Xe buýt có thể tiếp tục gây 'lạnh lưng' vì hợp tác xã lèm nhèm tài chính

22/12/2018 - 06:00

PNO - Người kinh doanh xe buýt cho rằng, các hành vi vi phạm mà báo phản ánh cần xử lý nghiêm để răn đe, nhưng cơ quan chức năng cũng cần xem lại việc trợ giá để đảm bảo đời sống cho chủ xe, tài xế, nhân viên.

Hơn 20 ngày sau khi loạt bài Lạnh lưng trên xe buýt “tử thần” được đăng tải trên Báo Phụ Nữ TP.HCM, xe buýt của Hợp tác xã Đông Nam lại có nguy cơ mất tín hiệu kết nối hành trình do đang nợ tiền các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Hợp tác xã này hiện đang có những vấn đề về tài chính, kéo theo nguy cơ sụt giảm chất lượng 
dịch vụ.

Nguy cơ mất hệ thống giám sát

Phản ánh với Báo Phụ Nữ TP.HCM, xã viên của Hợp tác xã (HTX) Đông Nam cho biết, sắp tới, các tuyến xe buýt của HTX Đông Nam sẽ có nguy cơ mất tín hiệu kết nối hành trình trên xe buýt, do HTX đang nợ hai công ty cung cấp dịch vụ 1,6 tỷ đồng. Nếu không thanh toán, các đơn vị này sẽ cắt các dịch vụ, trong đó có cả dịch vụ truyền dữ liệu về trung tâm giám sát.

“Nạn bỏ khách, phóng nhanh, vượt ẩu, tài xế “nhí” không bằng lái điều khiển xe mà Báo Phụ Nữ TP.HCM phản ánh vừa qua đang gây bức xúc cho người dân. Việc cắt dịch vụ truyền dữ liệu giống như thả nổi, hậu quả sẽ khó mà lường hết được” - tài xế T. nói.

Xe buyt co the tiep tuc gay 'lanh lung' vi hop tac xa lem nhem tai chinh

Chủ xe buýt tuyến 51 sống chật vật cả năm nay vì tiền trợ giá chưa đến tay đã bị ngân hàng trừ.

Được biết, hiện HTX Đông Nam đang được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng (QLGTCC, thuộc Sở Giao thông Vận tải TP.HCM) ký hợp đồng đặt hàng 8 tuyến xe buýt có trợ giá, với 154 phương tiện. Mỗi năm, các tuyến xe này vận chuyển khoảng 10 triệu lượt hành khách.

Ông Trần Chí Trung - Giám đốc Trung tâm QLGTCC - cho biết, trung tâm đã làm việc với hai đơn vị cung cấp dịch vụ và HTX Đông Nam. Qua buổi làm việc, HTX Đông Nam cam kết sẽ trả tiền để hai đơn vị này tiếp tục cung cấp dịch vụ truyền dữ liệu về trung tâm giám sát.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của chúng tôi, “bức tranh tài chính” của HTX Đông Nam hiện nay không mấy sáng sủa. Năm 2016, Chi cục thuế Q.2 kiểm tra thuế tại HTX Đông Nam, ra quyết định xử lý vi phạm với tổng số tiền truy thu, chậm nộp và xử phạt gần 2,5 tỷ đồng. Do HTX Đông Nam không đảm bảo về tài chính để thực hiện quyết định trên, Chi cục thuế Q.2 đã cấn trừ tiền trợ giá xe buýt - do Trung tâm QLGTCC thanh toán cho HTX. Đến tháng 12/2018, HTX Đông Nam vẫn còn nợ xã viên số tiền trợ giá này.

Theo phản ánh của xã viên, tại HTX Đông Nam, hiện có rất nhiều xe buýt mới đầu tư nhưng do hoạt động không hiệu quả nên phải dừng hoạt động. Vốn đầu tư những xe này hầu hết vay ngân hàng và do HTX đứng tên cho xã viên. Do HTX nợ tiền ngân hàng nên khi tiền trợ giá từ Trung tâm QLGTCC tạm ứng về, HTX phải trả tiền gốc, lãi đầu tư xe mới cho ngân hàng, xã viên chẳng còn bao nhiêu. Đơn cử, tháng 6/2018, Trung tâm QLGTCC tạm ứng cho HTX Đông Nam khoảng hơn 23 triệu đồng/xe nhưng số tiền trả lãi, gốc cho ngân hàng đã hơn 19,6 triệu đồng.

Việc mua xe mới của HTX Đông Nam năm 2016 cũng “có vấn đề” ở mức vay. Theo đó, chủ trương của UBND TP.HCM là chỉ hỗ trợ lãi vay đối với 70% chi phí đầu tư phương tiện xe buýt, nhà đầu tư phải trả trước 30% giá trị xe, nhưng khi đầu tư xe mới, ban giám đốc HTX, thành viên và ngân hàng lại thỏa thuận mức vay đến 80% giá trị xe, thời hạn vay này kéo dài 7 năm. Chính vì vậy, hằng tháng, số tiền mà HTX Đông Nam phải trả cho ngân hàng nhiều hơn bình thường. Vừa qua, các đơn vị liên quan đã thương thảo để ngân hàng giãn nợ cho HTX Đông Nam.

Nỗi buồn trợ giá

Sau loạt bài Lạnh lưng trên xe buýt “tử thần” đăng trên Báo Phụ Nữ TP.HCM (từ ngày 28/11 - 3/12), trao đổi với phóng viên, nhiều người kinh doanh xe buýt cho rằng, các hành vi vi phạm mà báo phản ánh cần bị xử lý nghiêm để răn đe, nhưng các cơ quan chức năng cũng cần xem lại việc trợ giá để đảm bảo đời sống cho chủ xe, tài xế, nhân viên.

Nhiều năm nay, tại HTX Đông Nam, liên tục xảy ra tình trạng tài xế bỏ chuyến do không đủ kinh phí hoạt động, bị nợ tiền trợ giá. Báo Phụ Nữ TP.HCM cũng đã nhiều lần phản ánh tình trạng này, nhưng cứ vài tháng lại tái diễn tình trạng nợ.

Ông P. - chủ kinh doanh hàng chục năm gắn bó với ngành xe buýt - nói: “Chúng tôi đổ cả gia tài vào xe buýt, đương nhiên chúng tôi phải nỗ lực phục vụ tốt để giữ gia tài của mình, nhưng tiền trợ giá cứ chậm quyết toán. Tết năm vừa rồi, chúng tôi không có tết vì không có tiền trợ giá. Chúng tôi muốn nâng cấp, sửa chữa xe cũng phải có tiền, nhưng tiền thì cứ chảy đi đâu chứ không đến tay chủ xe”.

Trong khi đó, báo cáo về tình hình hoạt động của HTX Đông Nam với Thường trực UBND TP.HCM liên quan đến phản ánh của Báo Phụ Nữ TP.HCM, Sở Giao thông Vận tải TP.HCM cho biết, tình trạng mất chuyến, bỏ chuyến kéo dài ở HTX Đông Nam là do năng lực tài chính của đơn vị này không đảm bảo và chưa có phương án xử lý các khoản nợ, chậm quyết toán trợ giá xe buýt cho các thành viên.

Để khắc phục tình trạng trên, sở yêu cầu HTX Đông Nam phải tổ chức lại phương thức quản lý, điều hành, cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, có thể là liên kết, liên doanh, hợp tác với các đơn vị có năng lực tài chính, có khả năng quản trị, điều hành tốt.

Sở cũng kiến nghị Thường trực UBND TP.HCM chỉ đạo Liên minh HTX TP.HCM hỗ trợ, hướng dẫn HTX Đông Nam trong quá trình sắp xếp lại phương thức quản lý, điều hành và tiếp cận “Quỹ trợ vốn thành viên, HTX” (quỹ CCM), kiến nghị chỉ đạo UBND Q.2 quan tâm, hỗ trợ và tạo điều kiện để HTX Đông Nam xử lý các vấn đề liên quan đến tài chính, công tác sắp xếp lại hoạt động tại đơn vị này.

Trong khi chờ các cơ quan chức năng đưa ra các giải pháp để “cứu” HTX Đông Nam, đời sống của chủ xe buýt hiện vẫn tiếp tục bấp bênh do không đủ sống. Đầu tháng 12 vừa qua, nhiều chủ xe buýt ở HTX Đông Nam đã tuyên bố bỏ chuyến vì không còn khả năng hoạt động.

Chuyển hợp tác xã, đỡ chật vật hơn

Khoảng năm 2017, HTX Đông Nam chuyển giao xe buýt tuyến 141 sang cho HTX 15 quản lý. Sau hơn một năm hoạt động, dù vẫn còn một số điểm bất cập (như vụ bị “ép” mua xe mới mà Báo Phụ Nữ TP.HCM từng phản ánh), nhưng về cơ bản, chúng tôi sống khỏe hơn. Do HTX Đông Nam nợ ngân hàng nên tiền trợ giá đến tay chúng tôi bị giảm rất nhiều. Phí quản lý ở HTX 15 cao hơn nhưng từ khi chuyển HTX, chúng tôi đỡ chật vật hơn. Đời sống chủ xe, lái xe ổn định, từ đó chất lượng dịch vụ được nâng cao. Từ thực tế này, tôi nghĩ, Sở Giao thông Vận tải nên tính đến phương án chuyển giao bớt tuyến xe buýt của HTX Đông Nam cho những HTX có năng lực về tài chính quản lý, thay vì cố tìm cách “giải cứu”.

Ông H. - chủ xe buýt tuyến 141

Sơn Vinh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI