Xây phòng tuyến nhiều lớp để bảo vệ thế hệ trẻ

11/07/2024 - 06:12

PNO - Trong vài chục năm gần đây, đã có hàng trăm loại ma túy mới xuất hiện với độc tính mạnh hơn, khả năng phá hủy hệ thần kinh và não bộ khủng khiếp hơn, khó điều trị phục hồi hơn. Các loại ma túy mới khác ma túy truyền thống ở chỗ không gây phản ứng hội chứng cai với cơ thể. Người sử dụng ma túy tổng hợp không phát hiện triệu chứng khi cắt cơn nên chủ quan, không nghĩ rằng mình nghiện.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, một số chất trong ma túy tổng hợp mới có số lượng và cường độ mạnh hơn gấp 200-300 lần so với ma túy bán tổng hợp; khi vào cơ thể, chúng sẽ phá hủy chất dẫn truyền, phá hủy các nơ ron thần kinh não bộ. Do đó, không ít trường hợp bị tổn thương nghiêm trọng về não bộ, có các hành động hoang tưởng, ngáo, thần kinh và trở nên manh động, bạo lực. Những trường hợp đã bị tổn thương não bộ là rất khó phục hồi.

Các loại ma túy mới đang lan truyền trong giới trẻ, nhưng cộng đồng xã hội khó phát hiện. Thầy cô, cha mẹ và chính người trẻ đều chưa được trang bị kỹ năng phòng ngừa, tức là chúng ta chưa có phòng tuyến nhiều lớp để bảo vệ các em. Các loại ma túy mới ra đời liên tục, tốc độ quá nhanh nên đôi lúc các chế tài pháp luật không theo kịp. Việc kiểm soát thông tin hiện nay cũng là vấn đề cần được quan tâm bởi lớp trẻ có thể tiếp cận ma túy dưới nhiều hình thức như vào quán xá hoặc lên mạng internet.

Điều đáng lo là thanh thiếu niên thường muốn thể hiện bản thân, mà ma túy là một trong những sự lựa chọn. Do vậy, người lớn cần hướng dẫn, trang bị cho con em mình, học sinh mình hiểu tác hại ghê gớm của ma túy so với những “lựa chọn thể hiện” khác. Từ góc độ quản lý, tôi cho rằng, cần phải trang bị nhận thức cho các bậc cha mẹ, thầy cô, cộng đồng xã hội để phòng, ngăn việc thử và dùng ma túy bởi việc điều trị, cai nghiện vô cùng vất vả, gian nan.

Hơn 10 năm qua, Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy (PSD) đã nghiên cứu các chương trình phòng ngừa ma túy ở nhiều quốc gia tiên tiến, bao gồm cả những thành công lẫn thất bại của họ. Chúng tôi nhận thấy, tỉ lệ người nghiện ma túy ở một số nước - đặc biệt là Nhật Bản - rất ít. Kinh nghiệm của họ là bảo vệ bài bản, có lớp lang, có tài liệu nâng cao nhận thức chuyên môn cho cha mẹ, thầy cô và cho cả cộng đồng xã hội. Họ tạo ra hàng rào phòng vệ vững chắc, nhiều lớp. Khi có sự đoàn kết, chung tay, việc bảo vệ thế hệ trẻ sẽ thuận lợi hơn rất nhiều. Nhật Bản cũng đưa chương trình phòng ngừa ma túy vào học đường như một môn học. Bên cạnh đó, nhà trường còn có những buổi tập huấn cho cha mẹ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguy cơ trẻ tiếp cận ma túy.

Từ kết quả nghiên cứu đó, chúng tôi đề nghị Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành cùng xây dựng chương trình phòng ngừa tổng thể cho các nhóm đối tượng gồm học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh. Trước đây, Việt Nam đã có các chương trình phòng ngừa, nhưng chưa được hoàn chỉnh. Thế hệ đi sau như chúng ta phải có trách nhiệm hoàn chỉnh chúng.

Mỗi năm, chúng ta dành ra vài chục giờ đào tạo, thực hiện bài bản thì cái được lớn nhất chính là cứu được cả thế hệ. Nếu cộng đồng xã hội cùng vào cuộc, chung tay thì chúng ta sẽ thành công: chỉ trong 5-7 năm, sẽ tạo ra một lớp phòng vệ chắc chắn để ma túy và các sản phẩm độc hại không đủ khả năng xâm nhập bởi khi đã được đào tạo bài bản và nhận thức đúng, đủ, các em sẽ có hành trang để tự bảo vệ mình.

23 triệu học sinh là tài sản vô giá của đất nước. Chúng ta cần nỗ lực bảo vệ để ma túy không thể can thiệp vào đời sống hay hủy hoại tương lai của các em.

Lê Trung Tuấn (Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy)

Minh Tuệ (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI