Xây nhà “chui” kiên cố ngay trên đất của người khác

20/08/2020 - 10:54

PNO - Xây nhà không phép trên đất của người khác là vụ việc xảy ra tại xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh - địa phương được xem là điểm nóng về vi phạm trật tự xây dựng ở TPHCM. Căn nhà kiên cố này lại “lọt lưới” sau đợt tổng kiểm tra của chính quyền địa phương.

Đất của mình, nhà của người khác

Sở hữu hai miếng đất tại xã Vĩnh Lộc A nhưng do ở xa nên thỉnh thoảng, bà Nguyễn Thị Sáu (quận Tân Phú, TPHCM) mới ghé trông nom đất. Mới đây, khi xuống coi đất, bà Sáu tá hỏa khi thấy đất của mình đã bị người khác xây nhà lên.

Căn nhà bị phản ánh “xây lén” trên đất của bà Sáu có bảng đề số nhà D6/9T6/3 ấp 4, xã Vĩnh Lộc A
Căn nhà bị phản ánh “xây lén” trên đất của bà Sáu có bảng đề số nhà D6/9T6/3 ấp 4, xã Vĩnh Lộc A

Bà kể: “Mấy tháng đầu năm 2020, do dịch COVID-19 nên tui không xuống trông coi khu đất. Đến tháng 5/2020, đọc Báo Phụ Nữ TPHCM, thấy phản ánh tình trạng xây nhà không phép ở xã Vĩnh Lộc A nên tui mới xuống coi thử. Không ngờ, cả hai miếng đất của mình đều bị người ta chiếm, xây nhà”.

Theo bà Sáu, bà là chủ sở hữu một phần đất 70m2 tại thửa đất số 1154, tờ bản đồ số 2, ở tổ 7, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A. Thửa đất này được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị Sữa. Sau đó, bà Sữa chuyển nhượng 70m2 cho ông Phan Văn Luận; hợp đồng chuyển nhượng ký ngày 25/10/2007, có “lời chứng nhận” của Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A.

Tiếp đó, phần đất này được nhiều lần chuyển nhượng bằng hợp đồng giấy tay. Từ năm 2017, bà Sáu trở thành chủ sở hữu của thửa đất. Hiện bà Sáu vẫn đang giữ các giấy tờ gốc liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng thửa đất nói trên.
Ngoài miếng đất trên, bà Sáu còn sở hữu một phần đất khác có diện tích 56m2 cũng thuộc thửa đất số 1154, tờ bản đồ số 2.

Giống như thửa đất 70m2, thửa đất này cũng được UBND huyện Bình Chánh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bà Trần Thị Sữa. Sau đó, bà Sữa chuyển nhượng phần diện tích 56m2 cho bà Trần Ngọc Thanh Hiền theo hợp đồng chuyển nhượng cho người khác, có xác nhận của UBND xã Vĩnh Lộc A. Tiếp đó, phần đất này cũng được chuyển nhượng nhiều lần bằng giấy tay.

Từ năm 2018, bà Sáu mua lại thửa đất này, cũng bằng giấy tay. “Tôi đang giữ các giấy tờ mua bán gốc liên quan đến hai khu đất nói trên, kể cả hợp đồng chuyển nhượng bản gốc có xác nhận của UBND xã. Nhiều năm liền, không có ai tranh chấp chủ quyền khu đất trên với tôi cả” - bà Sáu cho hay. 

Trên khu đất 70m2 của bà Sáu, hiện nay, chúng tôi nhận thấy có một công trình rào chắn bằng tôn, bịt kín lối vào; còn trên khu đất 56m2 là một căn nhà được xây kiên cố. Lúc phát hiện hai căn nhà xây chưa hoàn thành, bà Sáu đề nghị dừng ngay việc xây dựng nhưng không được đáp ứng. Gần đây, một người lạ mặt xưng là chủ sở hữu đã dọn vào ở trong căn nhà kiên cố gồm một trệt, một lầu.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hai mảnh đất mà bà Sáu cho rằng bị chiếm, bị xây nhà “chui” có quá trình chuyển nhượng khá phức tạp. Chúng nằm trong khu đất hàng ngàn mét vuông, là đất trồng lúa. Sau khi chuyển mục đích sử dụng thành đất trồng cây ăn quả lâu năm, chủ đất “xé nhỏ”, bán cho nhiều người. 

Nhiều người dân tin tưởng vào việc chuyển nhượng do “hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất” có xác nhận của chính quyền địa phương. Đơn cử, khi bà Trần Thị Sữa “xé nhỏ” 70m2 đất trồng cây ăn quả lâu năm trong khu đất rộng hơn 1.000m2 bán cho ông Phạm Văn Luận thì được Chủ tịch UBND xã Vĩnh Lộc A (thời điểm đó) đóng dấu “chứng thực”, sau đó, mảnh đất nhỏ này liên tục được sang tay.

Tổng kiểm tra, sao không phát hiện?

Hiện nay, trên phần đất mà bà Sáu mua bằng giấy tay, hình thành một căn nhà kiên cố một trệt, một lầu, được “ngụy trang” bằng tôn cũ bao quanh và người đang ở trong căn nhà này là ông Đ. Trao đổi với chúng tôi, ông Đ. cho biết, căn nhà này được ông mua lại của bà H. với giá hơn 1 tỷ đồng. Ông mua nhà xong thì dọn vào ở; việc xây dựng là do bà H. thực hiện. 

Các giấy tờ do bà Sáu cung cấp thể hiện bà đang là chủ sở hữu hai phần đất thuộc thửa đất 1154, tờ bản đồ số 2, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A
Các giấy tờ do bà Sáu cung cấp thể hiện bà đang là chủ sở hữu hai phần đất thuộc thửa đất 1154, tờ bản đồ số 2, ấp 4, xã Vĩnh Lộc A

Theo bà Sáu, bà là chủ đất, có giấy tờ đàng hoàng; bà và bà H. không ký hợp đồng mua bán, nên việc ông Đ. mua nhà là bị bà H. lừa, không liên quan đến bà. Hơn nữa, toàn bộ thửa đất 1154 có diện tích hơn 1.000m2 đều có mục đích sử dụng là “đất trồng cây ăn quả lâu năm”, không được xây dựng nhà ở. Do đó, một căn nhà kiên cố ngang nhiên mọc lên trên miếng đất này mà không bị chính quyền phát hiện, ngăn chặn là điều quá bất thường.

Bà Sáu thông tin thêm: “Tháng 5/2020, khi tôi phát hiện bà H. xây lén trên đất của mình, tôi định đi tố cáo thì bà H. năn nỉ, đưa tôi 100 triệu đồng để làm tin, hứa rằng hai tuần sau sẽ trả cho tôi thêm tiền đủ bằng giá trị mảnh đất. Tuy nhiên, bà H. sau đó không giao tiền mà âm thầm xây tiếp rồi bán cho ông Đ. Tôi không ký bất kỳ hợp đồng mua bán đất nào với bà H. hay ông Đ.” - bà Sáu khẳng định.

Theo bà Sáu, bà đã trình báo sự việc bị chiếm đất, xây nhà trái phép đến UBND huyện Bình Chánh và UBND xã Vĩnh Lộc A. Ngày 21/7, UBND huyện Bình Chánh thông tin, đã chuyển nội dung đơn của bà Sáu đến UBND xã Vĩnh Lộc A để địa phương này kiểm tra, xử lý. Đến ngày 23/7, UBND xã Vĩnh Lộc A đã mời bà Sáu đến làm việc, ghi nhận nội dung phản ánh. Thế nhưng, đến nay, bà Sáu vẫn chưa nhận được phản hồi bằng văn bản của các cơ quan chức năng.

Theo tài liệu chúng tôi có được, từ cuối tháng 5/2020, sau khi Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân có chuyến khảo sát thực tế về những vấn đề liên quan đến loạt bài Bảo kê xây nhà "chui" giữa đại dịch ở Sài Gòn của Báo Phụ Nữ TPHCM, UBND xã Vĩnh Lộc A đã thành lập ba tổ công tác để tổng kiểm tra trật tự xây dựng trên toàn xã.

Qua đó, UBND xã đã xử lý 754 trường hợp, gồm 543 móng gạch, 55 móng bê tông, 132 trường hợp vây tôn, 11 căn nhà dựng tôn… Thế nhưng, sau đợt tổng kiểm tra nói trên, căn nhà không phép được xây kiên cố ngay trên đất của người khác vẫn ngang nhiên tồn tại. 

Để làm rõ vụ việc này, từ ngày 14/7, Báo Phụ Nữ TPHCM đã gửi văn bản đề nghị UBND xã Vĩnh Lộc A cung cấp một số thông tin liên quan. Thế nhưng, hơn một tháng trôi qua, báo vẫn chưa nhận được phản hồi.

TPHCM: 7 tháng, phát hiện 463 công trình vi phạm

Theo báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM gửi Thường trực Thành ủy và UBND TPHCM, trong bảy tháng đầu năm 2020 (từ ngày 15/12/2019 đến 25/7/2020), tại TPHCM, có 463 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, có 189 trường hợp xây dựng sai phép và 247 trường hợp xây dựng không phép. 

Có 10 quận, huyện không đạt chỉ tiêu giảm 65% số vụ vi phạm xây dựng không phép, sai phép so với sáu tháng đầu năm 2019 gồm các quận 1, 3, 5, 10, 11, Tân Bình, Tân Phú và các huyện Cần Giờ, Nhà Bè, Bình Chánh. Trong nhóm này, huyện Bình Chánh dẫn đầu về số vụ vi phạm trật tự xây dựng trong bảy tháng đầu năm 2020 (39 vụ). Dù số vụ vi phạm xây dựng ở huyện Bình Chánh giảm 59,2% nhưng vẫn không đạt chỉ tiêu (65%).

Nhóm phóng viên

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI