Những ngày qua, có hai thông tin về giáo dục khiến nhiều người giật mình: không ít học sinh lớp Ba ở một trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia thuộc tỉnh Hòa Bình, không viết đúng được họ tên của mình, việc đọc cũng tương tự và thông tin một bộ sách từng lập “kỳ tích” xóa mù chữ, tái mù chữ do giáo sư Hồ Ngọc Đại làm chủ biên - sách Công nghệ giáo dục đã bị Hội đồng thẩm định sách giáo khoa đánh giá “không đạt”.
Một trong những lý do được đưa ra là, Hội đồng thẩm định môn tiếng Việt có 5 thầy cô dạy tiếng Việt lớp Một ở các vùng miền, từ vùng núi, nông thôn đến thành phố, đều nói để dạy được theo sách Công nghệ giáo dục như hiện nay, họ phải bỏ công sức để nghiên cứu gấp 3-4 lần so với sách thông thường.
Nếu đây được coi là một trong những lý do để sách Công nghệ giáo dục (CNGD) bị gạt bỏ, thì quả thực, đó là lý do rất… phản giáo dục. Việc chỉ đến khi tình trạng đọc, viết của học sinh rơi vào cảnh “cấp cứu”, Bộ GD-ĐT mới “cầu cứu” sách CNGD thì điều đó có công bằng không đối với các nhà khoa học đã biên soạn và với cả bộ sách?
“Không đạt”, trong khi nhiều địa phương vẫn vận hành tốt
Một lần nữa, sách CNGD do giáo sư (GS) Hồ Ngọc Đại làm chủ biên trở thành “tâm bão”. Khi thông tin Hội đồng thẩm định (HĐTĐ) đánh giá sách CNGD “không đạt”, không chỉ những người đã theo học, mà cả các phụ huynh đã, đang có con học sách CNGD và giáo viên đang dạy sách CNGD đều “giật mình”, tiếc nuối.
|
Những cậu bé lớp Ba ở Hoà Bình không thể viết đúng được tên mình |
Năm ngoái, khi sách CNGD bị đưa ra tranh cãi ầm ĩ, tỉnh Nghệ An vẫn có 558/559 trường tiểu học áp dụng dạy học theo sách này. Cô giáo Trần Thị Thu (H.Nghi Lộc) cho biết, trường của cô đã giảng dạy tiếng Việt lớp Một cho học sinh bằng sách CNGD từ sáu, bảy năm nay. Với học sinh mới vào lớp Một, nếu viết câu thơ các em không thể đọc, nên sách CNGD sử dụng phương pháp dạy trực quan thay thế. Cô giáo sử dụng ô vuông hay những bông hoa để trò làm toán, đọc thơ. Học sinh chưa biết đọc, nên bước đầu tiên là học tách câu thành từng tiếng; dùng ô vuông, tròn hay tam giác chỉ là mô hình phục vụ cho việc tách câu để đếm tiếng. Chị Nguyễn Yến (TP.Hạ Long) có con gái theo học chương trình sách CNGD. Năm con học lớp Một, chị Yến đã song hành, theo sát việc học của con, chị nhận thấy: “Các cháu học hào hứng lắm, kết quả rất tốt. Khi nghe thông tin về sách CNGD “không đạt”, dù không làm việc trong lĩnh vực giáo dục, nhưng tôi thấy rất tiếc”.
Cô Thu đánh giá đây là phương pháp hay, lấy học sinh làm trung tâm. Học sinh học nắm chắc âm vần và chính tả, phát âm, đặc biệt là tình trạng viết sai chính tả được cải thiện rất rõ.
Ở huyện miền núi Con Cuông, thầy giáo Lô Văn Thiệp cho biết, cái khó của người thầy với học sinh miền núi, dân tộc là việc dạy tiếng Việt, dạy theo cách đại trà sẽ rất vất vả. Nhưng dạy theo sách CNGD, các em nắm rất chắc về ngữ âm, học đến đâu chắc đến đó. Không đưa ra ý kiến về việc sách CNGD bị HĐTĐ đánh giá “không đạt”, thầy Thiệp chỉ nói: “Không được học sách CNGD thì học sinh miền núi sẽ thiệt thòi”.
Thậm chí, nhiều năm nay, bộ môn tiếng Việt công nghệ đã trở thành môn học chính của sinh viên Trường cao đẳng Sư phạm Nghệ An. Như vậy, có thể thấy vai trò không nhỏ của sách CNGD đối với ngành giáo dục địa phương này.
Từ năm học 2017-2018, tỉnh Quảng Trị lựa chọn sách CNGD để dạy cho 100% học sinh lớp Một trên địa bàn. Khi đánh giá về giáo dục tiểu học sau 30 năm tái lập tỉnh (1989-2019), ông Phan Hữu Huyên, Phòng Giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết: từ năm 1996, lần đầu tiên Quảng Trị đưa chương trình CNGD do GS Hồ Ngọc Đại vào thực nghiệm và mở rộng hằng năm đối với hai môn toán và tiếng Việt tập trung ở lớp Một, chất lượng giáo dục tiểu học đã được nâng lên rõ rệt. Học sinh đã tiếp thu kiến thức tiếng Việt một cách vững chắc, nắm vững cấu tạo ngữ âm, nắm chắc chính tả, đặc biệt không tái mù chữ…
Trọng lượng nào từ thực tiễn?
Trở lại “lịch sử” của sách CNGD do GS Hồ Ngọc Đại làm chủ biên. Từ năm 1978, sách CNGD chỉ sử dụng để giảng dạy trong Trường Thực nghiệm Công nghệ giáo dục. Đến năm 1981, ngành giáo dục cải cách lần thứ ba, cả nước thống nhất học sách cải cách, chỉ riêng Trường Thực nghiệm vẫn học sách CNGD.
|
Không ít học sinh lớp Ba ở một trưởng tiểu học thuộc tỉnh Hòa Bình không viết đúng được tên của mình |
Đến năm 1986, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT khi đó là bà Nguyễn Thị Bình đã quyết định khuyến khích các địa phương sử dụng bộ sách CNGD để giảng dạy. Bởi khi đó, có năm có đến 650.000 học sinh lưu ban trên tổng số 2 triệu học sinh. Đến năm 2000, một chương trình, một bộ sách giáo khoa được sử dụng trên toàn quốc. Sách CNGD không… có chỗ trong nhà trường phổ thông.
Nhưng đến năm 2006, nạn “ngồi nhầm lớp” diễn ra phổ biến, trên diện rộng; không ít học sinh đã cuối bậc tiểu học, thậm chí lên bậc THCS mà vẫn không đọc thông viết thạo. Ở huyện miền núi Yên Lập tỉnh Phú Thọ, thầy Vi Công Thúy - Phó hiệu trưởng Trường tiểu học Trung Sơn B, đã nhiều lần báo cáo, kiến nghị, hốt hoảng về tình trạng học sinh càng học càng mù chữ.
Thầy Thúy bức xúc nhất là “học sinh lớp Bốn, lớp Năm vẫn mù chữ, vẫn không biết làm phép tính 10 + 5 bằng bao nhiêu”. Ban đầu, kiến nghị rơi vào im lặng, thực trạng “sáng lớp Năm chiều lớp Một” chỉ được thừa nhận khi báo chí vào cuộc.
Một lần nữa, GS Hồ Ngọc Đại đưa sách CNGD trở lại qua đề tài nghiên cứu cấp bộ: “Nâng cao chất lượng dạy tiếng Việt cho học sinh các dân tộc thiểu số”. Năm 2008, Bộ GD-ĐT quyết định cho thí điểm ở 5 tỉnh. Sau 5 năm, Bộ GD-ĐT bỏ “thí điểm”, sách CNGD được xem là phương án chính thức để các địa phương lựa chọn đưa vào giảng dạy. Đến năm 2016 đã có tới 48 tỉnh chọn sách CNGD.
Rõ ràng, thực tiễn đã chứng minh sách CNGD có hiệu quả, không chỉ với học sinh lớp Một, mà còn hiệu quả cả với những đối tượng mù chữ hoặc tái mù chữ. Dù thừa nhận hay không thừa nhận, chính Bộ GD-ĐT đã phải “nhờ” sách CNGD để giải quyết thực trạng tái mù chữ, ngồi nhầm lớp không chỉ một lần.
Bộ sách cũ - sách CNGD đã được thực tiễn chứng minh, đang được 930.000 học sinh sử dụng thì bị đánh giá “không đạt” để lựa chọn một bộ sách hoàn toàn mới chưa một ngày “thực chứng”.
Chưa kể, tình trạng “ngồi nhầm lớp” hiện đang có nguy cơ tái diễn. Khi biết thông tin nhiều học sinh lớp Ba ở tỉnh Hòa Bình không thể đọc, không thể viết đúng tên mình, “ông tàu ngầm” Nguyễn Quốc Hòa đã kể trường hợp tương tự: một cháu bé ở Hòn Gai (tỉnh Quảng Ninh) thân quen với gia đình ông, đã học lớp Ba nhưng không biết đọc, biết viết tên và địa chỉ nhà mình.
Ngọc Minh Tâm