Xây hồ chỉ thị sinh học để nuôi cá tại Formosa: Giám sát khâu làm sạch nước là chưa đủ

12/09/2016 - 09:45

PNO - ''Tất cả sẽ đều không có ý nghĩa nếu chỉ làm dưới dạng hình thức, lâu lâu có đoàn kiểm tra một lần, còn bình thường vẫn xả thẳng ra biển.''

Chỉ làm cho có?

Trong chuyến đi thị sát, kiểm tra quá trình xử lý chất thải tại Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vào sáng 8/9, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà, đã chỉ đạo công ty Formosa phải thiết kế xây dựng hồ chỉ thị sinh học nuôi cá cạnh khu xử lý nước thải. Nước thải sau khi xử lý, nuôi cá sống khỏe mới được phép thải ra môi trường.

Xay ho chi thi sinh hoc de nuoi ca tai Formosa: Giam sat khau lam sach nuoc la chua du
Hệ thống xử lý nước thải tại Formosa. Ảnh: TPO

Tiếp tục bàn luận về chỉ đạo này của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, ông Vũ Đình Đáp - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III (thuộc Bộ NN&PTNT) cho biết: "Về mặt quy trình, nguyên lý, nguyên tắc thì chỉ đạo của Bộ trưởng là đúng và chính xác, vì những người làm công tác môi trường, thủy sản thì ai cũng biết KCN nào cũng phải có bể sinh học.

Nước sinh học là nước có sự tác động của con người, khi nước thải qua chế biến quặng, thải ra nước quặng, phải cho chất phụ gia vào để phân hủy chất độc đi, đưa nước trở về trạng thái bình thường, các chỉ số độc tố giảm mạnh, bằng cách bay hơi, phân hủy, khi đó mới thải ra môi trường.

Nước trong bể sinh học sẽ tương đương chỉ số ở nước biển, nước ao, trong bể này sẽ luôn duy trì nuôi cá, thả rong rêu, cây bèo tây".

Tuy nhiên, ông Đáp đã đặt ra vấn đề rằng, để nước trong bể xử lý nước thải xả ra ngoài môi trường luôn luôn sạch thì cần phải có sự giám sát thường xuyên, vậy người giám sát ở đây là ai?

"Tôi chỉ muốn có cơ chế giám sát phối hợp giữa cơ quan quản lý với chủ đầu tư dự án, nhưng Formosa có tạo điều kiện hay không lại là câu chuyện khác. Tất cả sẽ đều không có ý nghĩa nếu chỉ làm dưới dạng hình thức, lâu lâu có đoàn kiểm tra một lần, còn bình thường vẫn xả thẳng ra biển.

Tôi biết, hiện nay không chỉ Formosa mà rất nhiều doanh nghiệp khác, đều đang làm như vậy, nước thải ra môi trường không phải từ bể sinh học", ông Đáp nêu rõ.

Dung Quất làm tốt

Với nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu về vấn đề xử lý nước thải, theo ông Đáp, riêng chỉ có Khu kinh tế Dung Quất đã đi vào sản xuất được hơn 10 năm nay, với lượng nước thải từ bến quặng dầu ra vô cùng lớn, nhưng cách xử lý nước thải rất an toàn, cả khu vực đó chưa xảy ra vấn đề gì.

Ông Đáp cho hay: "Được biết, Dung Quất có hệ thống xử lý nước thải tập trung giai đoạn 1 có công suất 2500m3/ngày đã đi vào hoạt động, đáp ứng yêu cầu xử lý nước thải cho toàn bộ các nhà máy, doanh nghiệp.

Cùng với đó là 2 trạm xử lý nước thải thuộc Dự án Hệ thống thoát nước mưa, hệ thống thu gom và xử lý nước thải Khu dân cư và chuyên gia đô thị Vạn Tường, công suất mỗi trạm 900m3/ngày. Hệ thống công nghệ xử lý nước thải cực kỳ tốn kém".

Đặt vào trường hợp của Formosa, nếu xử lý theo đúng quy định, mỗi năm họ sẽ mất hàng triệu USD, chưa kể đầu tư hệ thống xử lý ban đầu có thể lên tới hàng chục triệu USD.

Do đó, hầu hết các doanh nghiệp (DN) nhất là DN đặt tại Việt Nam đều né tránh việc xử lý nước thải, toàn chỉ làm cho có. Chỉ khi nào có đoàn kiểm tra thông báo trước thì lại vận hành xử lý, nếu không thì đều xả thẳng ra môi trường, điều này vô cùng nguy hại.

"Với một DN có quy mô chế biến lớn với diện tích 12,57 ha như Dung Quất, có lượng nước xả thải nhiều mà giữ được môi trường ổn định như hiện nay là rất tốt.

Để làm được, là do cơ chế, khi mà DN tiến hành xây dựng dự án ngay từ khi thẩm định, vì là vốn 100% vốn nhà nước, nên sẵn sàng chi tiền để sử dụng công nghệ tốt nhất xử lý chất thải, còn các DN tư nhân, các công ty cổ phần, 100%  vốn nước ngoài họ né tránh để tìm kiếm lợi ích.

Số tiền mà Dung Quất chi ra, hay các KCN khác, ngay đầu tư ban đầu, xử lý nước thải chiếm 3-5% tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản. Còn hàng năm đưa vào đó, hạch toán lớn, chiếm tỷ trọng không nhỏ trong giá thành sản xuất, nên họ phải bỏ đi thì mới có lời nhiều, đầu tư mới có hiệu quả, chứ không có yếu tố an toàn và bền vững.

Formosa bây giờ nói gì thì nói, nhưng khó vì tốn rất nhiều tiền để khắc phục, 2-3 tháng là không thể, tôi nghĩ phải mất rất nhiều năm, vì vừa qua họ mới chỉ sản xuất thử, chưa vận hành hết công suất", Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III phân tích.

Về việc giám sát cách xử lý của Formosa thời gian tới, ông Đáp nhận định, vừa rồi chúng ta đã đặt hệ thống giám sát tự động, nhưng đây chỉ là một vấn đề. Chúng ta cần giám sát từ khâu bắt đầu sản xuất, rồi đưa ra nước thải, còn chỉ giám sát khâu làm sạch nước thôi là chưa đủ.

Cần phải có một quy chế, quy định phối hợp giữa Formosa và cơ quan quản lý, công khai cho người dân có thể giám sát, minh bạch mọi việc.

"Từ chỉ đạo cho đến hành động còn xa nhau lắm, vì với lượng xả thải 1,5 triệu tấn hàng ngày thì việc lọc nước xả thải, trung hòa các chỉ số, trở lại trạng thái bình thường, không dễ dàng gì, đặc biệt khó khi ngay từ ban đầu các thiết bị, công nghệ, Formosa đã bỏ quan khâu này. Tôi tin chắc việc khắc phục và thực hiện 1-2 năm còn khó, chứ chưa nói gì 1 tháng", ông Đáp nhấn mạnh.

Hà Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI