Xe buýt chỉ dành cho "con nhà nghèo"?
Là một hành khách đi xe buýt gần sáu năm qua, từ khi còn là sinh viên, chị Cát Hân kể, khi dùng vé tập, chị thường bị tài xế bỏ mặc, cho đi lố trạm mới dừng, phải đi bộ ngược lại: “Có hôm, cần đi từ đường Nguyễn Thị Thập tới khu Sky Garden trên đường Phạm Văn Nghị, Q.7, tôi bắt tuyến xe buýt số 34 (chợ Bến Thành - Trường đại học Công nghệ Sài Gòn). Xe không bật loa thông báo trạm dừng nên tôi phải chủ động canh gần đến trạm cần xuống, nói to yêu cầu với tiếp viên và tài xế.
Nhưng không hiểu sao, tài xế cứ cho xe chạy tiếp, đi lố ba trạm. Thay vì còn thời gian để đi bộ từ trạm xe buýt đến điểm hẹn, tôi phải tốn nửa giờ để đi ngược trở lại trạm cần xuống, kết quả là bị trễ cuộc họp” - chị Hân ấm ức.
Trần Thị Ngọc Huyền - một hành khách thường xuyên đi tuyến xe buýt số 50 (Trường đại học Bách khoa TPHCM - Đại học Quốc gia TPHCM) - cho biết, cô ngán nhất là cảnh phải chờ xe buýt dưới trời nắng mà không biết khi nào xe mới tới. Có lần, cô phải chờ gần 30 phút nhưng khi thấy xe, cô vẫy tay nhiệt tình, tài xế vẫn không thèm ghé trạm. Cô lại phải đợi thêm 35 phút nữa, mới lên được chuyến tiếp theo.
Kỹ sư Vũ Đức Thắng - nguyên cán bộ Sở Giao thông Vận tải TPHCM - đánh giá, hệ thống xe buýt của TPHCM bắt đầu vận hành từ năm 2002, nhưng 20 năm qua, gần như chưa có bước phát triển đột phá nào và chỉ đáp ứng dưới 9% nhu cầu đi lại của người dân. Với số tiền trợ giá không ngừng tăng (đến nay, đã lên đến 1.100 - 1.200 tỷ đồng/năm), tiền ngân sách đầu tư cho các dự án hỗ trợ thay mới phương tiện và đầu tư hạ tầng kỹ thuật nhiều, hiệu quả mang lại vẫn chưa tương xứng.
Ông nói: “Trước đây, tôi từng đi xe buýt để ghi nhận thực trạng và đến nay, sau 15 năm, những “vấn đề” của xe buýt vẫn như cũ. Hiện nay, hành khách đứng đợi ở trạm vẫn phải vẫy tay, có khi vẫy mỏi tay mà xe không thèm đón. Khi lên xe, khách đưa tiền lẻ, tiếp viên xé vé, rất lạc hậu. Nhìn vào hình thức thanh toán này, có thể thấy mức độ phát triển của xe buýt TPHCM. 15 năm trước, tôi đi Paris (Pháp), chỉ cần mua một tấm thẻ giao thông là có thể thoải mái đi tất cả các phương tiện công cộng như xe buýt, metro, tàu hỏa, taxi”.
Theo ông, ở các nước, giao thông công cộng được đầu tư hiện đại, cao cấp, chất lượng dịch vụ tốt, hướng tới tất cả các đối tượng, kể cả người giàu, lãnh đạo cao cấp. Còn xe buýt TPHCM có giá vé rất rẻ nhưng nó được tổ chức như một kiểu phương tiện cho “con nhà nghèo”. Bởi vậy, đối tượng đi xe buýt hiện nay chủ yếu là học sinh, sinh viên, người lao động nghèo.
|
Xe buýt TPHCM cần một “chiến lược” bài bản để thu hút hành khách (trong ảnh: Cảnh vắng vẻ ở bến xe buýt Chợ Lớn - TPHCM) - Ảnh: P.T |
Cần một chiến lược bài bản, nghiêm túc
Theo ông Vũ Đức Thắng, ngành xe buýt của TPHCM cần một cuộc “đại phẫu”, một chiến lược phát triển hẳn hoi chứ không phải chỉ là một vài đề xuất, đề án nhỏ lẻ như thời gian qua. Hiện nay, cơ chế trợ giá cho xe buýt còn bất cập, chủ yếu căn cứ trên doanh thu bán vé của từng tuyến xe, tức tuyến nào bán vé nhiều thì trợ giá ít và ngược lại. Chính cơ chế mang tính chất “bù lỗ” này đã triệt tiêu động lực phấn đấu thu hút hành khách nhằm tăng doanh thu của chủ xe cũng như tài xế, tiếp viên.
Bên cạnh đó, hiện nay, các hợp tác xã chiếm đa số trong cơ cấu hoạt động xe buýt với sản lượng chiếm khoảng 80%, số lượng phương tiện và số lượng tuyến hoạt động chiếm khoảng 70%. Tuy nhiên, mô hình hợp tác xã bộc lộ nhiều bất cập.
Trong hợp tác xã, mỗi thành viên là chủ sở hữu phương tiện và họ tổ chức dịch vụ trên xe theo ý mình, dẫn đến chất lượng phục vụ không đồng đều.
Chủ xe thường có tâm lý “xe nhà” nên tiếp viên, tài xế cũng chủ yếu là người quen, ít được đào tạo, nâng cao chất lượng phục vụ. Nhiều tài xế, tiếp viên thích nhận “tiền tươi” và xem hành khách sử dụng vé tập, vé tháng là những người “đi nhờ”.
Trong mỗi hợp tác xã, có nhiều xã viên nên khó tìm được tiếng nói chung, thường chậm trễ trong việc đưa ra các định hướng chung, dễ phát sinh những tranh giành nội bộ. Việc thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động ở một số hợp tác xã cũng chưa đầy đủ, gây ức chế cho tài xế, tiếp viên, ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ phục vụ hành khách. Do đó, ông Vũ Đức Thắng cho rằng, cần xây dựng lại cơ chế trợ giá hiệu quả và mô hình tổ chức phù hợp cho loại hình vận chuyển hành khách này.
Ông Võ Khánh Hưng - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho biết, trong thời gian tới, sở sẽ triển khai hàng loạt biện pháp để nâng cao chất lượng xe buýt. Sở vừa kiến nghị UBND TPHCM tăng cường mạng lưới tuyến xe buýt để tiếp cận người dân tốt hơn, từ 128 tuyến hiện nay lên 164 tuyến, trong đó có 133 tuyến trong TPHCM và 31 tuyến đến các tỉnh liền kề.
Theo ông Võ Khánh Hưng, một trong những nguyên nhân khiến xe buýt chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân là mạng lưới xe buýt chưa phủ khắp trên các trục đường nhỏ, khoảng cách từ nhà dân đến các trạm xe buýt còn xa… Trong số gần 4.400km đường hiện nay, có hơn 50% đường nhỏ hơn 7m nên xe buýt lớn khó tiếp cận. Do đó, sở đề xuất mở thêm bốn tuyến sử dụng xe có sức chứa nhỏ (minibus) trên các tuyến đường nhỏ, khu vực dân cư nội bộ, có kết nối với các tuyến metro, tuyến xe buýt nhanh BRT và tuyến xe buýt hoạt động trên các trục chính. Việc đầu tư minibus sẽ theo mục tiêu là rút ngắn quãng đường đi bộ từ nhà dân đến trạm xe buýt không quá 500m.
Hiện nay, xe buýt chủ yếu phục vụ học sinh, sinh viên, người lao động nên trước mắt, ngành giao thông sẽ bố trí thời gian hoạt động của xe buýt phù hợp với các đối tượng này. Các tuyến buýt nối tới các khu trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí sẽ kéo dài thời gian hoạt động đến 22 - 23g; các tuyến kết nối tới các chợ đầu mối sẽ bắt đầu hoạt động sớm hơn, từ 3 - 4g tùy nhu cầu từng khu vực.
Nhằm hiện đại hóa xe buýt, sở sẽ triển khai ứng dụng vé thông minh, đảm bảo áp dụng trên 100% số tuyến xe buýt vào năm 2025, liên thông với các loại hình vận tải khác (metro, phương tiện đường thủy, xe đạp công cộng…), đồng thời lắp đặt trang thiết bị hiện đại ở các điểm dừng, nhà chờ, điểm đầu cuối, điểm trung chuyển của mạng lưới tuyến xe buýt để phục vụ công tác quản lý, điều hành, thông tin cho hành khách theo thời gian thực, cung cấp thời gian hoạt động trong ngày, thời gian giãn cách và thời gian xe đến của từng tuyến.
Phương Thanh
Xe buýt THẾ HỆ MỚI khác hẳn Đó là nhận xét của nhiều hành khách sau một thời gian đi tuyến xe buýt điện đầu tiên của TPHCM (tuyến D4, từ khu đô thị Vinhome Grand Park đến bến xe buýt Sài Gòn) do một công ty tư nhân vận hành. Sau khi lên xe, khách có thể mua vé bằng tiền mặt, quẹt thẻ bằng máy hoặc mua vé trực tuyến từ trước. Đặc biệt, thái độ của tài xế, tiếp viên cực kỳ niềm nở, cúi chào và rất lịch sự với khách trong suốt chuyến đi. Trên xe, có bảng chạy chữ để thông báo trạm sắp đến cho hành khách. Xe có hệ thống tự động kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo những nguy cơ gây mất an toàn, có chế độ tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống, phù hợp với người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai… Trên xe có wifi miễn phí, cổng sạc USB, màn hình giải trí, có hệ thống camera an ninh và kiểm soát hành trình… Dù mới mở được hơn một tháng nhưng xe buýt điện phục vụ được gần 1.500 khách/ngày. |
Cán bộ ngành giao thông cũng “chê” xe buýt Cách đây nhiều năm, chính quyền TPHCM có phát động phong trào cán bộ, công chức đi làm bằng xe buýt và ngành giao thông cũng triển khai đến các đơn vị trong ngành. Nhưng sau đó, không thấy một cuộc tổng kết nào và đến nay, phong trào này hoàn toàn bị bỏ lửng. Thử hỏi đến nay, có được bao nhiêu cán bộ ngành giao thông đi làm bằng xe buýt mỗi ngày? Cán bộ, công chức của ngành giao thông hô hào người dân đi xe buýt nhưng bản thân mình không đi, liệu có hợp lý không? Họ không đi bởi chính họ cũng thấy đi xe buýt bất tiện. Vậy thì lẽ ra, họ càng phải nỗ lực cải tiến lĩnh vực xe buýt để thu hút người dân. Trước mắt, ngành giao thông cần làm gương trong việc sử dụng xe buýt, từ đó thu hút người dân đi theo. UBND thành phố cũng nên nghiên cứu, dành một khoản chi phí kích cầu đặc biệt để khuyến khích người dân đi xe buýt. Kỹ sư Vũ Đức Thắng - nguyên cán bộ Sở Giao thông Vận tải TPHCM |