Xây dựng văn hóa đọc trong trường học

09/07/2020 - 13:38

PNO - Hội Xuất bản Việt Nam vừa có công văn góp ý Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học, THCS, THPT về việc đưa tiết đọc sách vào giờ chính khóa.

Từ ngày 6/5 – 6/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học, THCS, THPT và THPT có nhiều cấp học để thay thế cho Thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT ngày 30/12/2010 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ Trường tiểu học.

So với điều lệ hiện hành, dự thảo được bổ sung những điều khoản mới. Cụ thể, tại điều 26 của Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường tiểu học có quy định: Xây dựng và phát triển văn hóa đọc. Tại điều 16 của Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và THPT có nhiều cấp học cũng có quy định: Phát triển văn hóa đọc.

Đưa tiết đọc sách vào trường học để dạy trẻ niềm say mê đọc từ khi còn nhỏ
Đưa tiết đọc sách vào trường học để dạy trẻ niềm say mê đọc từ khi còn nhỏ. Ảnh: Đường sách TPHCM

Cùng với sự thay đổi này, Hội Xuất bản Việt Nam vừa gửi thêm kiến nghị: "Đưa tiết đọc sách vào thời khoá biểu chính khoá của nhà trường trong việc xây dựng và phát triển văn hóa đọc tại Điều 26 của Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ Trường tiểu học và Điều 16 trong Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và THPT nhiều cấp học". Đây cũng là mong muốn, tâm huyết chung của Hội Xuất bản, các nhà giáo dục, giáo viên các cấp trong nhiều năm qua.  

“Trải qua các tiết đọc sách thử nghiệm mà Trường Tiểu học Hùng Vương (quận 5, TPHCM) đã mạnh dạn dành cho các em trong suốt 3 năm học vừa qua, tôi cảm nhận được những lợi ích tuyệt vời mà việc đọc sách đã mang lại cho các em. Nếu được đọc tốt, học sinh sẽ phát triển toàn diện hơn, học tốt và có nhiều đức tính tốt hơn” – thầy Lê Hữu Dũng, giáo viên Trường Tiểu học Hùng Vương chia sẻ.

Cô Nguyễn Thị Ngọc Diệp – Giáo viên Trường Song ngữ Quốc tế HORIZON TPHCM đồng thuận: “Chúng tôi mong Bộ GD&ĐT nhanh chóng phê duyệt tiết đọc sách chính khóa dành cho mọi cấp học để văn hóa đọc lan tỏa trong đời sống từ gia đình đến trường học, góp phần nâng tầm văn hóa Việt".

Đường sách TPHCM trở thành điểm hẹn quen thuộc cho bạn đọc thanh thiếu thiên. Ảnh: Đường sách TPHCM
Đường sách TPHCM trở thành điểm hẹn quen thuộc cho bạn đọc thanh thiếu thiên. Ảnh: Đường sách TPHCM

Trong thư ngỏ góp ý dự thảo, PGS.TS Hoàng Thị Tuyết, nguyên giảng viên Trường Đại học Sư phạm TPHCM, Giám đốc Trung tâm Phát triển Văn hóa đọc và Kỹ năng sống Hướng Dương Việt, viết: “Thứ nhất, cần đưa ra những quy định cụ thể để ngăn chặn tuyệt đối xu hướng thực hiện việc phát triển văn hóa đọc trong nhà trường như một hoạt động mang tính phong trào. Thứ hai, cần tập huấn hỗ trợ giáo viên dạy học sinh cách đọc. Trên thực tế, các phương pháp giảng dạy, lâu nay dựa trên một bộ sách giáo khoa-sách giáo viên tương ứng, đã ít hiệu quả”.

“Để phát triển văn hóa đọc trong nhà trường, không chỉ cần trang bị thư viện với những đầu sách hay mà còn cần chú trọng đến việc hướng dẫn kỹ năng, phương pháp đọc hiệu quả cho học sinh. Chương trình hướng dẫn kỹ năng đọc cần được xây dựng một cách bài bản, khoa học, phù hợp với lứa tuổi và thực tiễn của nhà trường” – TS Nguyễn Thị Ngọc Minh, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người sáng lập và điều hành Dự án Phát triển văn hóa đọc Sách ơi mở ra góp ý thêm.

Dự thảo Thông tư  ban hành Điều lệ Trường tiểu học, Điều 26:

1. Xây dựng và phát triển văn hoá đọc, thói quen đọc sách của cán bộ, giáo viên và học sinh trong nhà trường. Tổ chức cho học sinh đọc tại thư viện, lớp hoặc mượn tài liệu về nhà; tổ chức các tiết đọc ở thư viện; tổ chức các hoạt động khuyến đọc và các hoạt động giáo dục có sử dụng thông tin từ thư viện. 

2. Thực hiện đa dạng các hình thức thư viện, khuyến khích xây dựng thư viện điện tử ở những nơi có điều kiện và nhu cầu. Trang trí, sắp xếp thư viện thân thiện, sinh động, phù hợp với tâm sinh lí lứa tuổi học sinh tiểu học. 

3. Thường xuyên bổ sung sách, báo và các nguồn học liệu bao gồm cả bằng tiếng nước ngoài phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế tại nhà trường. Tạo điều kiện cho học sinh dễ dàng tiếp cận với sách và nguồn học liệu; có thể luân chuyển sách giữa các lớp, điểm trường. 

4. Hướng dẫn học sinh tự quản các hoạt động thư viện tại lớp, tại trường. 

5. Thực hiện hiệu quả công tác xã hội hoá, huy động sự tham gia của cộng đồng trong xây dựng và tổ chức hoạt động của thư viện; thường xuyên tổ chức quyên góp sách và các nguồn học liệu cho thư viện.

Dự thảo Thông tư ban hành Điều lệ trường THCS, THPT và THPT nhiều cấp học, Điều 16:

1. Trường trung học tạo điều kiện cho giáo viên, học sinh tiếp cận và sử dụng thông tin từ thư viện, các nguồn thông tin hữu ích khác để phát triển văn hoá đọc trong nhà trường.

2. Trường trung học có trách nhiệm hướng dẫn phương pháp, kĩ năng đọc và phát triển kĩ năng tìm kiếm thông tin cho giáo viên, học sinh.

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI