PNO - Ở đó, thầy đã nhận ra mình thiếu gì, sai ở đâu. Đến bây giờ, thầy vẫn khắc sâu bài học: hiệu trưởng áp lực, căng thẳng thì sẽ truyền những căng thẳng, áp lực đó tới giáo viên. Đó cũng chính là nguồn cơn áp lực đè nặng lên học sinh. Thầy hiểu rằng, mình không thể mang hạnh phúc đến cho người khác khi chính bản thân mình không hạnh phúc.
Mỗi khi gặp thầy Đào Chí Mạnh, tôi lại nhớ đến lời “hiệu triệu” của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn: “Kính mong các thầy cô tiếp tục tự học, tự đổi mới, vượt qua các giới hạn của bản thân để phát huy tốt nhất sự ưu tú của mình”.
Thầy Đào Chí Mạnh đã tự học, vượt qua nhiều giới hạn của bản thân, để trở thành Hiệu trưởng Trường tiểu học Hội Hợp B (TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) ở tuổi ngoài 40. Tự dẫn chương trình, ca múa, thể thao, tạo ra một môi trường không căng thẳng..., thầy không chỉ truyền cảm hứng cho giáo viên mà cả học sinh, phụ huynh cũng rất vui với ngôi trường hạnh phúc.
Sân trường vui tươi, rộn ràng
Chiều cuối năm, học sinh từ các lớp ùa ra sân. Thoáng chốc, khung cảnh rét mướt mùa đông của sân trường trở nên rộn ràng, tươi vui. Nguyễn Phương Vy (học sinh lớp Hai) nhắm mắt, dang rộng đôi tay, hào hứng với những bước nhảy theo nhạc. “Chúng cháu có 30 phút “vũ điệu sân trường”, tất cả thầy cô cùng tham gia. Bây giờ, nhắm mắt lại là trong đầu cháu đã vang lên bài Ý chí Việt Nam, Tôi yêu đất nước tôi…” - Vy nói.
Rất nhanh, học sinh các lớp đã xếp thành hàng thẳng tắp. Bài hát Dòng máu Lạc Hồng vang lên, những bước nhảy khỏe khoắn, tươi vui trên nền nhạc hào hùng. Hiệu trưởng Đào Chí Mạnh đứng phía đầu hàng trung tâm, vừa nhịp bước vừa cầm micro hô lớn “hêy hêy” khuấy động cả sân trường. Gương mặt thầy cô bừng sáng, bước nhảy của học sinh hào hứng sôi nổi.
Không khí vui tươi ấy khiến phụ huynh chờ đón con phía ngoài cổng chộn rộn. Chị Lê Thị Phượng chia sẻ: “Chiều thứ Ba, thứ Năm nào tôi cũng đi sớm để được ké không khí vũ điệu sân trường. Từ ngày có hoạt động này, phụ huynh đón con không còn sốt ruột nữa”.
Một năm có mấy lần trường tổ chức cuộc thi vũ điệu sân trường - là mấy dịp phụ huynh được tham gia hướng dẫn, tập luyện và đồng diễn cùng các con. Chị Phượng cho hay, khi thầy Mạnh làm Hiệu trưởng Trường tiểu học Kim Ngọc (TP Vĩnh Yên), nhiều phụ huynh ở các phường khác đã đăng ký cho con mình theo học. Dù học sinh tiểu học của phường sở tại chỉ khoảng 500 nhưng có những năm, tổng số học sinh của trường lên đến hàng ngàn.
Kết thúc 30 phút vũ điệu sân trường, cô giáo Bích Sinh gương mặt ửng hồng, nụ cười rạng rỡ trong chiều đông se sắt gió. Cô cho biết trước khi về công tác tại trường, cô đã nghe nhiều về thầy Mạnh. Về trường, cô thấy rõ mỗi ngày học trò đến trường, thầy cô lên lớp là 1 ngày vui. Các đồng nghiệp chan hòa, từ ban giám hiệu đến các giáo viên.
Thầy Đào Chí Mạnh cùng học sinh biểu diễn trong lễ khai giảng - Ảnh do nhân vật cung cấp |
Thầy cô, học trò hạnh phúc hơn
Cuối năm 2023, trong số hàng ngàn hồ sơ từ khắp thế giới gửi về Ủy ban Giải thưởng Hòa bình quốc tế Gusi, Philippines, thầy Đào Chí Mạnh là 1 trong 20 người được chọn trao giải. Đây là giải thưởng ghi nhận các cá nhân, tổ chức có đóng góp cho hòa bình và tiến bộ toàn cầu ở nhiều lĩnh vực. Để tạo được ngôi trường hạnh phúc, thầy Mạnh đã trải qua hành trình vượt lên chính mình, thay đổi bản thân.
Thầy kể: “Ngày ấy, tôi chưa đầy 36 tuổi. Với sức trẻ và lòng nhiệt huyết, tôi luôn hài hước, vui vẻ mỗi khi tới trường. Rồi nụ cười ấy dần mất đi, thay vào đó là sự cau có, căng thẳng. Tôi bắt đầu mất ngủ. Đôi khi vì những việc chẳng đâu vào đâu, như là lời nhận xét “mải chạy theo thành tích”, rồi mối quan hệ với giáo viên, ban giám hiệu…”. 3 năm loay hoay giữa khát khao thay đổi và những áp lực, nhiều người nhận xét thầy “già đi thấy rõ”.
Sau một lần tham dự chương trình “Thầy cô chúng ta đã thay đổi” do Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức (mục đích giúp giáo viên trên toàn quốc tự nỗ lực thay đổi và vượt qua những sự khó khăn, tạo nên một lớp học hạnh phúc), thầy Mạnh đã lặng lẽ đăng ký tham gia dự án Hiệu trưởng thay đổi vì trường học hạnh phúc.
Ở đó, thầy đã nhận ra mình thiếu gì, sai ở đâu. Đến bây giờ, thầy vẫn khắc sâu bài học: hiệu trưởng áp lực, căng thẳng thì sẽ truyền những căng thẳng, áp lực đó tới giáo viên. Đó cũng chính là nguồn cơn áp lực đè nặng lên học sinh. Thầy hiểu rằng, mình không thể mang hạnh phúc đến cho người khác khi chính bản thân mình không hạnh phúc.
Lúc đó, thầy Mạnh còn vướng rất nhiều trở ngại, lý do để biện minh cho việc không thể thay đổi môi trường. Vì học sinh bướng bỉnh, phụ huynh quá kỳ vọng vào nhà trường, thầy cô thì chỉ chuẩn bị cho bài giảng của mình chứ đâu thể chuẩn bị cho việc hạnh phúc... Một lần, nghe chia sẻ của chuyên gia giáo dục về xây dựng trường học hạnh phúc: “Tất cả những gì chúng ta cần là làm những điều có thể” - thầy Mạnh bừng tỉnh.
Cách thầy bắt đầu rất giản dị. Thay vì yêu cầu giáo viên báo cáo, giải thích, thầy lắng nghe suy nghĩ, khó khăn, mong muốn của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Thầy bắt đầu giảm công việc hành chính nặng hình thức như các buổi họp, báo cáo… Khi giáo viên đã về nhà, thầy không gọi điện để hỏi về công việc.
“Tôi nhận thấy những thay đổi của mình dù nhỏ nhưng chính là nguồn động lực lớn lao để thầy cô làm việc và sáng tạo. Công việc tự nhiên tốt dần lên, các thầy cô vui hơn…” - vị hiệu trưởng nói.
Cuối học kỳ I, thầy còn mời tiến sĩ tâm lý học Nguyễn Thị Vui - giảng viên Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 - về trường để cùng các thầy cô tìm hiểu những khó khăn trong học đường của học sinh tiểu học và đưa ra phương pháp giáo dục phù hợp.
Cứ dần dần thay đổi từ những điều thật nhỏ, Trường tiểu học Hội Hợp B trở thành ngôi trường hạnh phúc, mang lại niềm vui lớn cho thầy cô, học sinh mỗi ngày.
Ngọc Minh Tâm
Chia sẻ bài viết: |
Hội đồng chấm thi học sinh giỏi quốc gia đã chọn được 3.803 thí sinh đạt giải ở 13 môn thi, chiếm 58,68% tổng số thí sinh dự thi.
Sáng 18/1, Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM) tổ chức lễ kỷ niệm 150 năm thành lập trường (1875-2025).
Ngày 18/1, Trường đại học Nam Cần Thơ (DNC) tổ chức khánh thành và đưa vào hoạt động Viện Khoa học sức khỏe DNC.
Chiều 17/1, Trường cao đẳng Viễn Đông (TPHCM) đã tổ chức lễ công bố kết quả đạt kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp với số điểm 96/100.
Năm nay, Trường đại học Nông Lâm TPHCM tuyển sinh trình độ đại học, cao đẳng ngành giáo dục mầm non hệ chính quy theo 5 phương thức.
Trong cuộc chiến chống lại hủ tục tảo hôn gây nhiều hệ lụy, thầy trò đã cùng các ban ngành rất nỗ lực để các em có thể tiếp tục đến trường.
Thời điểm cận tết Nguyên đán, nhiều đơn vị, trường đại học đã tổ chức các hoạt động chăm lo tết cho sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Ngày 15/1, Tập đoàn FPT chính thức khởi công xây dựng Trường Phổ thông Liên cấp FPT tại khu đô thị Thái Sơn Long Hậu (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An).
Năm 2025, trường dự kiến tuyển sinh theo 3 phương thức: dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, xét tuyển bằng học bạ, hoặc kỳ thi VSAT 2025.
Các hoạt động giáo dục truyền thống giúp học sinh có nhiều sân chơi, không quên những giá trị truyền thống của dân tộc.
Trường đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM công bố chương trình học bổng xét tuyển sớm bằng học bạ, thí sinh đạt từ 28,5 điểm được nhận học bổng 100%.
Theo quyết định, Trường THPT chuyên Chu Văn An và Trường THPT chuyên Sơn Tây trực thuộc Sở GD-ĐT Hà Nội.
Sáng 15/1, Đại học Bách khoa Hà Nội công bố phương án tuyển sinh đại học chính quy năm 2025.
Chiều 14/1, Trường đại học Trà Vinh (TVU) cho biết, vừa tổ chức lễ công bố quyết định và trao giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Phó Giáo sư...
Đoàn Việt Nam có 17 học sinh tham dự ở 2 cấp THCS và THPT.
Học cùng lúc 2 đại học lớn, Huỳnh Ngọc Hiếu còn tham gia nghiên cứu thiết bị nhận biết vật cản cho người khiếm thị bằng tia laser.
Mô hình chuyển đổi số hiệu quả cần được xây dựng trên nền tảng bền vững, phù hợp đặc thù kinh tế, văn hóa và xã hội của từng quốc gia.
Theo ước tính của Khoa Kỹ thuật máy tính, trong 10 năm tới, Việt Nam cần đến 30.000 kỹ sư và lập trình viên cho công nghệ ô tô số.