Xây dựng trái phép: Phạt nhiều, đóng phạt không bao nhiêu

20/08/2021 - 10:03

PNO - Báo cáo của UBND TPHCM về kết quả thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng cho thấy tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt còn thấp, có năm tỷ lệ chấp hành dưới 50%.

Theo số liệu báo cáo, tỷ lệ chấp hành các quyết định xử phạt hành chính từ năm 2013-2017 đạt khoảng 55%, từ năm 2018-2019 tỷ lệ chấp hành quyết định xử phạt dưới 50%. Trong đó, quyết định chưa chấp hành toàn bộ chiếm 15%; chưa chấp hành hình thức phạt tiền chiếm 35% và chưa chấp hành khắc phục hậu quả chiếm 40%.

Theo UBND TPHCM, việc tỷ lệ thực hiện quyết định xử phạt hành chính còn thấp, một phần do người vi phạm không chấp hành nộp phạt hoặc tự tháo dỡ công trình vi phạm, khi đối tượng vi phạm không tự giác chấp hành thì cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế, tháo dỡ công trình vi phạm. Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn chậm, nguyên nhân do UBND quận, huyện thiếu kinh phí hoặc không đủ lực lượng để thực hiện cưỡng chế. 

M
Một công trình xây dựng không phép tại huyện Bình Chánh bị yêu cầu nộp 500 triệu đồng để trả chi phí cho đoàn tham gia cưỡng chế

Theo đặc thù công tác quản lý Nhà nước về hoạt động xây dựng đối với một số hành vi vi phạm hành chính, quyết định xử phạt vi phạm hành chính vừa có hình thức phạt tiền, vừa có biện pháp buộc khắc phục hậu quả là tháo dỡ công trình vi phạm. Hiện nay, việc tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình, bộ phận công trình vi phạm còn nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến thẩm quyền tổ chức cưỡng chế; kinh phí cưỡng chế; lực lượng thực hiện công tác cưỡng chế. Do đó, đa phần việc tháo dỡ chưa được thực hiện chủ yếu qua việc tự giác chấp hành của chủ đầu tư hoặc cơ quan, ban ngành vận động, thuyết phục chủ đầu tư tự tháo dỡ.

Ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng chưa cao; các biện pháp chế tài không đủ tính răn đe nên đối tượng vi phạm đã cố tình trốn tránh, không chấp hành quyết định xử phạt hành chính. Công tác tổ chức thực hiện quyết định xử phạt hành chính còn thiếu sự quan tâm của địa phương, còn nặng tình, chủ yếu thực hiện công tác vận động, thuyết phục, không kiên quyết xử lý đến nơi đến chốn. Đa số các tổ chức, cá nhân vi phạm hành chính xem nhẹ việc chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính; đối tượng vi phạm cố tình né tránh, chây ỳ, không thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính; tranh né, giải trình, khiếu nại vượt cấp… nhằm kéo dài thời gian thực hiện.

Một số trường hợp, đối tượng bị xử phạt có địa chỉ ở các tỉnh, thành phố khác, thường xuyên vắng mặt tại công trình vi phạm, không chấp hành nộp phạt và thực hiện khắc phục hậu quả theo quy định. Hoặc đối tượng bị xử phạt không hợp tác, không cung cấp hồ sơ có liên quan dẫn đến việc chậm trễ ban hành quyết định xử phạt.

Ngoài ra, Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 và nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định các biện pháp cưỡng chế thi hành biện pháp phạt tiền, tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện cón nhiều khó khăn, bất cập. Cụ thể, thực tế khó xác định lương, thu nhập, tài khoản cá nhân, tổ chức vi phạm nên không thể ban hành quyết định khấu trừ tiền. Đối tượng vi phạm không hợp tác, không cung cấp thông tin về số tài khoản ngân hàng, đối tượng vi phạm không có tài khoản ngân hàng hoặc tài khoản có nhưng là tài khoản trống.

Các ngân hàng thường không tích cực phối hợp cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan thi hành cưỡng chế thực hiện quyết định xử lý vi phạm hành chính trong việc khấu trừ tiền, do cơ chế giữ bí mật, bảo vệ khách hàng vì mục đích kinh doanh. Đồng thời, hiện nay, có hơn 90 tổ chức tín dụng hoạt động trên địa bàn TPHCM, nên việc xác minh thông tin tài khoản của các tổ chức, cá nhân vi phạm gặp nhiều khó khăn (không có đầu mối để trao đổi thông tin).

Bích Trần

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI