Xe cấp cứu từ thiện bị bắn tốc độ, đúng hay sai?

11/12/2019 - 10:30

PNO - Xe cấp cứu từ thiện bị cảnh sát giao thông bắn tốc độ và gửi thông báo mời lái xe đến xử lý. Cảnh sát giao thông có làm đúng luật?

* Hỏi: Tôi lái xe cấp cứu cho một tổ chức từ thiện của phường. Mới đây, Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh An Giang bắn tốc độ xe này và gửi thông báo cho chủ quản chiếc xe, mời đến “để xử lý vụ việc vi phạm theo quy định pháp luật”. Tôi thắc mắc, tại sao xe cấp cứu mà lại bị bắn tốc độ và xử phạt?

Nguyễn Văn Tân (H.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ)


- Trả lời: Khoản 1 và 2, điều 22, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định, những xe được quyền ưu tiên đi trước xe khác khi qua đường giao nhau từ bất kỳ hướng nào tới (gọi là xe ưu tiên) theo thứ tự: xe chữa cháy đi làm nhiệm vụ; xe quân sự, xe công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp, đoàn xe có xe cảnh sát dẫn đường; xe cứu thương đang thực hiện nhiệm vụ cấp cứu; xe hộ đê, xe đi làm nhiệm vụ khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh hoặc xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật; đoàn xe tang.

Các xe ưu tiên khi đi làm nhiệm vụ phải có tín hiệu còi, cờ, đèn theo quy định; không bị hạn chế tốc độ; được phép đi vào đường ngược chiều, các đường khác có thể đi được, kể cả khi có tín hiệu đèn đỏ và chỉ phải tuân theo chỉ dẫn của người điều khiển giao thông.

Khoản 11.7, điều 11 Quy chuẩn 41:2016/BGTVT (do Bộ Giao thông Vận tải ban hành) quy định: xe cứu thương có đèn quay hoặc đèn chớp phát sáng màu đỏ gắn trên nóc xe, có còi phát tín hiệu ưu tiên.

Khoản 2, điều 5, Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định: phạt tiền từ 300.000-400.000 đồng đối với người điều khiển xe lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên không đúng quy định hoặc sử dụng thiết bị phát tín hiệu ưu tiên mà không có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp hoặc có giấy phép của cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng không còn giá trị sử dụng theo quy định.

Căn cứ các quy định trên, xe cấp cứu là một trong năm loại xe ưu tiên. Tuy nhiên, xe phải đáp ứng một số điều kiện theo quy định pháp luật mới được cấp phép là xe cấp cứu. Xe cứu thương phải được cấp phép và có bảng, biểu, đèn phù hợp chức năng. 

Nếu chứng minh xe có giấy phép là xe cứu thương thì không thuộc đối tượng bị xử lý về tốc độ. Thực tế, có nhiều trường hợp lợi dụng để biến xe bình thường thành xe cứu thương, xe cấp cứu dù chưa/không được cấp phép.

Dù hoạt động từ thiện, nhân đạo, bạn cũng phải chấp hành đúng pháp luật. Trong vụ việc mà bạn nêu, cơ quan công an ra thông báo mời chủ phương tiện hoặc người điều khiển phương tiện đến giải quyết vi phạm chứ chưa phải là một quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Có nghĩa là, nếu chứng minh được đây là xe cấp cứu và đang làm nhiệm vụ cấp cứu thì có thể được miễn trách nhiệm hành chính.

Luật sư Nguyễn Thành Công
(Giám đốc Công ty luật Đông Phương Luật, Q.1, TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI