Xây dựng văn hóa giao thông từ đâu?

12/10/2023 - 06:19

PNO - Sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật, thiếu văn hóa và đạo đức khi tham gia giao thông vẫn diễn ra nhan nhản hằng ngày...

Tình trạng vi phạm luật giao thông ở Việt Nam phổ biến đến mức nếu có người tự giác dừng đèn đỏ lúc đường vắng, họ sẽ bị nhìn như… người ngoài hành tinh.

Hiện trường vụ tai nạn giao thông vào trưa 8/10 trên đường tránh thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) khiến 1 người tử vong, 12 người bị thương
Hiện trường vụ tai nạn giao thông vào trưa 8/10 trên đường tránh thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk) khiến 1 người tử vong, 12 người bị thương

Ở các đô thị lớn, cảnh xe cộ chen lấn, leo lề, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, những pha gây gổ nhau khi xảy ra va quẹt… là “chuyện thường ngày”. Trước và quanh các cổng trường mỗi giờ vào lớp và tan học, nhiều phụ huynh chở 3, chở 4 người/xe máy, không đội mũ bảo hiểm, thản nhiên đậu xe tràn ra đường; không ít học sinh 15-16 tuổi nghênh ngang chở nhau lạng lách trên những chiếc xe phân khối lớn. 

Từ nhiều năm nay, các ngành, các cấp đã bàn luận và nỗ lực xây dựng văn hóa giao thông. Thế nhưng, sự thiếu ý thức chấp hành pháp luật, thiếu văn hóa và đạo đức khi tham gia giao thông vẫn diễn ra nhan nhản hằng ngày, trực tiếp hoặc gián tiếp làm cho tình trạng kẹt xe, tai nạn giao thông (TNGT) thêm trầm trọng. Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, năm 2022, cả nước xảy ra 11.450 vụ TNGT, làm chết 6.384 người. Chỉ trong 9 tháng đầu năm nay, đã có 4.765 người chết do TNGT.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến TNGT, như cơ sở hạ tầng yếu kém, phương tiện giao thông thiếu an toàn. Nhưng ở Việt Nam, 95% số vụ tai nạn là do người tham gia giao thông vi phạm các quy tắc an toàn, như phóng nhanh, vượt ẩu, không giữ khoảng cách an toàn, không tập trung quan sát khi lái xe, đã dùng bia rượu hoặc chất kích thích, dừng đỗ xe tùy tiện…

Thương vong do TNGT có thể phòng tránh được thông qua việc nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật của cộng đồng. Chẳng hạn, việc đội mũ bảo hiểm có thể giúp giảm 40% nguy cơ tử vong và 70% nguy cơ bị thương nặng; việc giảm 5% tốc độ trung bình có thể giúp giảm 30% số vụ va chạm chết người.

Không chỉ bao gồm ý thức tự giác tuân thủ quy định và quy tắc an toàn giao thông, văn hóa giao thông còn thể hiện ở cách ứng xử văn minh, gương mẫu, vì cộng đồng, biết hỗ trợ và tôn trọng những người cùng tham gia giao thông.

Văn hóa giao thông trước hết phải xuất phát từ văn hóa ứng xử của mỗi người, giống như một khẩu hiệu (slogan) tuyên truyền: “Hãy kể cho tôi cách bạn tham gia giao thông, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người thế nào”. Văn hóa ấy không thể tự có mà được hình thành từ quá trình học tập, tiếp thu, rèn luyện, được định hình trong khuôn phép của pháp luật, đạo đức. 

Không thể hình thành văn hóa giao thông nếu việc thực thi pháp luật lỏng lẻo, lực lượng chức năng xuề xòa với các lỗi sai, thậm chí nhận tiền “bồi dưỡng” để bỏ qua vi phạm của người tham gia giao thông. Cùng với sự nâng cao nhận thức bằng giáo dục và tuyên truyền, việc xử lý nghiêm minh của lực lượng chức năng cũng góp phần quan trọng tác động đến ý thức tham gia giao thông của mỗi người dân. 

Từ đầu năm đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã mở đợt ra quân xử lý vi phạm nồng độ cồn với tinh thần “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Chuyện “vi phạm nồng độ cồn, hết đường xin xỏ” được bàn luận trong mỗi gia đình, người người nhắc nhau đã uống rượu bia thì “không được, không thể, không dám” lái xe. Điều này đã và đang tạo sự thay đổi trong nếp nghĩ, thói quen của nhiều người.

Căn cơ hơn, cần xây dựng nền tảng văn hóa giao thông ở độ tuổi nhỏ. Hiệu trưởng một trường THCS ở TP Thủ Đức, TPHCM từng chia sẻ, nhà trường rất khó khăn trong việc dạy dỗ học sinh về ý thức chấp hành quy định giao thông khi mà chính phụ huynh hằng ngày đưa các em đến trường lại ngang nhiên vi phạm luật giao thông ngay trước mặt con em mình.

Văn hóa giao thông đã trở thành chuyên đề giảng dạy trong học đường, nhưng nếu mỗi người lớn không làm tấm gương về chấp hành luật giao thông cho con em, học trò của mình thì mọi bài học, bài giảng chỉ là lời nói suông.

Cần xây dựng văn hóa giao thông một cách thực chất ngay từ trong mỗi gia đình, mỗi trường học mà ở đó, người lớn nhất thiết phải làm gương.

Phương Thanh 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI