PNO - Nhiều xe dù núp bóng xe hợp đồng, hoạt động bên ngoài bến tha hồ hét giá cao gấp hai-ba lần. Những ngày gần đây xe dù đã bùng phát, không chỉ nâng giá cao mà còn chạy lòng vòng, quát đuổi khách…
Trong khi các hãng xe hoạt động tại bốn bến xe lớn của TP.HCM gồm: Miền Đông, Miền Tây, Ngã Tư Ga và An Sương chỉ được tăng giá vé tết từ 20-60% bù chiều xe chạy rỗng dịp tết và được sự giám sát nghiêm ngặt của các cơ quan chức năng thì ngược lại, nhiều xe dù núp bóng xe hợp đồng, hoạt động bên ngoài bến lại tha hồ hét giá cao gấp hai-ba lần. Những ngày gần đây xe dù đã bùng phát, không chỉ nâng giá cao mà còn chạy lòng vòng, quát đuổi khách…
Khách bị ép vì... thiếu xe chất lượng cao
8g sáng 26/12, đón xe tại ngã tư An Sương (H.Hóc Môn, TP.HCM) về quê Hậu Giang, chị Nguyễn Thị Hoàn bị một phen chóng mặt vì xe chạy lòng vòng đón khách. Sau gần hai giờ, xe vẫn còn ở ngã tư An Sương. Chị Hoàn mệt mỏi cho biết: “Tưởng những ngày này đi lại dễ dàng, ai ngờ... 28 tết năm ngoái, đón xe về quê, tôi cũng trải qua cảm giác kinh hoàng. Xe có 24 chỗ mà nhồi nhét gần 40 người; đã vậy, nhà xe cứ chạy lòng vòng hơn một tiếng đón khách, nhiều người nôn thốc nôn tháo. Tôi xin xuống nhưng tài xế nhất định không chịu, còn quát tháo”.
Dọc tuyến Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, Quốc lộ 13, khu vực xung quanh bến xe Miền Đông, những ngày gần đây xuất hiện nhiều xe dù “mồ côi” 16-24 chỗ ngồi, không biển hiệu, không phù hiệu hợp đồng, mang biển số 51B - 033..., 51B - 048..., 51D - 030… ngang nhiên lượn lờ đón khách. Bên cạnh đó, nắm tâm lý hành khách chuộng xe giường nằm, ghế mềm có máy lạnh để chuyến đi thoải mái nên các tuyến về miền Trung như Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế… bị các nhà xe làm giá nhiều nhất.
Xe khách ngang nhiên đón khách dọc đường (ẢNH: P.HUY - chụp trước khu du lịch Suối Tiên, Q.9 chiều 27/12)
Phóng viên thử liên hệ mua vé về Đà Nẵng ngày 26 tháng Chạp, nhân viên hãng xe The Sinh Café (Q.1, TP.HCM) nói gọn: “Giá vé giường nằm 1,2 triệu đồng/ lượt, muốn mua thì ra phòng vé mua liền, vài ngày nữa giá có thể tăng giảm tùy theo nhu cầu của hành khách”.
Chúng tôi thắc mắc “lỡ mua vé mà không có xe thì sao?”, nhân viên này cho biết “chỉ cần xe đầy là công ty lại hợp đồng với xe khác, không lo”. So với giá vé hiện tại cho tuyến Sài Gòn - Đà Nẵng mà các hãng xe chất lượng cao đang bán với mức trung bình 360.000- 400.000đ/vé thì giá vé ngày tết của The Sinh Café tăng gấp ba lần.
Tương tự, nhà xe Cẩm Vân (đường Tân Thành, Q.Tân Phú) cũng hét giá 1,1 triệu đồng/vé giường nằm cho hành khách đi ngày 24 tháng Chạp. Muốn có vé, hành khách phải đến mua trực tiếp, trả đủ tiền một lần. Thắc mắc vì sao giá cao gấp ba lần ngày thường, nhân viên ở đây cho biết: “Tết mà, năm nào cũng vậy, giá cao nhưng không có xe để đi”.
Nhà xe Cẩm Vân (Q.Tân Phú) bán vé xe tết cao gấp ba so với ngày thường
Chúng tôi đến hãng xe A Tỷ (đường Hồng Lạc, Q.Tân Bình) hỏi mua vé xe về Quảng Ngãi ngày 26 tết, người phụ nữ bán vé cho biết giá vé giường nằm ngày này là 800.000đ (ngày thường chỉ 280.000đ/vé), nhưng phải mua sớm chứ một tuần nữa không chắc còn giá này. Cho rằng giá này quá cao trong khi giá năm ngoái A Tỷ bán cho hành khách đi Quảng Ngãi chỉ 700.000đ/vé, chúng tôi không mua. Nghe vậy, người này chốt luôn: “700.000đ cũng chấp nhận, nhưng phải đặt cọc luôn, nếu không mất chỗ!”.
Tại nhà xe Ba Nga (đường số 1, Q.Tân Bình) có xe chạy tuyến TP.HCM - Đà Nẵng những ngày cuối tuần khách ra vô tấp nập. Hành khách gọi điện thoại đặt vé đều bị nhân viên từ chối, yêu cầu người mua vé phải đến trực tiếp. Chiều 23/12, chúng tôi ghé nhà xe này được nhân viên cho biết, giá vé từ TP.HCM đi Đà Nẵng tùy ngày, thậm chí sẽ tăng từng ngày, nhất là cao điểm tết từ 24 đến 27 tháng Chạp, trung bình một triệu đồng/vé ngày 25, 26 tết. Vé giường nằm phía trước giá cao hơn phía sau.
“Hành khách đặt cụ thể giường loại nào, hãng xe sẽ báo giá giường đó, ngày nào có giá vé ngày đó…”, một nhân viên nói. Chúng tôi cho rằng giá vé này cao hơn các hãng xe khác thì nhân viên đáp chắc nịch: “Chị đừng tin giá vé các hãng xe niêm yết trên mạng vì giá đó chỉ là để “tham khảo”. Cùng lắm một xe chỉ có vài ba vé bán đúng giá niêm yết, còn lại thì hãng xe bán cao hơn để kiếm lời. Hành khách không mua thì không có vé đi chứ giờ nhìn qua nhìn lại hãng xe nào cũng bán giá này cả”.
Không chỉ nâng giá cao bất thường, nhiều nhà xe còn neo giá khiến hành khách hồi hộp đến giờ lên xe. Nhà xe Bảy Tàu (đón khách trong bãi xe đối diện bến xe Miền Đông, Q.Bình Thạnh) chạy tuyến Sài Gòn - Tam Quan (Bình Định) bán vé tết từ đầu tháng Mười âm lịch, nhưng nhà xe không cho biết giá vé cụ thể, chỉ yêu cầu hành khách đặt cọc 300.000đ/vé, đến giờ đi sẽ được báo trước vài tiếng, lên xe thu số tiền còn lại. Khi được hỏi, nhân viên trả lời ỡm ờ “cỡ như năm ngoái”, tức 700.000- 800.000đ/vé, tăng 2,5 lần so với ngày thường (280.000đ/vé).
Không nắm được "kẻ trọc đầu"?
Đây là thời điểm vàng để các nhà xe dù ngoài bến làm giá, bắt chẹt khách khi có rất nhiều người săn tìm vé chất lượng cao về quê. Chỉ một đoạn 700m đường Bình Long (Q.Tân Phú) có đến năm nhà xe đi các tuyến miền Trung gồm Tuấn Tú, Đình Nhân, Hoàng Nam, Xuân Tùng, Mười Phương tấp nập khách ra vào, nhân viên nhận đặt vé nghe điện thoại liên tục.
Nhà xe Đình Nhân (Q.Tân Phú) cũng trưng bảng bán vé tết
Một nhà xe ở đây cho biết, do mùa tết hành khách tăng cao trong khi số lượng xe có hạn nên giá vé mới tăng đột biến, khách chịu thiệt nhưng phải chi, còn hơn vào bến xếp hàng cả buổi vẫn không mua được vé. Các nhà xe dù lý giải họ không bị “tuýt còi” do là xe hợp đồng, tức hành khách và nhà xe tự thỏa thuận giá cả trên nguyên tắc thuận mua vừa bán, cơ quan chức năng không thể can thiệp. Liệu có phải do bến xe thiếu xe đã đẩy hành khách ra ngoài bến?
Ông Thượng Thanh Hải - Phó giám đốc bến xe Miền Đông cho rằng, không phải bến xe thiếu xe phục vụ tết mà chỉ thiếu xe chất lượng cao như xe giường nằm, bởi ngày thường nhu cầu hành khách vừa phải, các doanh nghiệp (DN) chỉ đầu tư phương tiện đủ phục vụ, đủ trang trải các chi phí, khấu hao… Chưa kể, DN trong bến phải chịu các khoản phí, thuế, giá cả bình ổn để phục vụ khách.
Mùa tết, nhu cầu khách tăng cao nên DN thuê thêm xe ngoài vào phục vụ nhưng vẫn thua các hãng xe dù, do xe dù sẵn sàng chi cao hơn để thuê xe rồi bán vé cao hơn nhiều so với vé xe trong bến. “Với tình hình này, các DN trong bến cũng có tâm lý e ngại, có tình trạng DN bán vé trong bến kiểu cầm chừng, ra ngoài bán vé hợp đồng với giá cao hơn để kiếm lợi”, ông Hải cho biết.
Tính đến thời điểm này, bến xe Miền Đông đã có 52/218 DN trong bến kê khai giá vé tết với tổng lượng vé bán ra 30.159 vé trong đó 3.480 vé giường nằm. Lượng vé do DN ủy thác cho bến còn rất nhiều.
Ông Hải cam kết: “Không thiếu xe cho khách về quê dù là tuyến miền Trung hay Bắc. Chúng tôi chuẩn bị thêm 70 xe buýt tăng cường, có máy điều hòa, ghế ngồi mềm phục vụ các tuyến miền Trung, lượng xe này dư sức giải tỏa khách dịp tết nếu khách không chê. Tuy là xe loại 2 nhưng vẫn đảm bảo các quy định kỹ thuật như trang bị bình chữa cháy, có tài xế dự phòng cho tuyến đường trên 500km”.
Theo ông Phạm Đình Đức - Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ - Sở GTVT TP.HCM, dịp cao điểm phục vụ tết, thanh tra Sở GTVT sẽ phối hợp thanh tra Sở Tài chính lập đoàn kiểm tra, giám sát các DN kê khai giá vé và tổ chức bán vé xe trong dịp tết, DN nào kê khai một đằng bán một nẻo sẽ bị xử phạt dựa trên các bảng kê khai.
Tuy nhiên, các DN kê khai giá vé đều nằm trong bốn bến xe lớn, do đó các cơ quan chức năng dễ dàng kiểm soát. Còn các nhà xe hợp đồng hoạt động ngoài bến không kê khai giá vé, xuất vé cho hành khách kiểu thuận mua vừa bán nên không có cơ sở để xử lý. Việc xử lý chủ yếu tập trung vào các hành vi đón trả khách sai quy định, sai hành trình, không có hợp đồng vận chuyển…
Ông Lê Hoàng Minh - Phó giám đốc Sở GTVT cho biết, bốn bến xe lớn của TP.HCM dịp tết phục vụ gần 200.000 lượt khách/ngày cao điểm, do đó việc kiểm soát giá vé sát sao tại bốn bến xe này sẽ đảm bảo quyền lợi của người dân đi lại dịp tết. Để không bị bắt chẹt, hành khách nên vào bến mua vé.
Hơn một tháng, xử phạt 665 trường hợp vi phạm
Để chấn chỉnh tình trạng xe dù, bến cóc, Thanh tra giao thông Sở GTVT cho biết, từ đầu tháng 11 đến nay, TTGT phối hợp với các đội CSGT - Công an TP ra quân kiểm tra, xử lý. Tính đến nay, có 665 trường hợp bị lập biên bản vi phạm hành chính với số tiền xử phạt hơn 1,3 tỷ đồng, trong đó các lỗi vi phạm chủ yếu là: không có danh sách, hợp đồng vận chuyển; vi phạm lệnh vận chuyển; xe chở khách nhưng không có hoặc không gắn phù hiệu theo quy định; xe đón trả khách sai hành trình quy định…
Theo ông Lê Hồng Việt - Phó chánh thanh tra Sở GTVT, từ nay đến cuối năm, TTGT tiếp tục tăng cường, mở các đợt cao điểm kiểm tra xử lý nhiều tuyến đường nóng như Quốc lộ 1, Quốc lộ 13, các tuyến đường quanh khu vực các bến xe Miền Đông, Miền Tây, bến xe An Sương, bến xe Ngã tư Ga…
Thu Hồng
Bị bắt chẹt, nhồi nhét, gọi ngay đường dây nóng
Sở GTVT khuyến cáo, khi đi lại trong những ngày cao điểm tết, hành khách nên vào bến xe để mua vé, không nên nghe lời gạ gẫm mua vé tại các điểm xe khách trái phép rất dễ bị kẻ xấu lừa gạt. Sở GTVT sẽ mở hai số điện thoại nóng là 38.222.777, 38.292.284 để nhận phản ánh từ người dân về tình hình đi lại trong dịp tết Đinh Dậu sắp đến. Hành khách có thắc mắc về giá vé, chuyến xe, nên liên hệ đến các bến xe, cụ thể: