Xây dựng trường học hạnh phúc là nhiệm vụ trọng tâm trong năm học mới

04/09/2023 - 20:08

PNO - Trước thềm năm học mới, báo Phụ nữ TPHCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM về những mục tiêu TPHCM đặt ra trong năm học 2023-2024.

 

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM

Phóng viên: Nhiều năm qua, TPHCM đã thực hiện việc dạy học phát huy phẩm chất năng lực học sinh, không chờ đến khi Chương trình GDPT 2018 mới áp dụng. Song, thực tế không ít giáo viên hiện vẫn còn lúng túng… Năm học mới, TPHCM sẽ có những giải pháp gì để khắc phục tồn tại này, thưa ông?

Ông Nguyễn Văn Hiếu: Từ rất sớm, TPHCM đã triển khai tinh thần dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, thể hiện rõ nét qua việc đổi mới trong kỳ thi tuyển sinh 10, chú trọng học sinh vận dụng kiến thức để giải quyết vấn đề thực tiễn.

Trong nhiều năm nay, TPHCM cũng đã triển khai khảo sát lớp 3, 7 và 11. Kết quả khảo sát không dùng để đánh giá học sinh và nhà trường mà nhằm cho ra được câu hỏi đánh giá năng lực học sinh, giúp các trường soi rọi lại việc giảng dạy đã đúng tinh thần đổi mới chưa. 

Năm học mới, dứt khoát giáo viên thành phố không được phụ thuộc vào sách giáo khoa
Năm học mới, dứt khoát giáo viên thành phố không được phụ thuộc vào sách giáo khoa

Thế nhưng, không ít thầy cô, nhà trường vẫn còn lúng túng trong việc triển khai dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học. Năm học 2023-2024, TPHCM sẽ duy trì việc khảo sát lớp 3, 7, 11, đồng thời sẽ tổ chức nhiều hội thảo hơn để chia sẻ kinh nghiệm, nghiên cứu lý thuyết cũng như thực tế, hỗ trợ thầy cô, nhà trường dạy học phát triển phẩm chất, ra được năng lực học sinh. Song, chính hiệu trưởng, hiệu phó phải đầu tư chuyên môn, phải tạo điều kiện cho thầy cô đổi mới về phương pháp dạy học, trao quyền cho giáo viên chủ động trong kiểm tra đánh giá.

 - “Trường học hạnh phúc” là nhiệm vụ trọng tâm được TPHCM đặt ra trong năm học 2023-2024. Với rất nhiều tiêu chí song theo ông đâu mới là “cốt lõi” của trường học hạnh phúc?

- Tôi đọc ở đâu đó “hạnh phúc là mối quan hệ tốt đẹp”. Vậy, xây dựng trường học hạnh phúc thì nhà trường phải xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp. Với học trò, các em cần có bạn bè vui, được thầy cô lắng nghe, chia sẻ, đối xử công bằng. Với thầy cô đó là mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp, với lãnh đạo, với học sinh, phụ huynh…

Trong giáo dục, chúng ta không thể bắt em nào cũng chạy đủ 100m, mà cần phải hiểu được tâm tính từng em, áp dụng phương pháp cá biệt hoá. Khi khen thưởng, chúng ta không chỉ khen những học sinh có thành tích học tập cao mà cần vinh danh thêm những học sinh có hành vi tốt, ứng xử đẹp với bạn bè, mọi người xung quanh, biết chia sẻ khó khăn với bạn bè. Mỗi học sinh đều mong muốn được thể hiện bản thân, phát huy các tố chất, năng lực của mình, khi được ghi nhận kịp thời với các em đó là hạnh phúc. Nhà trường phải tổ chức nhiều hoạt động để phù hợp với phát triển toàn diện thì các em mới vui khi đến trường.

Theo khảo sát của UBMTTQ Việt Nam TPHCM mới đây, vẫn còn 14,5% học sinh thành phố không hài lòng với nhà vệ sinh của trường. Trường học hạnh phúc thì nhà vệ sinh phải đảm bảo, phải sạch sẽ để các em không gặp khó khăn khi sinh hoạt tại trường.

Xây dựng trường học hạnh phúc là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong năm học mới
Xây dựng trường học hạnh phúc là nhiệm vụ trọng tâm của TPHCM trong năm học mới

Thời gian qua, thành phố, ngành giáo dục đã rất nỗ lực tham mưu xây dựng thêm trường lớp, cơ sở vật chất, các chính sách chăm lo tốt nhất cho đội ngũ… Thế nhưng, có thể các điều kiện về giảng dạy, thậm chí là thu nhập chưa thực sự như kỳ vọng của mỗi thầy cô. Trong điều kiện đó, để xây dựng trường học hạnh phúc rất cần sự chia sẻ, thấu hiểu, nỗ lực của tất cả các thành viên nhà trường, để cùng mang đến hạnh phúc cho học trò.

Trong hành trình xây dựng trường học hạnh phúc, phụ huynh đóng vai trò rất lớn, hỗ trợ với nhà trường. Phụ huynh không nên yêu cầu cao về con mình, mà hãy luôn hỏi các em đến trường có vui không, có hạnh phúc không, lắng nghe con em mình chia sẻ để đồng hành…

- Xin cảm ơn ông!

Nêu cao hơn nữa sự tử tế của người thầy

Từ năm học 2022-2023, TPHCM bắt đầu xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố. Suốt một năm qua, không gian này dù còn đơn sơ với một góc văn hoá nhỏ với các đầu sách, các câu chuyện về Bác… nhưng đã trở thành một không gian giáo dục nhiều ý nghĩa, bao trùm lên khắp không gian trường học, góp phần hiệu quả giáo dục tư tưởng, đạo đức học sinh. 

Năm học 2023-2024, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục, được các nhà trường triển khai sâu rộng trong từng hoạt động giáo dục của trường. Để làm sao, học sinh thành phố được học tập, rèn luyện nhiều hơn. Thành phố mang tên Bác thì hơn ai hết các em phải hiểu, phải biết về Bác một cách sâu sắc nhất. 

Từ việc đọc những mẩu chuyện về Bác, học sinh sẽ học được nhiều điều để hoàn thiện nhân cách, từ sự quan tâm chân thành đến những người xung quanh, từ sự giản dị, tinh thần học hỏi, biết nhận lỗi, sửa sai khi mắc sai lầm…

Việc học tập theo Bác cũng là cơ hội để đội ngũ giáo viên tự soi rọi vào mình, hoàn thiện thêm bản thân không chỉ trong chuyên môn nghề nghiệp, nâng chuẩn nghề nghiệp mà hơn hết còn trong tư cách đạo đức, sự tử tế của người thầy. Người thầy đứng lớp ngoài việc đưa kiến thức đến học sinh còn phải là tấm gương để các em học hỏi về nhân cách, về tình yêu thương, sự tử tế, để đối xử tử tế với những người xung quanh…

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM


Quốc Trung (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI