PNO - Công trình xây tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam (TP.Châu Đốc, An Giang) đang tạm dừng để lấy ý kiến cộng đồng. Từ phía các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá hầu hết cho rằng, nên dừng ngay.
Thông tin Công ty TNHH MGA Việt Nam, doanh nghiệp xây dựng cáp treo núi Sam, đang thi công tượng Bà Chúa Xứ trong khuôn viên dự án khiến người dân bức xúc. Nhiều ngày qua, liên tục những ý kiến không đồng tình được đưa ra. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá phản đối việc làm này.
Doanh nghiệp không thấy kỳ cục hay sao?
Theo PGS.TS Trần Văn Ánh (ĐH Văn hóa TP.HCM), xây dựng tượng phật phục vụ du lịch tâm linh là điều có thể hiểu nhưng với tượng Bà Chúa Xứ thì không. “Không nên làm tới 2 Bà Chúa Xứ. Nếu anh là doanh nghiệp muốn làm du lịch thì có thể xây dựng tượng phật còn tượng Bà Chúa Xứ thì tuyệt nhiên không. Điều này đi ngược lại với truyền thuyết. Bà Chúa Xứ là bà "mẹ của xứ sở" thì không thể xây dựng một cách tuỳ tiện. Anh khai thác về du lịch tâm linh thì ở dưới chân núi đã có tượng Bà hàng trăm năm nay rồi, anh xây trên đỉnh núi để làm gì nữa?”, PGS.TS Trần Văn Ánh nhấn mạnh.
Ngoài ra, PGS.TS Trần Văn Ánh tin rằng nếu lấy ý kiến của toàn bộ chuyên gia, giới khoa học thì cũng không ai đồng tình với việc làm này: “Bà Chúa Xứ chỉ có một, còn nhân bản dưới bất cứ hình thức nào và mục đích gì cũng là điều không nên. Khai thác du lịch thì thiếu gì những cách làm hay hơn, hay anh xây tượng phật thì làm gì có việc người dân phản ứng. Doanh nghiệp làm mà không thấy kỳ cục hay sao? Tôi cho rằng nên ngưng ngay việc làm này lại”.
Tượng Bà Chúa Xứ được thờ tự trong miếu ở chân núi Sam, hằng năm thu hút lượng khách hành hương "khủng" đến hành lễ, cúng bái
Hiện, tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 trên núi Sam đã được doanh nghiệp xây phần thân và đang tiến hành lắp ráp phần mặt. Tượng cao hơn 18m và toạ lạc tại vị trí đẹp trong khuôn viên dự án của doanh nghiệp. Theo các văn bản đã ký, công trình tượng Bà Chúa Xứ nằm trong đồ án của doanh nghiệp khi xin cấp phép và đã được sự đồng ý từ lãnh đạo tỉnh lẫn Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch. Do vậy, dù chưa có văn bản cấp phép chính thức, đơn vị đã cho thi công đến khi bị người dân phát hiện và lãnh đạo địa phương buộc dừng.
“Chính quyền địa phương hay Bộ Văn hoá – Thể thao & Du lịch cho phép nhưng nói rằng phải hỏi ý kiến của người dân và giới chuyên gia, khoa học thì chưa hỏi, doanh nghiệp đã làm. Việc đã rồi mới quay lại hỏi thì còn ý nghĩa gì? Đứng về mặt lý cũng không đúng, mặt tình cũng không, về mặt tâm linh lại càng không đúng nữa. Xây thêm tượng Bà Chúa Xứ để phục vụ du lịch tâm linh thì chính nó sẽ phá vỡ ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa truyền thuyết”, PGS.TS Trần Văn Ánh khẳng định.
Lễ vía Bà vào tháng 4 âm lịch mỗi năm và dịp lễ Tết là thời điểm khách du lịch đổ về đông nhất
Theo PGS.TS Đặng Văn Thắng (Khoa Lịch sử, Trường ĐH KHXH-NV TP.HCM), trên thế giới không có quốc gia nào nhân bản tượng như doanh nghiệp đang làm: “Không nên xây thêm tượng Bà Chúa Xứ. Bà được thờ trong miếu như vậy là được rồi. Còn ở đây, cùng lắm thì xây tượng phật, không thể nhân bản tượng Bà Chúa Xứ để thờ tự, làm vậy kỳ lắm! Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào làm được việc xây tượng một nơi, đền thờ chính một nơi. Nếu ai muốn cầu điều gì thì đến miếu Bà hành lễ, còn nói như doanh nghiệp "xây thêm tượng để giảm tải người đổ dồn về một nơi" thì tôi phản đối, như thế còn đâu là linh thiêng nữa. Tượng Bà đem làm tràn lan, thật chẳng giống ai”.
“Hiện đã có một tượng Bà ở chân núi thì việc xây dựng trên cao để phục vụ việc tiện thu tiền phí đi cáp treo hay sao? Nếu trục lợi kinh tế thì hoàn toàn không còn ý nghĩa tâm linh nữa. Việc thờ cúng ở miếu Bà Chúa Xứ với câu chuyện 1 con heo quay đêm cúng đi cúng lại 7 lần đã chưa đủ gây nhức nhối hay sao còn xây dựng thêm để làm gì? Việc làm này, mục đích vì văn hoá hay vì kinh tế, doanh nghiệp hãy trả lời đi!”, PGS.TS Trần Hồng Liên thắc mắc.
Đừng tuỳ tiện động đến vấn đề tâm linh
PGS.TS Trần Hồng Liên (Học viện Phật giáo Việt Nam) nhận mình là người gắn bó với công tác tìm hiểu tượng Bà Chúa Xứ và Châu Đốc, An Giang cũng là vùng đất mà bà đặt chân đến nhiều nhất: “Bản thân tôi là người nghiên cứu và viết rất nhiều bài về Bà Chúa Xứ, cũng như tham gia rất nhiều hội thảo cả trong và ngoài nước về Bà Chúa Xứ, tôi không đồng tình việc xây tượng. Đây là một việc làm tuỳ tiện, động chạm đến vấn đề tâm linh mà đã động đến tâm linh thì không thể xem là chuyện đơn giản nữa”.
Theo PGS.TS Trần Hồng Liên, về những sự tích liên quan đến sự linh nghiệm của Bà Chúa Xứ dù không tận mắt chứng kiến nhưng trong dân gian, nhiều câu chuyện khiến người nghe phải dè chừng.
PGS.TS Phan An (Viện phát triển bền vững vùng Nam Bộ) cũng đồng tình: “Xung quanh câu chuyện về Bà Chúa Xứ có rất nhiều giai thoại linh ứng được người dân tương truyền. Về mặt tâm linh, tượng Bà Chúa Xứ có gốc gác trong lịch sử, truyền thuyết từ chuyện đưa Bà từ trên núi xuống; từ một bức tượng nguyên bản trong văn hoá Phù Nam, người Việt “Việt hoá” bằng cách điểm phấn tô son thêm, mặc thêm áo và thờ tự cho đến ngày nay cũng vài trăm năm. Do vậy, việc xây tượng mới là việc làm không đâu vào đâu, tôi gọi đó là tào lao”.
Trong câu chuyện lan truyền của người dân, việc thỉnh tượng Bà Chúa Xứ từ trên núi xuống để tiện cho việc thờ tự như một điều linh ứng, nhóm thanh niên trai tráng nhấc không nổi nhưng 9 cô gái đồng trinh đến thì được Bà "cho phép".
Bên cạnh đó, PGS.TS Phan An cũng cho biết việc thờ tự tượng Bà Chúa Xứ, ngày xưa là việc làm khẳng định chủ quyền của Việt Nam khi mở rộng lãnh thổ xuống phương Nam. Hiện tại, Nam Bộ đang có hơn 5.000 tượng Bà Chúa Xứ nên ở hang cùng ngõ hẻm nào, việc thờ tự Bà cũng diễn ra. Do đó, theo PGS.TS Phan An, việc xây thêm tượng Bà quy mô như vậy là điều không thể chấp nhận. Nó đi ngược lại mọi vấn đề văn hoá, kể cả tâm linh.
Ngoài ra, PGS.TS Đặng Văn Thắng cho rằng việc xây tượng Bà ở ngoài trời là sai với tín ngưỡng: “Miếu là nơi ngự của bà, thì bà chỉ ở trong miếu. Người ta gọi Thiên hậu cung trong tín ngưỡng của người Hoa là cung của Thiên hậu thì miếu Bà Chúa Xứ buộc rằng Bà phải đặt ở trong miếu chứ không ai để Bà ở ngoài trời như vậy. Miếu là nhà, là nơi ngự của Bà, để thực hiện các nghi lễ tắm Bà, thay quần áo cho Bà thì sao có thể đưa Bà ra ngồi ngoài sân như thế. Làm vậy là đánh mất hoàn toàn lòng tin trong tín ngưỡng thờ tự”.
Đại diện Sở Văn hoá – Thể thao & Du lịch An Giang cho biết sẽ lấy ý kiến của nhân dân, khi nào dân cho xây mới xây, hoặc không cho tiếp tục thì sẽ tháo dỡ. Điều chắc chắn, trước sự phản ứng mạnh mẽ từ người dân và giới chuyên gia thời gian qua, bức tượng Bà Chúa Xứ thứ 2 sẽ mãi lỡ dở nhưng câu chuyện không dừng lại ở việc xây tiếp hay đập bỏ mà là nhận thức trong kinh doanh của doanh nghiệp.
“Bây giờ đang có ngành du lịch tâm linh, nhiều doanh nghiệp tạo ra những công trình “thiêng” về lý để phục vụ mục đích thờ tự, mong cầu của người dân nhưng trong chuyện này, đó là việc làm không thể chấp nhận. Doanh nghiệp đừng nên tham”, PGS.TS Phan An nói thêm.