Xây hồ, mở kênh, trồng rừng để chủ động về nguồn nước

23/03/2024 - 06:14

PNO - Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá cho biết, hơn 70% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài. Do đó, cần sớm có giải pháp để chủ động nguồn nước.

Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá - nguyên Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, Trường đại học Công nghiệp TPHCM - cho biết, hơn 70% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài. Do đó, cần sớm có giải pháp để chủ động nguồn nước.

Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá
Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá

Phóng viên: Hiện nay, nhiều địa phương ở Tây Nguyên và Nam Bộ bị thiếu nước dùng trong sinh hoạt và sản xuất. Theo ông, đâu là nguyên nhân?

Giáo sư, tiến sĩ Lê Huy Bá: Tình trạng thiếu nước vào mùa khô vẫn thường xuyên diễn ra ở một số vùng trên cả nước, đặc biệt là Tây Nguyên và Tây Nam Bộ. Những tháng đầu năm 2024, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ có nắng nóng gay gắt, gây ra tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn.

Từ năm 2023 đến nay, hiện tượng El nino khiến lượng mưa suy giảm đáng kể nên nguồn nước cũng bị suy giảm theo. Các nhà máy thủy điện ở thượng nguồn sông Mê Kông tăng cường tích trữ nước khiến hạ nguồn khan hiếm nước.

Theo một báo cáo của dự án giám sát hoạt động của các đập thủy điện sông Mê Kông vào năm 2023 thì các thủy điện thượng nguồn sông Mê Kông thuộc địa phận Trung Quốc, Lào, Thái Lan đã tích trữ khoảng 6,7 tỉ mét khối nước.

Như vậy, lượng mưa suy giảm và việc tích nước ở thượng nguồn là những nguyên nhân chính gây nên tình trạng thiếu nước ở Tây Nguyên và Nam Bộ.

* Theo ông, giải pháp căn cơ cho vấn đề thiếu nước vào mùa nắng nóng là gì?

- Hơn 70% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài nên không thể chủ động vào nguồn nước. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt, thủy điện ở thượng nguồn khiến nguồn nước suy kiệt, chúng ta phải tìm giải pháp để chủ động nguồn nước.

Ở vùng đồng bằng sông Cửu Long, giải pháp để chủ động nguồn nước là xây dựng hồ sinh thái quy mô lớn. Chúng ta phải xây dựng khoảng 3-4 hồ sinh thái rải rác ở vùng này. Vào mùa khô hạn, chúng ta dùng nguồn nước này để phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu. Ngoài ra, có thể tính thêm giải pháp tích trữ nước trong các hồ nhỏ. Nhiều hồ nhỏ góp lại thì quy mô tích trữ nước sẽ lớn, đủ để phục vụ cư dân trong mùa khô. Có như vậy mới xóa được nỗi lo an ninh nguồn nước cho vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Ở vùng Tây Nguyên, giải pháp là xây dựng hệ thống liên hồ. Để làm được điều này, cần phải đầu tư mạnh hạ tầng, phải có hệ thống kênh tiếp nước để nối các hồ thủy lợi (hồ thủy lợi này kết nối với hồ thủy lợi kia) và nối hồ thủy lợi với đập thủy điện. Làm được như vậy, ta sẽ có mạng lưới thủy lợi liên kết chặt chẽ với nhau để nguồn nước được liên thông, có thể dễ dàng điều phối để ứng cứu các vùng khô hạn. Theo tôi được biết, Bình Thuận - tỉnh chịu ảnh hưởng của khô hạn nặng nề nhất nước - đã áp dụng mô hình này để điều tiết thủy lợi khá hiệu quả. Khi các hồ chứa nước nhỏ bị hụt nước, cơ quan chức năng liền điều tiết nguồn nước thông qua hệ thống kênh tiếp nước.

Ngoài ra, việc tưới tiêu ở vùng Tây Nguyên đang tiêu tốn một lượng nước khá lớn. Để tiết kiệm nước, những năm gần đây, nông dân vùng này đã chuyển đổi cây trồng. Tuy nhiên, việc chuyển đổi này còn chậm, cần thực hiện nhanh chóng hơn. Ở Tây Nguyên, 2 loài cây trồng cần rất nhiều nước là cà phê và hồ tiêu. Chúng ta chưa thể chuyển đổi 2 loài cây công nghiệp chủ lực này do bài toán kinh tế.

Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước cho chúng, đồng thời có thể trồng xen canh các cây ngắn ngày ở các rừng cà phê, hồ tiêu để giữ độ ẩm. Giải pháp dài hơi cho vùng Tây Nguyên là khôi phục và bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng phòng hộ đầu nguồn. Những năm gần đây, rừng Tây Nguyên suy giảm mạnh. Cần khôi phục rừng để giữ nước.

* Còn ở TPHCM, giải pháp nào để đảm bảo nguồn nước ngọt vào cao điểm khô hạn và xâm nhập mặn, thưa ông?

- Ngành chức năng của TPHCM đã đề ra giải pháp cho vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước từ rất sớm rồi, chỉ cần bắt tay thực hiện. Với nguồn nước sản xuất, TPHCM đã có trên 1.000 công trình thủy lợi lớn nhỏ, hệ thống thủy lợi cơ bản là đảm bảo. Đáng lo là có một số hệ thống vận hành nhiều năm, nay đã xuống cấp, cần sớm tu sửa. Một nỗi lo khác là nguồn nước thủy lợi bị ô nhiễm. Giải pháp khắc phục là cơ quan chức năng cần giám sát, tăng cường xử lý các tổ chức, cá nhân xả thải gây ô nhiễm.

Nỗi lo lớn nhất của TPHCM là nguồn nước sinh hoạt cho khoảng 13 triệu dân. Xâm nhập mặn và thiếu nước ở khu vực phía tây và huyện Nhà Bè, Cần Giờ là nỗi lo thường trực. Bên cạnh các giải pháp ứng phó của ngành cấp nước như giám sát nguồn nước, điều tiết nước rửa mặn, giảm thất thoát nước, cần có giải pháp mang tính lâu dài. Như tôi đã nói ở trên, giải pháp thì đã có rồi. Từ nhiều năm trước, các chuyên gia đã hiến kế và chính quyền thành phố cũng đã có chủ trương làm 7 hồ điều tiết (6 hồ ngầm và 1 hồ lộ thiên) để dự trữ nước cho mùa khô và chống ngập vào mùa mưa. Khi có 7 hồ điều tiết, TPHCM sẽ chuyển từ thế bị động về nguồn nước sang thế chủ động.

* Xin cảm ơn ông.

Sơn Vinh (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI