Xe buýt nửa vời, hàng ngàn tỷ đồng luẩn quẩn

03/12/2018 - 06:00

PNO - Phía sau câu chuyện nông dân cầm vô-lăng điều khiển xe buýt là vòng luẩn quẩn khiến hàng ngàn tỷ đồng trợ giá cũng hóa mông lung.

Sử dụng xe buýt như phương tiện duy nhất để đi lại ở TP.HCM suốt 20 năm qua, ông Mai Thanh Hà - một luật sư ở Q.5, TP.HCM - cảm thấy hệ thống vận tải hành khách công cộng được Nhà nước hỗ trợ cả ngàn tỷ đồng mỗi năm này vẫn không thay đổi gì nhiều.

Xe buyt nua voi, hang ngan ty dong luan quan
Tình trạng xe buýt vi phạm quy định về an toàn giao thông khá phổ biến - Ảnh: H.N.

Những cái vẫy tay lạc hậu

Với áo sơ-mi trắng, quần ka-ki bạc và nón cối kiểu Pháp, ông Mai Thanh Hà là vị khách đi xe buýt có trang phục khác biệt, rất dễ nhận ra. Thế nhưng, chính phong cách ăn mặc không lẫn vào ai ấy lại khiến ông gặp không ít phiền hà khi đi xe buýt. “Hầu như cứ ra đường là tôi đi xe buýt. Tôi đi nhiều đến nỗi hầu như tài xế xe buýt nào cũng biết mặt, đó là chưa kể trang phục của tôi có thể nhận biết từ xa. Nhưng, cũng vì biết tôi đi xe buýt nhiều, sử dụng vé tập nên có khi, tôi đứng ở trạm vẫy mỏi tay mà xe vẫn không dừng, họ cố tình lướt qua luôn” - ông Hà phản ánh.

Theo ông Hà, hình ảnh người đi xe buýt phải vẫy tay ở trạm chờ và mua vé theo từng chặng là minh chứng rõ ràng nhất cho sự lạc hậu của xe buýt. Ông bày tỏ: “Trước đây, tôi sống ở nước ngoài, quen đi xe buýt và tàu điện ngầm, nên khi về Việt Nam, tôi cũng chủ yếu đi lại bằng đi xe buýt.

Từ năm 1990, khi xe buýt chưa được đầu tư, chủ yếu là xe buýt nhỏ và chưa có trạm dừng cố định, khách vẫy tay đón xe và mua vé từng chặng. Còn bây giờ, mỗi năm, xe buýt được Nhà nước hỗ trợ cả ngàn tỷ đồng, có cả trung tâm điều hành thông minh mà khách vẫn phải vẫy tay đón xe và mua vé theo từng chặng là không thể chấp nhận được”.

Ông Hà lập luận: “Xe buýt là phương tiện vận tải hành khách công cộng chạy theo lộ trình, do đó, đến trạm là phải dừng để cho khách lên xuống. Còn xe buýt mà cứ vẫy tay mới dừng thì chẳng khác nào xe đò. Nó chứng tỏ quyền lực vẫn còn nằm ở tài xế xe buýt. Tài xế giống như người ban phát, muốn cho ai lên xe thì cho. Những hành vi kém văn hóa trên xe buýt từ đó cũng dễ phát sinh. Vì thế, xe buýt vẫn còn rất nhếch nhác, xe không mở máy lạnh, xe xả khói đen, xe có trần dơ bẩn vẫn còn khá phổ biến, tài xế hút thuốc lá, chửi thề cũng không hiếm”.

Xe buyt nua voi, hang ngan ty dong luan quan
Một chuyến xe buýt nhếch nhác và tiếp viên liên tục thò đầu ra cửa vẫy tay bắt khách như xe đò mà chúng tôi ghi nhận được vào cuối tháng 11/2018 - Ảnh: H.N.

Trong vai hành khách đi xe buýt, chúng tôi đứng ở một trạm chờ vắng người và thử không vẫy tay, quả nhiên, không thấy chiếc xe buýt nào dừng lại. 

Thích xé vé, lấy tiền liền

Đi ngẫu nhiên trên một số chuyến xe buýt từ nội thành TP.HCM ra vùng ven và ngược lại, chúng tôi nhận thấy, hành khách trên xe buýt được tiếp viên ưu ái nhất là những người đi chặng ngắn, mua vé, trả tiền. Những người đi vé tập, vé tháng hoặc có thẻ ưu tiên (giảm giá vé) như sinh viên thường bị hắt hủi. “Thẻ đâu, đưa đây coi? Trả lại nè!” là những câu cộc lốc thường được tiếp viên dùng để hoạnh họe những hành khách đi xe buýt bằng vé tập, hoặc có thẻ ưu tiên.

Là người đi xe buýt thường xuyên, ông Hà đã gặp vô số tình huống tiếp viên, tài xế không những kém văn hóa mà còn cố tình gây khó dễ với hành khách là sinh viên. “Có lần, tôi thấy tài xế gây khó dễ, không chấp nhận thẻ sinh viên của một cô gái chỉ vì thẻ này ghi tiếng Anh, không có tiếng Việt, dù cô này đã giải thích đây là thẻ sinh viên thật nhưng tài xế vẫn yêu cầu xuống xe khiến cô khóc ấm ức. Theo tôi được biết, thẻ sinh viên của một số trường đại học ở TP.HCM chỉ ghi tiếng Anh, không có tiếng Việt. Trong khi đó, hiện nay, không có quy định rõ ràng về ngôn ngữ trên thẻ sinh viên nên tài xế lấy cớ thẻ tiếng Anh không đọc được để gây phiền hà cho người đi xe buýt diện ưu tiên” - ông Hà kể.

Hơn 15 năm thường xuyên đi xe buýt và thuộc diện được miễn phí vì là người khuyết tật, ông Vương Lai Thuận (hiện sống tại Q.Bình Thạnh, TP.HCM) không nhớ hết những lần chịu ấm ức: “Xe dừng đỗ quá nhanh nên mỗi lần lên xuống xe đối với người khuyết tật như tôi đúng là cực hình. Tôi không nhớ nỗi bao nhiêu lần mình suýt té vì tài xế chạy ẩu. Nhưng ám ảnh nhất vẫn là nghe đi nghe lại những câu nói miệt thị: “Đã miễn phí mà cứ đi hoài”.

Xe buyt nua voi, hang ngan ty dong luan quan
 

Theo ông Thuận, những người khuyết tật đi xe buýt miễn phí là nhờ chính sách hỗ trợ của chính quyền TP.HCM chứ không phải do các đơn vị chủ xe buýt hỗ trợ. Vì thế, việc tài xế, tiếp viên miệt thị khách chứng tỏ phía sau còn có những điều gì đó khuất tất. 

Khi chủ xe cũng là tài xế

Từ thắc mắc của ông Thuận, chúng tôi tìm hiểu và được biết, hiện nay, xe buýt ở TP.HCM hoạt động theo hai mô hình chính là doanh nghiệp và hợp tác xã. Loại hình hợp tác xã phần lớn được quản lý theo hình thức hỗ trợ dịch vụ, nghĩa là hợp tác xã chỉ làm đầu mối tiếp nhận và phân chia tiền trợ giá từ ngân sách thành phố xuống các xã viên, còn xã viên chính là chủ xe buýt, chịu trách nhiệm về hoạt động của xe.

Quản lý tập trung giúp hạn chế tiêu cực

Ông Lê Thọ Kha - Trưởng phòng Kế hoạch điều hành, Hợp tác xã Vận tải 19/5, đơn vị có 500 xe buýt đang hoạt động ở TP.HCM - cho biết, hợp tác xã này áp dụng mô hình quản lý tập trung nên hạn chế được những tiêu cực, nhất là từ tài xế, tiếp viên: “Chúng tôi quản lý theo mô hình tập trung, xã viên góp tiền mua xe nhưng không được trực tiếp quản lý, điều hành xe. Tài xế và tiếp viên chỉ là người lao động được hợp tác xã ký hợp đồng và trả lương cố định hằng tháng; nếu làm việc tốt, sẽ được thưởng thêm, mức cao nhất khoảng 4 triệu đồng/tháng. Xã viên - người góp tiền mua xe buýt - muốn chạy xe, cũng phải làm việc theo hợp đồng lao động. Chúng tôi có ga-ra riêng để sửa chữa, bảo trì xe nên kiểm soát được các chi phí liên quan”.

Do chủ xe buýt là cá nhân nên họ có quyền chọn tài xế và tiếp viên theo ý họ, miễn sao có lợi nhất. Có trường hợp chủ xe cũng là tài xế và sử dụng người nhà làm tiếp viên. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bắt khách làm theo ý muốn để “xé vé lấy tiền liền” và phân biệt đối xử với những người đi xe buýt theo vé tháng hoặc có thẻ ưu đãi.

Dù vậy, nhiều chủ xe buýt vẫn kêu lỗ vì cho rằng chậm cấp phát tiền trợ giá. Một chủ xe thuộc Hợp tác xã Đông Nam - nơi xảy ra tình trạng tài xế “nhí” không bằng lái điều khiển xe buýt mà Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh - cho biết, từ đầu năm 2018 đến nay, do chưa nhận được tiền trợ giá nên hoạt động rất khó khăn.

“Chi phí hoạt động cho mỗi chiếc xe khoảng 1,4 triệu đồng/ngày, gồm tiền trả cho tài xế 450.000 đồng/ngày, tiếp viên 250.000 đồng/ngày và tiền xăng dầu khoảng 700.000 đồng/ngày, trong khi tiền bán vé chỉ được khoảng 1 triệu đồng/ngày. Nhờ tiền trợ giá nên còn cầm cự được. Từ đầu năm 2018 đến nay, do Trung tâm Quản lý vận tải hành khách công cộng chậm trả tiền trợ giá nên hoạt động rất khó khăn. Mình là chủ xe mà không có tiền nên tài xế, tiếp viên cũng khó khăn theo” - chủ xe than thở.

Tiếp viên một xe buýt có chủ xe cũng là tài xế cho biết, cô phải làm từ sáng đến tối, được chủ xe trả 250.000 đồng/ngày nhưng mấy tháng qua chỉ được tạm ứng, chưa nhận đủ tiền. Trong khi đó, hằng tháng, cô phải chi lại cho một bộ phận khác (dạng đóng “hụi chết” mà Báo Phụ Nữ TP.HCM đã phản ánh) với chi phí khoảng 1 triệu đồng/tháng, đó là chưa kể tiền bị phạt khi trễ giờ. 

Phía sau những nông dân lái xe buýt

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM - cho biết, hiện nay, trung bình mỗi ngày, TP.HCM có hơn 10.000 chuyến xe buýt hoạt động với lượng tài xế và tiếp viên khoảng 4.000 người. “Tài xế chỉ cần có bằng lái xe tương ứng với loại xe và tiếp viên cũng chỉ cần đủ tuổi và sức khỏe, chứ không cần trình độ, bằng cấp. Trước khi tuyển dụng, tài xế và tiếp viên xe buýt chỉ cần tham gia khóa tập huấn khoảng 3 ngày và được cấp giấy chứng nhận là đủ điều kiện để xin làm tài xế, tiếp viên. Việc tuyển dụng do doanh nghiệp và hợp tác xã xe buýt chịu trách nhiệm, trung tâm chỉ kiểm tra hồ sơ do các đơn vị gửi lên để ký hợp đồng” - ông Trung nói.

Xe buyt nua voi, hang ngan ty dong luan quan
Lãnh đạo Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP.HCM kiểm tra các chuyến xe buýt có tài xế nhỏ tuổi và không có bằng lái mà Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh - Ảnh: H.N.

Về tiền trợ giá cho hoạt động xe buýt, ông Trung cho biết, mỗi năm, ngân sách thành phố chi khoảng 1.000 tỷ đồng; riêng năm nay, do nhiều đơn vị đầu tư xe mới nên số tiền trợ giá sẽ được điều chỉnh tăng thêm. 

Theo ông Trung, hiện TP.HCM có 13 đơn vị hoạt động xe buýt, trong đó có 3 doanh nghiệp, còn lại là hợp tác xã. Trong mô hình hợp tác xã, chỉ có 3 đơn vị hoạt động theo hình thức quản lý tập trung, còn lại là hợp tác xã kiểu hỗ trợ dịch vụ. “Do hợp tác xã hỗ trợ dịch vụ nên có không ít trường hợp chủ xe cũng là tài xế. Có nhiều người xuất thân là nông dân, chồng chạy xe, còn vợ là tiếp viên, nên có những hạn chế nhất định. Nhưng xe buýt giải quyết được công ăn việc làm cho họ; họ làm việc từ sáng sớm đến tối mịt mới về, cuộc sống cũng vô cùng vất vả” - ông Trung bày tỏ.

Trao đổi với chúng tôi, một chuyên gia về lĩnh vực vận tải hành khách công cộng cho rằng, nông dân chạy xe buýt cũng là sự phản chiếu về thất bại của mô hình xe buýt ở TP.HCM. “Có thể thấy ngay rằng, nông dân không có kiến thức và kỹ năng để phục vụ tốt hành khách xe buýt. Họ chỉ muốn bán vé lấy tiền liền, trong khi để phát triển xe buýt, cần phải ứng dụng kỹ thuật, công nghệ ngày càng hiện đại” - vị này phân tích.

Vị chuyên gia này nhấn mạnh thêm: “Chính phủ kêu gọi phát triển một nền kinh tế không tiền mặt mà đi xe buýt cũng phải mua vé, trả tiền mặt từng chặng thì không thể chấp nhận được, vì đây là nơi dễ áp dụng thẻ nhất. Mặt khác, nếu cứ để xe buýt hoạt động theo kiểu mua vé bằng tiền mặt thì rất khó kiểm soát được thu chi, do đó cũng khó xác định được hiệu quả thực sự từ số tiền trợ giá ngàn tỷ đồng mỗi năm cho xe buýt”. 

Lỗ hổng từ tiền trợ giá xe buýt

Trao đổi với chúng tôi, một vị nguyên lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, trợ giá xe buýt là hình thức bù lỗ cho hoạt động này. Tiền trợ giá được tính theo công thức “lấy chi phí hoạt động thực trừ đi doanh thu”. Ví dụ, trong một tháng, xe buýt A cần 1 tỷ đồng nhưng doanh thu từ bán vé chỉ 500 triệu đồng, số tiền trợ giá từ ngân sách thành phố sẽ là 500 triệu đồng. “Tiền trợ giá thực chất là tiền hỗ trợ cho hành khách đi lại với giá rẻ hơn thực tế, nhằm khuyến khích nhiều người đi xe buýt. Khi hành khách tăng lên, tiền trợ giá sẽ giảm xuống” - vị này phân tích.

Tuy nhiên, ông cũng nhìn nhận, hoạt động xe buýt hiện nay chưa đáp ứng được yêu cầu của 3 đối tượng liên quan, nên cần phải tìm mô hình quản lý thích hợp hơn. “Ba đối tượng liên quan đến xe buýt là chính quyền TP.HCM - đơn vị chi tiền trợ giá hằng năm, người đi xe buýt và người đầu tư xe buýt. Chính quyền TP.HCM không hài lòng vì người đi xe buýt còn quá ít, chỉ chiếm vài phần trăm so với nhu cầu đi lại của người dân; người đi xe buýt thì than phiền xe không đủ tuyến, chạy không đúng giờ, chất lượng phục vụ kém; người đầu tư xe buýt lại than lỗ. Một mô hình không đáp ứng được yêu cầu của cả ba đối tượng liên quan, chứng tỏ nó chưa tốt, cần phải xem xét lại” - ông bày tỏ thêm.

Theo các chuyên gia tài chính, cách tính trợ giá như lâu nay của UBND TP.HCM rất dễ phát sinh tiêu cực, khó kiểm soát, bởi số tiền trợ giá là con số thực, phải chi trả hằng năm, trong khi chi phí hoạt động và doanh thu từ bán vé lại biến đổi liên tục. Ví dụ, một đơn vị có doanh thu 1 tỷ đồng/tháng nhưng chi phí thực sự chỉ 900 triệu đồng thì không cần trợ giá nữa, nhưng họ có thể tìm cách gian lận để đưa ra con số doanh thu khác để vẫn được hưởng tiền trợ giá.

Mặt khác, nó không tạo sự công bằng giữa các đơn vị kinh doanh xe buýt, không khuyến khích được sự phát triển; ví dụ đơn vị này đầu tư xe tốt, hoạt động hiệu quả thì tiền trợ giá giảm xuống, trong khi đơn vị khác chạy xe cũ, phục vụ kém, vẫn được trợ giá đều đều. Do đó, thay vì cứ trợ giá theo cách như lâu nay, có thể dùng tiền trợ giá để đầu tư cho việc khảo sát, đánh giá luồng tuyến, hệ thống hạ tầng kỹ thuật cho xe buýt, sau đó tổ chức đấu thầu các tuyến để doanh nghiệp tư nhân tham gia. Chỉ có xã hội hóa lĩnh vực này, may ra mới giảm bớt gánh nặng về trợ giá cho xe buýt hằng năm.

Trung Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI