Xe bánh xích, “grab rừng” và hành trình của shipper vùng núi

30/06/2020 - 08:00

PNO - Những chiếc xe cũ được mua với giá vài triệu đồng và được “độ” theo đúng nghĩa đen của nó làm cần câu cơm cho nhiều người dân vùng núi Tà Năng.

Chiếc xe “độ” giá 2 triệu đồng

Theo một dân “có nghề” trong làng độ xe tại thôn Tà Nhiên, xã Tà Năng (huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng), những chiếc xe có hình thù kỳ quái mà chúng tôi đang nhìn thấy có giá thành vỏn vẹn chỉ 2 triệu đồng được người dân mua từ Trung Quốc có “giấy tờ” hẳn hoi. Tuy nhiên, một shipper thực thụ sẽ không thể hành nghề với chiếc xe trơn tru như thế.

Những con dốc dựng đứng khiến mỗi lần chúng tôi đi qua đều phải dè chừng. Ấy thế mà những gã shipper vẫn băng băng trên con xe của mình
Những con dốc dựng đứng khiến mỗi lần chúng tôi đi qua đều phải dè chừng. Ấy thế mà những gã shipper vẫn băng băng trên con xe của mình

Xe mua về được chủ nhân đưa vào các lò “độ” có tiếng trên địa bàn huyện để nâng cấp thành một “quái thú” bánh xích, có thể bất chấp mọi địa hình, thời tiết. Xe sẽ trải qua các công đoạn thay sên cam, làm nồi, phuộc nhún, loại bỏ các chức năng không cần thiết nhằm giúp xe càng nhẹ càng tốt và thồ được nhiều hàng. Tổng chi phí để có được chiếc xe trên vào khoảng 9 triệu đồng.

Chúng tôi và những người khác gọi đây là những “cỗ xe quái thú” bởi hình thù và công năng của chúng vượt xa trí tưởng tượng của một nhân viên văn phòng lần đầu tập tành trekking cùng nhóm bạn như tôi.

Chiếc xe được mua với giá 2 triệu đồng, sau đó được đưa vào các lò “độ” để nâng cấp thành một “quái thú” bất chấp mọi địa hình, thời tiết
Chiếc xe được mua với giá 2 triệu đồng, sau đó được đưa vào các lò “độ” để nâng cấp thành một “quái thú” bất chấp mọi địa hình, thời tiết

Theo chân gã shipper có gần 15 năm trong nghề dùng xe leo núi

Anh Văn Bờm (ngụ xã Tà Năng, huyện Phú Trọng, tỉnh Lâm Đồng), một người có thâm niên gần 15 năm trong nghề thồ hàng cho khách du lịch lên đỉnh Tà Năng, chia sẻ: “Ở thôn này (thôn Tà Nhiên - PV), nhà nào cũng có ít nhất hai chiếc xe, nhiều tài xế ở đây là người dân tộc Raglai…”.

Mỗi tài xế sẽ nhận vận chuyển hàng hóa, đồ đạc, lều trại của các đoàn leo núi lên đến điểm cắm trại (quãng đường gần 30km tính từ bìa rừng) với chi phí 2,5 triệu đồng/chuyến bao gồm cả tiền công dựng lều trại, nhóm bếp lửa. Các đoàn leo núi sử dụng dịch vụ này khá nhiều vì nó tiết kiệm thời gian, năng lượng cho cả đoàn do không phải mang vác đồ đạc cồng kềnh.

Mỗi chuyến xe trị giá 2,5 triệu đồng, nhưng các lái xe chỉ chở được 1 lần/tuần và phải thay phiên nhau
Mỗi chuyến xe trị giá 2,5 triệu đồng, nhưng các lái xe chỉ chở được 1 lần/tuần và phải thay phiên nhau

Kể về cái duyên với “nghề”, anh Bờm bộc bạch: “Chứng kiến nhiều khách phải mang những chiếc ba-lô rất lo và nặng trên lưng với đoạn đường di chuyển khá xa, chúng tôi đã gợi ý chở thuê, từ đó phát triển dịch vụ đến tận bây giờ, bao gồm cả mì gói bán trên suốt cung đường khách đi, nước giải khát tại các trạm do chúng tôi tự dựng lên để hỗ trợ du khách”.

Khi chúng tôi tỏ thái độ ngỡ ngàng trước số tiền 2,5 triệu đồng/chuyến, anh Bờm cười tươi rói cho biết, tuy mỗi chuyến được 2,5 triệu đồng nhưng mỗi tài xế ở đây chỉ chở được một chuyến mỗi tuần và phải thay phiên nhau. Tuy nhìn vào có thể thấy họ hoạt động theo kiểu cá nhân, đơn lẻ nhưng đây là một đội tự quản, do người dân tự điều hành một cách trật tự, nền nếp.

Hành lý cồng kềnh là một trong những trở ngại đối với các “phượt thủ”
Hành lý cồng kềnh là một trong những trở ngại đối với các “phượt thủ”

Theo đó, các thanh niên chỉ có dịp hành nghề vào ngày thứ bảy hằng tuần. Những ngày còn lại thì ai làm việc nấy. Sau những chuyến thồ hàng, việc đầu tiên các phu xe phải làm là bảo trì chiếc xe của họ. Dù mỗi chuyến chỉ tầm 30km nhưng mất đến gần 4 giờ để di chuyển, do địa hình đồi núi, dốc dựng đứng gần như liên tục. Mỗi chiếc xe sẽ được thay ngay cặp nhông sên dĩa khác cho hành trình tiếp theo với giá 300.000 đồng/bộ sên.

Cuộc hành trình sẽ nhẹ nhàng hơn khi trời quang mây tạnh, đất không sình lầy. Trường hợp trời mưa, công cuộc ship hàng sẽ khó hơn gấp nhiều lần vì đường trơn trượt, bánh xe không bám đường.

Sau nhiều lần vật vã với đoạn đường lầy lội, những shipper núi Tà Năng đã phát minh thêm bánh xích, giúp tăng độ bám đường cho xe, giảm nguy cơ té ngã. Mỗi bộ bánh xích giá 250.000 đồng, được chế tạo từ sên cũ, người dùng có thể tháo ra khi trời khô ráo và gắn vào khi trời trơn trợt, khó đi.

Những xe không gắn bánh xích sẽ khó vượt qua những đoạn sình lầy của cung đường Tà Năng
Những xe không gắn bánh xích sẽ khó vượt qua những đoạn sình lầy của cung đường Tà Năng

Những con dốc dựng đứng khiến mỗi lần chúng tôi đi qua đều phải dè chừng, e ngại, ấy thế mà những gã shipper có thâm niên trong nghề vẫn băng băng trên cỗ xe quái thú của mình dù chỉ cần một sơ suất là có thể thiệt mạng. “Thật ra tình huống té ngã gây chấn thương sọ não rất khó xảy ra vì chúng tôi chạy chậm, phần lớn phải “bơi” bằng hai chân. Thường chỉ có hai trường hợp: ngã nhẹ sang một bên (khi ấy chúng tôi sẽ nhờ người chạy sau đỡ giúp) và… lao xuống vực (không có cách nào để cứu nữa)”, anh Văn Bờm nói thêm.

Những con đường đất “do đi mà thành” có lẽ quá nguy hiểm để xe máy di chuyển. Để đảm bảo an toàn, tránh bánh xe trượt khỏi đường, lao thẳng xuống vực, các bác tài đã thay nhau đào các rãnh nhỏ, dẫn bánh xe men theo đường rãnh, không trượt ra ngoài. Ngày qua ngày, rãnh đường ngày càng lún sâu, khiến con đường bị bằm nát, mất dần cả lối đi bộ.

Phần lớn tài xế nơi này đều là người địa phương, có thâm niên đi rừng từ nhỏ nên ít nhiều sẽ ổn hơn so với khách phương xa vừa chân ướt chân ráo đến đây. Đã có nhiều trường hợp khách du lịch tự điều khiển xe cá nhân lên núi Tà Năng và phần lớn đều phải quay đầu vì địa hình quá khắc nghiệt. Trong đó, một trường hợp tử vong khi đang điều khiển xe máy lên một con dốc ở huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng, đoạn giáp ranh với xã Phan Dũng, huyện Tuy Phong, Bình Thuận vào tháng 5/2019 đã là hồi chuông cảnh tỉnh cho những ai thích tìm cảm giác mới lạ.

Các lái xe luôn có đồ nghề để trang bị xích cho xe của mình mỗi khi vượt đèo
Các lái xe luôn có đồ nghề để trang bị xích cho xe của mình mỗi khi vượt đèo

“Grab rừng” - nghề hốt bạc tại cánh rừng Phan Dũng

Ở chặng đường gần 10km cuối của chuyến trekking, chúng tôi và các thành viên trong đoàn đều đã thấm mệt sau một đêm ngủ không mấy ngon giấc trong cái lạnh như cắt da cắt thịt mà sáng nay vẫn phải đi sớm cho kịp tiến độ: ra khỏi rừng, trở về thành phố trước 5g chiều.

Những bước chân nặng trĩu ì ạch lê từng bước, mồ hôi thấm vào khăn có thể vắt ra nước, chúng tôi đang đối diện với cái nắng gay gắt của rừng Phan Dũng từ khi rời khỏi địa phận Tà Năng. Thời tiết ngày một khắc nghiệt và thay đổi quá nhanh khiến chúng tôi choáng váng, ù tai và đuối sức dần.

Như hiểu được tâm lý khách du lịch, chỉ chừng dăm ba phút sau, chúng tôi đã thấy bóng dáng của đội xe ôm tự quản mà người dân ở đây hay gọi vui là  “Grab rừng”. Giá mỗi chuyến mà anh “Grab rừng” nhận để đèo chúng tôi ra bìa rừng là 300.000 đồng. Nếu ở Sài Gòn, bạn bỏ ra 300.000 đồng để di chuyển quãng đường chưa tới 10km thì quả là không rẻ chút nào, nhưng ở Phan Dũng, tại thời điểm này, số tiền đó hoàn toàn xứng đáng. Vì như tôi đã nói, cung đường Tà Năng - Phan Dũng chỉ dành cho những ai có thâm niên trong nghề “vận tải” này.

Sau chuyến hành trình hai ngày một đêm, chúng tôi đã có những kỷ niệm khó quên bên nhau, những cung bậc cảm xúc mà chỉ nơi núi rừng bao la mới đem lại
Sau chuyến hành trình hai ngày một đêm, chúng tôi đã có những kỷ niệm khó quên bên nhau, những cung bậc cảm xúc mà chỉ nơi núi rừng bao la mới đem lại

Ngồi trên chiếc xe mà yên sau được làm bằng sắt thật không dễ chịu chút nào nhưng ít ra, ngay thời điểm hiện tại, chúng tôi có thể về đích và nghỉ ngơi sớm hơn những người khác đến 2 giờ đồng hồ. Và tôi bấm bụng ngồi lên chiếc xe đó.
Như thể thách thức chúng tôi, những lần xe lao dốc, lên dốc, trượt ổ gà, ổ voi cứ thế dồn dập khiến mông tôi không thể nào chạm được vào ba-ga mà suốt chuyến hành trình cứ phải lơ lửng, lên xuống theo nhịp của đoạn đường đầy 
cạm bẫy.

Tất nhiên, không phải ai cũng may mắn về đích thành công mà không bị lật xe lần nào. Đoạn đường gần 10km này không phải vực thẳm hay sườn núi nhưng là những con đường mòn. Vâng, đường mòn đúng nghĩa. Con đường ấy chỉ đủ cho một làn bánh xe chạy; xe không thể nghiêng phải, nghiêng trái, mà chỉ thẳng tay lái mà chạy.

Đầu bù tóc rối khi về đến đích cùng chuyến xe bão táp, chị Trúc Mai - huấn luyện viên yoga thể hình - cho biết: “Đoạn đường cuối làm tôi đuối sức nên tôi đã sử dụng dịch vụ “Grab rừng” để ra bìa rừng. Thật không may vì xe bị chết máy lúc vượt suối. Tôi đã xuống đẩy xe phụ người lái xe một đoạn khá dài. Những tưởng sẽ êm đềm về đích, không ngờ chẳng bao lâu sau, tài xế bị vướng tay lái, chúng tôi đều bị văng ra khỏi xe, ngã nhào giữa đường. Nếu đây là đoạn vực sâu, không biết điều gì sẽ xảy ra. Với một huấn luyện viên yoga chuyên nghiệp, cơ thể hoàn hảo, không sẹo là điều rất quan trọng. Đến giờ này, khi ngồi yên trên xe khách về lại Sài Gòn, tôi vẫn còn hoảng sợ…”.

Clip cận cảnh "grab rừng": 

 

 

Đó chỉ là một trong vài trường hợp “đen đủi” khi không được “hạ cánh” an toàn mà thôi. Nhưng suy cho cùng, chúng tôi đã hoàn thành chuyến đi của mình một cách hoàn hảo nhất. Chúng tôi đã có những trải nghiệm khó quên bên nhau, những cung bậc cảm xúc mà chỉ nơi núi rừng bao la mới đem đến và chắc chắn bạn sẽ không thể tìm được giữa Sài Gòn 

náo nhiệt.

30 phút chạy bộ mỗi ngày và duy trì điều đó trong một tháng sẽ là hành trang không tồi để bạn chuẩn bị cho chuyến hành trình trekking cung đường Tà Năng - Phan Dũng theo cách của riêng bạn. 

Bài và ảnh: Tam Nguyên

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI