Xây và chống trên mạng xã hội

28/03/2022 - 06:16

PNO - Chưa bao giờ, cuộc chiến tranh thông tin lại đóng vai trò sống còn đến vậy như trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine.

Thôi thì đủ chiêu trò gây nhiễu loạn thông tin của các bên khiến ngay cả các chuyên gia quân sự cũng không biết đâu mà lần. Đến Tổng thống Zelensky của Ukraine - người đã quá quen với ánh đèn sân khấu - cũng phải chết lặng với một tình huống khó gỡ: Ông đã ký lệnh truy tặng danh hiệu “Anh hùng Ukraine” cho 13 chiến binh đã quả cảm chiến đấu vì đảo Rắn bơ vơ ở biển Đen mà sự thật là họ - không phải 13 mà là 83 người - đã ra hàng khi các tàu chiến Nga bao vây, kêu gọi hạ vũ khí. Về sau này, người ta mới biết, ông Zelensky nghe thông tin từ một nghị sĩ và vị này cũng “chỉ nghe thông tin từ mạng xã hội”. 

Điều đáng nói nữa là tác động của cuộc chiến đã lan rộng sang tới Việt Nam, thành một chủ đề nóng tới mức chia thành nhóm “địch và ta”. Các chuyên gia bàn phím dù không biết tiếng Ukraine khác với tiếng Nga thế nào vẫn sẵn sàng dùng những lời lẽ cay độc nhất để mạt sát nhau, kể cả chỉ trích đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng ta. 

Một nhà văn viết truyện trinh thám mặt rầu rầu nói: “Tôi mất 50 người bạn văn nghệ sĩ khi họ “lốc” (block) tôi trên Phây (Facebook) vì có ý kiến khác họ”. Theo lời anh, đấy mới chỉ là tuần đầu cuộc chiến và “thương vong chắc sẽ còn dài dài một khi chưa ký được thỏa thuận ngưng bắn”. Cũng cần thông cảm với anh, người hiểu rằng chúng ta tồn tại được qua hàng ngàn năm giữ nước và dựng nước là nhờ sách lược khôn khéo “có cương, có nhu”, “bán anh em xa, mua láng giềng gần” và tiên quyết là chính sách tự cường, dựa vào sức mạnh và trí tuệ và sự đồng lòng của dân tộc.

Nói xa cũng chỉ để nói gần, để thấy rằng, mạng xã hội đã là “một phần tất yếu của cuộc sống”, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống mọi mặt của chúng ta. Còn nhớ, có lần, một nữ nghệ sĩ xinh đẹp mời tôi ăn tối tại một quán ăn kiểu Hàn Quốc khá kín đáo và ấm cúng. Chị che kín mặt như ninja, chọn một bàn ăn ở góc ít người dòm ngó. Hôm đó, đúng dịp cao trào livestream chửi bới văn nghệ sĩ của bà Nguyễn Phương Hằng. Chị nghệ sĩ khẽ khàng nói: “Tuy chưa vào danh sách đen của bà Hằng nhưng em sợ lắm. Mình nói nhỏ thôi, chứ em sợ bàn bên cạnh ghi âm”. 

Tôi thật sự kinh ngạc về nỗi sợ vẩn vơ của “người của công chúng” trước một thế lực hắc ám có những phát ngôn hết sức dung tục. Dù biết nghệ sĩ vốn nhạy cảm, yếu đuối nhưng sợ đến vậy thì có lẽ là lần đầu tôi chứng kiến…

Sau vụ bà Nguyễn Phương Hằng, người dân hoan nghênh và mong luật pháp mạnh tay với những vụ việc tương tự. Không thể để cá nhân hay tổ chức mượn mạng xã hội để suốt ngày chửi bới, mạt sát, xúc phạm cá nhân, tổ chức khác bằng những thông tin bịa đặt, vu khống, với lời lẽ thô tục đến mức không thể chấp nhận được. 

Mạng xã hội nên là nơi chia sẻ thông tin hữu ích, nó nên là nơi để lan truyền cảm xúc, năng lượng tích cực, những thông tin xác thực.

Điều quan trọng nữa là phải tỉnh táo ứng xử trước mỗi thông tin nhận được. Đó cũng là cách chúng ta đi đều hai chân “xây” và “chống” trước sự lệch chuẩn khi ứng xử trên mạng xã hội. “Chống” phải cương quyết, làm quyết liệt theo đúng văn bản quy phạm pháp luật (như theo Bộ luật Hình sự nếu làm ra, sao chép, lưu hành ấn phẩm đồi trụy ngoài phạt tiền 10 - 150 triệu đồng còn có thể phạt tù tới ba năm) và “xây” cũng phải “xây” chắc chắn từ móng đến ngọn dựa trên nền tảng vững chắc là phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa dân tộc. 

Bích An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI