Diễn đàn: Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0

Xây dựng văn hóa từ chiếc nôi gia đình

15/01/2024 - 10:40

PNO - Khi những hành vi văn hóa lệch chuẩn đang diễn ra ngày càng nhiều trong cộng đồng, không ít ý kiến quy trách nhiệm chủ yếu cho nhà trường và xã hội. Song ta cũng nên biết, nơi đầu tiên hình thành ý thức văn hóa và nhân cách của mỗi cá nhân chính là gia đình.

Khi những đứa trẻ là “rốn” của vũ trụ

Những vấn đề tồn tại từ nhiều năm qua đến nay về văn hóa gia đình có thể kể: bạo lực gia đình, cha mẹ bất hòa, thiếu tôn trọng nhau dẫn đến chửi bới, nhục mạ nhau; tư tưởng “chồng chúa vợ tôi”; vợ/chồng có người thứ ba; nếp sống thiếu trật tự, thiếu nguyên tắc của gia đình… Đến nay, dù Nhà nước đã chú trọng thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch tuyên truyền, vận động xây dựng gia đình văn hóa nhưng các vấn đề nêu trên vẫn chưa thực sự có chuyển biến.
Ở thời đại 4.0, cùng với sự phát triển của xã hội, hội nhập quốc tế, văn hóa gia đình lại nảy sinh thêm nhiều vấn đề mới đáng lo ngại. Việc phụ huynh cưng chiều con cái, cố gắng tạo cho con một cuộc sống đủ đầy vốn không có gì đáng chê trách. Điều đáng trách là cách nuông chiều thái quá của một bộ phận cha mẹ.

Trẻ được cha mẹ đáp ứng mọi nhu cầu và không hề bị ràng buộc với bất kỳ nguyên tắc nào của cuộc sống gia đình: chào hỏi người lớn, biết nói lời cảm ơn, xin lỗi, biết chịu trách nhiệm cho hành vi, thói quen của bản thân... Trẻ được cung phụng, chiều chuộng thái quá, trở thành những người vô cảm và ích kỷ, chỉ biết hưởng thụ và đòi hỏi.

Gia đình - chiếc nôi hình thành văn hóa, nhân cách của mỗi cá nhân - ẢNH: SƠN VINH
Gia đình - chiếc nôi hình thành văn hóa, nhân cách của mỗi cá nhân - ẢNH: SƠN VINH

Trẻ nói gì, ứng xử ra sao trong mắt nhiều cha mẹ, ông bà đều là những hành vi đáng yêu. Có ông bà, cha mẹ cười khen con cháu mình giỏi quá, biết phân biệt đúng - sai khi nghe đứa trẻ chưa đầy 4 tuổi chỉ tay vào mặt người lớn nói: “Nói bậy, vả mồm!” khi nghe họ xưng hô mày tao lúc trò chuyện. Có cha mẹ lại bật cười khanh khách khi nghe con mới bập bẹ tập nói bắt chước ai đó văng tục: “Cái giọng ngọng líu, nói bậy mắc cười muốn xỉu”. Đứa trẻ còn quá bé để hiểu tốt xấu, chỉ thấy khi mình nói từ đó thì người lớn cười nên bé càng phấn khích và lặp lại từ chửi bậy nhiều hơn.

Ở trường học, cha mẹ lại cho trẻ tâm lý phải được ưu tiên, chăm sóc nhiều hơn các bạn. Đã xảy ra trường hợp học sinh không làm bài tập ở nhà, không học bài… bị giáo viên nhắc nhở, ngay hôm sau, phụ huynh vào gặp ban giám hiệu đòi kỷ luật giáo viên. Trẻ mẫu giáo giành đồ chơi, cô giáo không kịp can thiệp nên bị bạn cào xước tay. Ngay cuối buổi học, trường bị một phen náo loạn vì phụ huynh có con bị cào xước tay quát tháo cô giáo, đòi phải cho gặp trực tiếp bé đã cào tay con mình. 

Cũng vì coi con cái là trung tâm của vũ trụ, một số phụ huynh đã có những hành vi ứng xử kém văn hóa với giáo viên, bạn bè của con. Có thể kể một số vụ việc khiến dư luận xôn xao thời gian gần đây như nhóm phụ huynh Trường tiểu học Bình Chánh (Bến Lức, Long An) bắt cô giáo quỳ xin lỗi hay một phụ huynh Trường tiểu học Yên Tĩnh 2 (Nghệ An) đánh thầy giáo nhập viện. Mới nhất là việc một phụ huynh đánh nam sinh 14 tuổi là bạn học của con trai đến mức phải nhập viện ở huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi).

Ở một khía cạnh khác, công nghệ phát triển, nhiều phụ huynh phẫn nộ lên án việc quản lý lỏng lẻo để lọt các trang mạng xã hội đầy rẫy những video, chương trình phản cảm, vô văn hóa. Thế nhưng họ lại trang bị cho con cái điện thoại thông minh, máy tính bảng hiện đại, đắt tiền rồi mặc cho trẻ tự do lướt web, chơi game. Dù đã có những công cụ góp phần hạn chế và kiểm soát việc truy cập web của trẻ, nhưng chưa có nhiều phụ huynh quan tâm, tìm hiểu, sử dụng các công cụ này. Trẻ nhiễm thói hư tật xấu từ web độc hại, phụ huynh chỉ đổ lỗi cho nhà trường, xã hội thay vì nên nhìn nhận trách nhiệm đã lơi lỏng trong việc gần gũi, chăm sóc con cái.

Chiếc nôi văn hóa, nhân cách

Những quy tắc, chuẩn mực từ gia đình trong thói quen sinh hoạt, cách ứng xử… có tác dụng sâu sắc đến nhận thức, hành vi của trẻ. Khi bước ra khỏi môi trường gia đình, va chạm với những hành vi, lối ứng xử đi ngược lại giá trị, trẻ sẽ có sự chọn lựa đúng - sai và hành động dựa theo những giá trị, chuẩn mực đã hình thành từ chiếc nôi gia đình.

Việc giáo dục trẻ sẽ khó có hiệu quả thực sự nếu chỉ có “lời hay ý đẹp” mà phải thông qua những cử chỉ, việc làm đẹp. Mọi hành vi, lối ứng xử của người lớn, đặc biệt là cha mẹ, có tác động trực tiếp tới việc hình thành, phát triển nhân cách của con cái. Cha mẹ phải là những tấm gương ứng xử chuẩn mực, có văn hóa để trẻ noi theo. Trẻ có thể được học về việc tuân thủ luật giao thông, giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, thói quen xếp hàng chờ đến lượt… từ những bài học giáo dục công dân. Nhưng những bài học chỉ là lý thuyết nếu mỗi ngày chở con đi học, cha mẹ lại thản nhiên chạy xe lên vỉa hè, vượt đèn đỏ; cả gia đình tham gia những sự kiện văn hóa, lễ hội ở nơi công cộng nhưng xả rác; cha mẹ dạy con cách “khôn lỏi” để không phải xếp hàng khi trả tiền ở siêu thị…

Đừng nhìn văn hóa gia đình như những phạm trù quá lớn lao. Đó chỉ là những hành động bình thường trong cuộc sống hằng ngày của mỗi cá nhân; là cách ứng xử có văn hóa, sự quan tâm, yêu thương, sẻ chia… giữa các thành viên trong gia đình. Đó là những yếu tố đơn giản để xây dựng văn hóa gia đình, hình thành những giá trị bất biến với thời gian dù xã hội có đổi thay. 

Nguyễn Thị Anh

 

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn

Hành vi ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa có thể được nhìn thấy ở bất cứ đâu, trong cuộc sống thường ngày. Nhưng đồng thời, cũng có rất nhiều câu chuyện/hình ảnh đẹp về ứng xử trong cộng đồng, gia đình, trên mạng xã hội… Mời bạn đọc tham gia chia sẻ ý kiến, những góc nhìn, đề xuất/giải pháp cũng như góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, tử tế, nghĩa tình, nhân văn… cùng diễn đàn Xây dựng cộng đồng văn hóa thời 4.0, hướng đến một cộng đồng văn hóa, xã hội văn minh. Bài viết đạt chất lượng sẽ được đăng tải trên Báo Phụ nữ TPHCM (báo giấy và online) và được trả nhuận bút. Thư từ, bài vở xin gửi về email: diendanvanhoaungxu@baophunu.org.vn 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI