Xây siêu cảng ở Cần Giờ: Thận trọng để không xâm hại “lá phổi xanh”

17/07/2023 - 05:56

PNO - Dự án xây cảng trung chuyển quốc tế với tổng vốn đầu tư hơn 5 tỉ USD ở huyện Cần Giờ (TPHCM) đang rục rịch khởi động về mặt thủ tục. Bên cạnh việc đánh giá cao những lợi ích kinh tế mà cảng này dự kiến đem lại, các chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại về nguy cơ xâm hại “lá phổi xanh” của TPHCM và khu vực.

 

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Ảnh: công ty cổ phần tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (portcoast) cung cấp
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Ảnh: Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) cung cấp

Nhận định đầy đủ về bài toán môi trường

Theo đại diện Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) đơn vị tư vấn dự án, cảng Cần Giờ dự kiến có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2km, có thể đón tàu container có tải trọng lớn nhất thế giới.
Vị trí xây cảng là cù lao Phú Lợi, xã Thạnh An - nơi không có người ở, nằm tách biệt hẳn với đất liền. Việc kết nối giao thông cảng Cần Giờ từ nay đến năm 2030 chủ yếu bằng đường thủy, sau đó sẽ có kết nối đường bộ bằng đường trên cao để giảm tối đa ảnh hưởng tới khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ.

Tiến sĩ Võ Kim Cương - nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TPHCM - cho rằng, các đơn vị muốn làm dự án luôn khẳng định đây chỉ là cảng trung chuyển, nằm tách biệt với đất liền. Thế nhưng, muốn phát huy hiệu quả thì cảng biển phải đi liền với hệ thống hạ tầng kết nối, hậu cần, logistics. Các hệ thống này sẽ phải tỏa ra trên đất liền tạo thành một vùng đô thị hóa. Khi có cảng thì lưu lượng tàu, sà lan, xe cộ trung chuyển sẽ gia tăng, kéo theo áp lực lên hạ tầng hiện hữu. Như vậy, cảnh quan, môi trường sinh thái của Cần Giờ sẽ ra sao? 

Đó là chưa kể, trong tương lai, Cần Giờ còn có thêm 1 dự án khu đô thị lấn biển rất hoành tráng. Tiến sĩ Võ Kim Cương nói: “Cả một vùng đô thị phát triển rầm rộ gồm “siêu chợ trên biển” và “siêu đô thị lấn biển” sẽ thu hút nguồn nhân lực, dân cư, phát triển dịch vụ, hạ tầng ở Cần Giờ. Do đó, cần có sự đánh giá bài bản của các nhà khoa học về tác động môi trường của tổng thể các dự án này”.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được cho là sẽ đóng góp vào ngân sách 34.000-40.000 tỉ đồng/năm - Ảnh: Portcoast cung cấp
Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được cho là sẽ đóng góp vào ngân sách 34.000-40.000 tỉ đồng/năm - Ảnh: Portcoast cung cấp

Ông Lương Hoàng Trung - nguyên Phó chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa TPHCM - cho rằng, việc phát triển cảng biển gắn chặt với khâu vận chuyển hàng hóa. Do vậy, phải tính toán kỹ việc kết nối hạ tầng. Hiện tại, hạ tầng của Cần Giờ hầu như chưa có gì. Nếu muốn phát huy vai trò của cảng Cần Giờ, phải kết nối đồng bộ hệ thống hạ tầng cảng với khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), với các tỉnh miền Tây, cửa khẩu Bình Hiệp (huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An), cửa khẩu Mộc Bài (huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh). 

Ông nói thêm, cũng cần có dự án cung cấp điện để vận hành cảng biển. Ngoài ra, cũng cần phải phát triển khu nhà ở, khu dân cư, dịch vụ đi kèm để phục vụ hàng ngàn nhân công. Theo ông, nếu bỏ 1 đồng xây cảng thì cần ít nhất 10 đồng để xây hạ tầng, mà xây dựng hạ tầng ồ ạt như vậy thì chắc chắn ảnh hưởng đến môi trường. Không nên nghĩ xây cảng trơ trọi giữa biển mà phải đánh giá được sự sôi động, mức độ đô thị hóa, thu hút dân cư ở khu vực này trong quá trình xây cảng và sau khi có cảng, từ đó mới nhận định đầy đủ về bài toán môi trường.

Thận trọng để tránh nhiều hệ lụy

Sà lan chạy trên sông Lòng Tàu, huyện Cần Giờ. Khi có cảng Cần Giờ, lưu lượng tàu, sà lan, xe cộ sẽ gia tăng, đe dọa cảnh quan, môi trường của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ - ẢNH: SƠN VINH
Sà lan chạy trên sông Lòng Tàu, huyện Cần Giờ. Khi có cảng Cần Giờ, lưu lượng tàu, sà lan, xe cộ sẽ gia tăng, đe dọa cảnh quan, môi trường của khu dự trữ sinh quyển thế giới Cần Giờ - Ảnh: Sơn Vinh

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, cần cân nhắc thận trọng về việc xây cảng Cần Giờ theo hướng cảng trung chuyển quốc tế quy mô lớn bởi việc này sẽ làm tăng mật độ lưu thông trên trục đường Rừng Sác vốn chạy sát khu vực lõi của rừng sinh quyển. Việc đô thị hóa sẽ làm tăng mạnh tỉ lệ bê tông hóa vùng đất thấp ngập nước, kéo theo nguy cơ ngập lụt và xâm nhập mặn sâu hơn vào đất liền.

Theo ông, Cần Giờ và vùng giáp biển Đông Nam Bộ được dự báo là 1 trong 10 khu vực có nguy cơ bị thiệt hại cao nhất thế giới do biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Nếu thu hút thêm dân về vùng thấp thay vì chọn giãn dân lên vùng cao sẽ tạo gánh nặng lớn lên ngân sách trong tương lai khi phải khắc phục những hệ lụy về môi trường, sụt lún, ngập mặn… 

Kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, Cần Giờ chỉ nên là một mắt xích trong chuỗi cảng biển phía Nam với cảng biển lớn nhất nằm ở Cái Mép - Thị Vải. Không nên đặt lên vai Cần Giờ một trách nhiệm quá lớn so với điều kiện tự nhiên, rằng Cần Giờ phải trở thành khu vực trọng tâm đô thị hóa để phát triển kinh tế biển của TPHCM.

Cũng theo ông, vị trí đặt cảng Cần Giờ chắc chắn có xâm hại khu dự trữ sinh quyển. Trong khi đó, không dễ làm hệ thống hạ tầng kết nối vùng, cả về đường bộ, đường sắt, đường cao tốc vào cảng Cần Giờ. Tiềm năng kinh tế biển ở Cần Giờ là có nhưng nếu cân nhắc với bài toán môi trường và phát triển bền vững thì chỉ nên xây dựng cảng với quy mô vừa phải, phục vụ cho nhu cầu của Cần Giờ là chính.

Theo ông Võ Kim Cương, trong khi nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường là hiển hiện thì vẫn còn nhiều băn khoăn về tính cạnh tranh và khả năng kinh tế của dự án này: “Chúng ta chỉ có mỗi đất đai, chẳng có vốn liếng, kỹ thuật mà muốn thu lợi thật nhiều thì hơi khó. Muốn làm cảng trung chuyển cạnh tranh với các cảng quốc tế khác thì phải chỉ ra đó là các cảng nào, ở nước nào, luồng hàng hóa sẽ đi ra sao. Nếu có cảng Cần Giờ thì cảng Cái Mép gần đó sẽ đánh mất tiềm năng, sẽ chỉ còn là cảng nội địa”. 

Ông nói thêm: “Khi làm cảng Cần Giờ, liệu sẽ có bao nhiêu cảng khác của Việt Nam bị ảnh hưởng, thậm chí phải đóng cửa? Nhiều người đã đặt ra câu hỏi này. Do đó, cần phải để cho lãnh đạo TPHCM và Chính phủ thấy được bức tranh toàn cảnh trước khi quyết định”. 

Những con số hấp dẫn về thu ngân sách, tạo việc làm

Theo đề án nghiên cứu xây cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ vừa được Sở Giao thông Vận tải trình UBND TPHCM, việc khai thác hết công suất cảng Cần Giờ sẽ đóng góp cho ngân sách 34.000-40.000 tỉ đồng/năm. Cảng cũng tạo ra 6.000-8.000 việc làm cho người làm việc ở cảng này và hàng chục ngàn người khác làm dịch vụ hậu cần, trung tâm logistics và khu phi thuế quan. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 5 tỉ USD (tương đương 128.000 tỉ đồng), được chi làm 7 giai đoạn thực hiện, trong đó giai đoạn 1 dự kiến khai thác từ năm 2027 và hoàn thành đầu tư vào năm 2045. Dự án do Tập đoàn MSC - hãng tàu container hàng đầu thế giới - đề xuất.

Phạm Luận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI