Sợ ảnh hưởng sức khỏe
Bà Lê Thị Ngọc Khánh (căn hộ A7.04) nói, khi biết trạm xử lý nước thải được xây dựng sẽ tiếp nhận và xử lý nước thải của nhiều chung cư, trường học, siêu thị dồn về, bà và nhiều hộ dân rất lo lắng, sợ trạm xử lý nước thải sẽ gây ô nhiễm môi trường, ồn ào, ảnh hưởng đến sức khỏe. “Chúng tôi ủng hộ việc xây dựng các công trình phục vụ đời sống người dân, nhưng phải hợp lý về khoảng cách, tiếng động, môi trường không khí” - bà Khánh nói.
Anh Lê Tài Hóa (căn hộ A15.08) cũng bàng hoàng trước việc sẽ có một trạm xử lý nước thải gần nhà mình. Anh nói: “Tôi mong địa phương di dời trạm xử lý nước thải ra xa, không xây dựng sát chung cư Tín Phong. Lãnh đạo địa phương nên tổ chức các cuộc đối thoại với cư dân chung cư để biết được những điều dân lo lắng và có kế hoạch hợp lý hơn”.
|
Cư dân chung cư Tín Phong (quận 12, TPHCM) mong tìm được tiếng nói chung với chính quyền địa phương |
Anh Hóa cho biết thêm, hiện công trình trạm xử lý nước thải đã khởi công, bên cạnh đó thì việc xử lý rác thải cũng gây ô nhiễm. Cứ khoảng 16g chiều đến khuya là họ đốt, khói rác khiến cư dân rất khó chịu hơn 2 tuần nay. Tôi rất lo lắng cho sức khỏe của 3 cháu nhỏ.
Ông Lê Thành Công - Trưởng ban quản trị chung cư Tín Phong - thông tin, hiện chung cư Tín Phong đang có gần 400 căn hộ với 1.500 dân sinh sống, trong đó có 600 trẻ em và người cao tuổi. Dự án trạm xử lý nước thải có vị trí tiếp giáp mặt trước cụm chung cư nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến môi trường cũng như sức khỏe và đời sống sinh hoạt của cư dân chung cư và khu vực lân cận. Vì thế mà nhiều lần cư dân chung cư đã kiến nghị lãnh đạo địa phương di dời dự án trạm xử lý nước thải đến vị trí khác phù hợp hơn.
Cũng theo ông Lê Thành Công, vừa qua UBND phường Tân Thới Nhất và quận 12 đã tổ chức đối thoại với người dân. Nhưng tại buổi đối thoại đó, chỉ có 2 người thuộc chung cư Tín Phong tham dự, trong đó có 1 người nêu ý kiến, nhưng người này lại không ở chung cư (dù có căn hộ), nên không thể nói lên được tâm tư và nguyện vọng của cư dân.
Ông Lê Thành Công kiến nghị lãnh đạo địa phương nên tổ chức buổi đối thoại với tất cả cư dân tại khuôn viên chung cư Tín Phong để lắng nghe đầy đủ ý kiến của người dân. Cũng có thể tổ chức cuộc gặp gỡ ngay tại nơi xây dựng dự án để thấy được những điều cư dân trăn trở, đồng thời giải đáp những điều dân lo lắng.
Cam kết không ảnh hưởng đến chất lượng sống của dân
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM, ông Đậu An Phúc - Phó chủ tịch UBND quận 12 - cho biết, dự án tái định cư 38ha là dự án trọng điểm của quận. Dự án được phê duyệt từ năm 2004 nhưng do gặp một số trục trặc nên đến cuối năm 2023 mới khởi công.
Theo ông Đậu An Phúc, tại vị trí của khu đất có quy hoạch các công trình hạ tầng như trạm điện, trạm biến áp, trạm ép rác, trạm xử lý nước thải, trong đó dự án trạm ép rác đã được UBND TPHCM chấp thuận di dời theo ý kiến người dân vào năm 2018. Còn trạm xử lý nước thải đang được thi công có công suất xử lý 1.000m3 nước thải ngày đêm từ nước sinh hoạt của các hộ dân tái định cư, khu hành chính, trường học, khu công viên tập trung…
“Toàn bộ hệ thống thu gom, xử lý nước đều đặt ngầm dưới lòng đất, trên mặt đất chỉ đặt nhà điều hành. Nước thải sau xử lý đảm bảo đạt chất lượng loại A theo quy chuẩn Việt Nam, được Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt, không gây ô nhiễm môi trường và mùi hôi làm ảnh hưởng người dân” - ông Đậu An Phúc khẳng định.
Để tuyên truyền tạo sự đồng thuận của người dân, lãnh đạo quận đã tổ chức 5 buổi tiếp xúc đối thoại với người dân trong khoảng thời gian từ ngày 21/3 đến 29/3.
Liên quan đến việc người dân phản ánh công trình đốt rác tạo khói đen, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong thời gian qua, lãnh đạo quận 12 cam kết chỉ đạo đơn vị thi công khắc phục trong thời gian sớm nhất.
Thạc sĩ Hà Vĩnh Phước (chuyên ngành kỹ thuật môi trường) cho hay, nếu xây dựng trạm xử lý nước thải sinh hoạt gần khu dân cư cần phải đảm bảo các vấn đề như: đánh giá chất lượng môi trường tại dự án và khu dân cư xung quanh, dự báo các rủi ro có thể xảy ra kèm phương án hoặc giải pháp xử lý, xác định thành phần nước thải sinh hoạt, mức độ ô nhiễm của nước thải, áp dụng công nghệ xử lý nước thải phù hợp, đồng thời phải lựa chọn nhà thầu, thi công, giám sát có kinh nghiệm. Nếu xây dựng ngầm phải đảm bảo công trình kín, có hệ thống thu gom và xử lý mùi hiệu quả. Trong quá trình vận hành, đảm bảo công tác đánh giá chất lượng môi trường xung quanh định kỳ, không để phát sinh mùi hôi gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng sống của người dân.
Tú Ngân