Cháu gái gọi điện thông báo cho cô ngày dọn đồ đạc sang nơi khác để phá ngôi nhà cũ, xây mới. Cô nhẩm tính, chỉ còn mười ngày thôi, và bâng khuâng đi một vòng ngôi nhà một trệt một lầu đúc từ giữa thế kỷ XX.
Các cháu của cô đều nói rất yêu ngôi nhà này vì là nơi chất chứa tuổi thơ của chúng. Căn nhà vừa rộng và dài đủ để bốn gia đình sống quấn quýt bên nhau: gia đình chị Hai ở phòng giữa tầng trệt, gia đình chị Tư ở phòng ngoài trên lầu, gia đình anh Năm ở phòng giữa trên lầu, cô và mẹ ở phòng sau trên lầu. Mọi người dùng chung bếp và phòng khách.
|
Đám cháu luôn quan tâm đến cô (tác giả đứng giữa) |
Thời bao cấp, Nhà nước bán gạo, nhu yếu phẩm chung một nhà. Chị Hai dùng lon đong gạo cho từng gia đình dựa theo đầu người. Còn nửa lon hoặc gần một lon chị đều dành cho hộ cuối cùng, có thể là chị Tư hoặc anh Năm hoặc mẹ và cô. Các con chị Hai tiếc rẻ, chị Hai trừng mắt: Cũng bà (dì, cậu…) các con ăn chứ ai.
Anh chị em trong nhà cô từng chia nhau những chén cháo, từng củ khoai… Dầu lửa mua giá phân phối, anh chị của cô mang ra chợ bán, chỉ còn một ít dành cho những tối cúp điện. Và đại gia đình cô chia nhau từng chút ánh sáng!
Thi thoảng chị Hai hay anh Năm buôn bán được, chảo thịt gà hoặc nồi chè ngọt hiếm hoi được chia cho cả nhà. Ngôi nhà bỗng ấm áp và vang rộn tiếng cười. Những câu chuyện ngoài đường phố nơi mọi người túa ra kiếm sống hằng ngày được mang ra kể. Thật khó mà ai về phòng nấy dù trời đã khuya, đĩa thịt gà hay nồi chè đã hết sạch, mọi người vẫn ngồi lại để tận hưởng phút giây hạnh phúc sau một ngày lao động mệt nhọc.
Những lúc kiệt sức, chị Hai, anh Năm ngã bệnh, cả nhà thay nhau cùng cuốc bộ ngày hai buổi đi về mang cơm cháo vào bệnh viện, và cùng chia nhau thức đêm chăm sóc người bệnh. Thằng con út chị Hai suy dinh dưỡng, cả nhà cô và hàng xóm người 1 đồng, kẻ 50 xu (thời giá cuối thập niên 70 thế kỷ XX) đưa thằng bé vào bệnh viện kịp thời.
|
Ảnh mang tính minh họa - JCOMP |
Cô học ngành nông nghiệp nên phải xa nhà. Cuộc sống nông trường khắc nghiệt nên cô về lại Sài Gòn. Thật may cô còn mái nhà chung để ở. Cả đại gia đình giang tay cưu mang cô. Nhớ những ngày phép, cô về nhà luôn có bữa cơm nóng sốt. Rồi sau bao năm xa nhà kiếm sống, cô trở về với hai bàn tay trắng. Những vòng tay của mẹ, của anh, của chị đưa ra đỡ nâng. Cô có thêm sức mạnh để sống và làm việc.
Các cháu lớn lên có việc làm ổn định. Những bữa ăn tươm tất hơn. Những ngày vui đại gia đình thêm phần sung túc và rôm rả. Các cháu lập gia đình. Tiệc cưới bày ngay trong ngôi nhà chung thật ấm cúng và vui vẻ. Công việc làm ăn của các cháu khá hơn thế hệ ba mẹ, cậu dì… các cháu đủ sức mua cho ba mẹ những ngôi nhà to hơn và khang trang hơn nhà chung của ông bà. Gia đình anh Năm ra riêng, đến gia đình chị Hai và cuối cùng gia đình chị Tư. Chỉ còn cô và mẹ cô trong căn nhà rộng lớn từng đông đúc và vang tiếng cười ngày nào. Các cháu vẫn gửi quà cho bà và cô.
Các cháu của cô đều đã mua được nhà. Sau khi yên ấm nhà cửa khang trang riêng lẻ, các cháu nhìn về nhà của ngoại và dì (cô) Út, rồi tự hỏi: “Sao không xây nhà ngoại (nội) lên cao?”.
Kế hoạch được đưa ra bàn bạc. Ngôi nhà tuy cũ nhưng theo đánh giá của các kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng: Vẫn còn sử dụng được đến 50 năm với điều kiện lát lại gạch trên lầu. Chưa kịp lát gạch, mẹ cô ra đi. Sau tang bà các cháu lại một lần nữa đưa ra quyết định xây nhà. Có đứa tiếc rẻ: “Lần trước (năm 2019) nếu xây là ngoại được sống trong căn nhà mới một năm trước khi qua đời”.
Dù bà không còn nữa, các cháu cứ xây ngôi nhà đầy ắp tình yêu thương của ba mẹ, dì cậu và cả các cháu vậy. Đứa cháu nào cũng có những ký ức tuổi thơ tuyệt vời trong ngôi nhà này. Từ những ngày khốn khó, thiếu ăn, bệnh hoạn đến khi cuộc sống khá lên, ai từng sống trong ngôi nhà của bà đi ra cũng thành đạt. Vậy, cần phải xây lên cao, chia ra mỗi gia đình một tầng, mỗi lần giỗ ông bà, tết, Giáng sinh sum họp, cả đại gia đình cùng tề tựu về, cùng họp nhau nơi sảnh chung tầng trệt, cùng ăn uống và nhắc lại chuyện ngày xưa. Hẳn ai cũng sẽ cảm nhận hai từ hạnh phúc.
Bản vẽ đã sẵn sàng, giấy phép xây dựng đã được ký, tiền bạc các cháu cùng hùn lại đã được đặt vào tài khoản chính của đứa cháu cả. Nếu thiếu thì gom thêm. Chuyện nhỏ thôi mà…
|
Ảnh mang tính minh họa - 8Photo |
Và tối nay, cô đi quanh nhà cảm nhận chút chạnh lòng như sắp xa người bạn cũ thật yêu thương. Cô đến từng ngóc ngách của căn nhà, nhớ lại nơi anh Năm từng nằm khi bị sốt rét, chỗ cháu Út, con chị Hai ngã vật ra hôn mê, nơi gia đình chị Tư ăn cơm, chỗ cô, anh Năm và gia đình chị Hai uống cà phê, chuyện trò. Tại phòng chị Tư trước đây, cô nhớ những cú sốc tình yêu hay buồn phiền những trò đấu đá nhau trong chỗ làm, cô đều ra khóc với chị Tư. Những lúc kiếm được nhiều tiền cô cũng ra khoe cùng chị Tư…
Cô xuống nhà, phòng giữa nơi chị Hai và các cháu thường nằm nghe cô hát nhạc Pháp. Nhờ vậy, sau này dù không học tiếng Pháp, các cháu vẫn sưu tầm đầy đủ những đĩa, băng nhạc Pháp thập niên 60 - 70 thế kỷ XX. Đến con của chúng cũng yêu những giai điệu nhẹ nhàng đó bên cạnh những bản nhạc đồng quê của Mỹ hay nhạc giới trẻ đặc thù thế hệ chúng.
Cô lại loanh quanh một mình. Thôi thì nghinh tân tống cổ đi vậy. Căn nhà cũ đầy ắp kỷ niệm của mẹ, anh chị và các cháu. Căn nhà mới sẽ được xây trên nền căn nhà cũ cũng sẽ tràn đầy tiếng cười và niềm vui của những thế hệ tiếp theo. Bởi nó được xây trên nền tảng của tình yêu thương và chắc chắn nó cũng sẽ tràn đầy hạnh phúc như ngôi nhà cũ đã từng...
Nguyễn Ngọc Hà