Xe chở vật liệu nguy hiểm "tung hoành": Tất cả chỉ là… nạn nhân!

27/09/2016 - 06:46

PNO - Khi vụ việc xảy ra, hướng dư luận tập trung chỉ trích người bất chấp nguy hiểm chở tôn, sắt, vật liệu mà quên đi nguyên nhân sâu xa khiến tình trạng này xảy ra phổ biến.

Ngày 26/9, PV đã có cuộc trò chuyện với PGS. TS Nguyễn Văn Hùng – nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội về tình trạng xe chở vật liệu sắc nhọn, nguy hiểm lưu hành phổ biến tại Việt Nam.

Xe cho vat lieu nguy hiem 
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng.

PV: Trong vòng 3 ngày qua, trên địa bàn Hà Nội đã có 2 nạn nhân tử vong mà nguyên nhân ít nhiều liên quan đến việc vận chuyển các vật liệu cồng kềnh, bằng phương tiện thô sơ. Lúc này, nhiều người mới giật mình nhận ra nhiều xe thô sơ chở tôn, sắt, vật liệu nguy hiểm... đang ngang nhiên "tung hoành" trên đường phố, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Thực tế, nhiều năm trước đã có lệnh cấm những xe ba gác, xích lô chở cồng kềnh trên phố. Một số địa phương ra quân xử lý nhưng không triệt để, chỉ được một thời gian ngắn tình trạng n lại tiếp tục diễn ra phổ biến. Vì sao lại như vậy, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Vấn đề ở chỗ giao thông Việt Nam đang tồn tại quá nhiều vấn đề nên khi cơ quan chức năng giải quyết được vấn đề này thì lại chậm vấn đề khác... Tôi nhớ đến quy định đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Khi mới áp dụng, nhiều người cũng không nghĩ rằng việc này có thể thực hiện đồng bộ được. Nhưng thực tế chỉ sau vài năm ra quân tuyên truyền, kết hợp với việc xử lý nghiêm khắc những trường hợp vi phạm thì nó đã trở thành văn hóa giao thông được mọi người thực hiện một cách tự nguyện.

Quay trở lại với việc xử lý xe thô sơ chở tôn, sắt, vật liệu nguy hiểm... nhiều năm mà vẫn không triệt để, tôi cho rằng đó là do việc thực thi pháp luật không được thường xuyên, nghiêm khắc, còn người vi phạm thì chưa hiểu hết được hậu quả của việc mình đang làm. Điều này xảy ra nhiều lần sẽ dẫn đến tình trạng “nhờn luật”, người dân sẽ không còn tin tưởng vào đơn vị thực thi pháp luật.

PV: Sau 2 sự vụ tử vong vì xe chở tôn ở TP. Hà Nội trong những ngày vừa qua, dư luận tập trung chỉ trích những người bất chấp nguy hiểm tính mạng của người khác mà chở vật cồng kềnh, sắc nhọn. Nhưng một bộ phận nhỏ khác thì ngược lại, họ cho rằng những người lái xe này cũng chỉ là "nạn nhân" của cái đói, cái nghèo và đặc biệt là việc thực thi pháp luật chưa nghiêm minh, triệt để nên mới như vậy.

Ví như, người phụ nữ tử vong khi đang chờ xe khách tại cầu Mai Lĩnh (Q. Hà Đông), nếu nạn xe dù bến cóc nếu được xử lý nghiêm thì đã không có chuyện đó. Hay như cháu bé 9 tuổi đi xe đạp đâm vào xe chở tôn bên đường, nếu như lực lượng an ninh trật tự hùng hậu của phường xử lý kịp thời thì đã không có chiếc xe chở tôn đứng chình ình dưới lòng đường. Ông bình luận như thế nào về ý kiến này?

Xe cho vat lieu nguy hiem 
Hiện trường vụ việc cháu bé 9 tuổi bị tôn cứa tử vong vào ngày 26/9 (Ảnh Dân trí).

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Một sự việc xảy ra thường có nhiều cách nhìn khác nhau. Trong hai sự việc mà bạn vừa đưa ra thì chúng ta có thể thấy 2 vấn đề đó là ý thức tôn trọng sinh mạng người khác và cuộc sống mưu sinh.

Xã hội phát triển thì càng nảy sinh nhiều bất cập, đòi hỏi người làm trong lĩnh vực quản lý cần phải dự báo được trước và đưa ra những phương án phòng ngừa, quản lý và xử phạt. Từ đó, cơ quan thực thi pháp luật cần phải đưa ra những chế tài nghiêm khắc hơn, theo dõi thường xuyên hơn.

Cần phải nhìn ra từ nhiều góc cạnh, chất lượng cuộc sống của người dân thấp dẫn đến tình trạng con người bất chấp nguy hiểm, tiết kiệm vài đồng chi phí để chở tấm tôn, sắt về nhà bằng phương tiện thô sơ. Hay đường của Việt Nam có quá nhiều phương tiện hỗn hợp nên nó tạo ra những chướng ngại vật, nguy hiểm khác nhau với cả người đang và không tham gia giao thông.

PV: Như ông nói, vậy việc ra quân xử lý xe thô sơ chở tôn, sắt, vật liệu nguy hiểm... của TP. Hà Nội trong 2 ngày qua chưa thể giải quyết được tình trạng “máy chém” tham gia giao thông?

PGS.TS Nguyễn Văn Hùng: Tất cả phải được giải quyết đồng bộ và trong thời gian dài. Như tôi đã nói ở trên, nếu tập trung giải quyết một vấn đề thì hàng trăm vấn đề khác sẽ nảy sinh trong cùng thời điểm ấy. Không chỉ có xe cồng kềnh mới gây ra nguy hiểm mà cơ sở hạ tầng xuống cấp, nhiều người đi trên đường, giao thông không được quy hoạch khoa học… cũng góp phần làm cho tai nạn tăng. Cũng không thể chỉ có “tháng an toàn giao thông” mà luôn luôn phải “ngày nào cũng là ngày an toàn giao thông”, để nó trở thành phong trào, ăn sâu vào ý thức của người dân.

Cảm ơn ông đã chia sẻ với Phụ nữ TP. HCM!

Đông Tẩu (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI