, đặc biệt là lao động nghèo. Những chiếc xe máy đó không phải điều gì xa xỉ mà đó là phương tiện lao động cần thiết".

Đồng quan điểm với ông Liên trước vấn đề này, ông Quản cũng dẫn chứng, trước đây, việc triển khai thu phí đường bộ cũng còn nhiều bất cập, thu không đồng đều.

"Hiện nay, người dân đã phải chịu phí môi trường qua giá xăng rồi, vì vậy không nên phát sinh thêm chi phí khác, còn việc xả thải ra môi trường thì phải cần có lộ trình áp dụng để người dân chuẩn bị trước khi mua sắm các phương tiện, cũng phải vài ba năm chứ không phải nói là làm luôn được", ông Quản thẳng thắn bày tỏ quan điểm.

Ông Quản cũng lập luận thêm, các loại xe Hàn Quốc, Nhật Bản, xe tiêu chuẩn châu Âu thì người ta dùng 10 năm còn chưa hỏng, còn xe Trung Quốc thì cũng phải xem lại, vì vậy tùy theo loại phương tiện mà có những quy định thời gian kiểm định khác nhau.

"Xe mua 100 triệu phải khác cái xe mua 1 tỷ và tùy thuộc vào ngành nghề người ta làm việc", ông Quản nói thêm.

"Việt Nam mình còn mới mẻ quá chứ đâu phải nói là làm luôn được, tất cả còn phải nhập khẩu, ta làm cập rập thì chỉ làm giàu cho nước ngoài, tác động tới nhập siêu, còn chưa giải quyết được vấn đề gì", ông Quản bày tỏ quan điểm.

Hoàng Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI