PNO - Âm nhạc là lĩnh vực có nhiều triển vọng đóng góp lớn cho kinh tế thời gian tới khi có lượng công chúng đông đảo, độ mở lớn, không giới hạn về ngôn ngữ, phát triển nhanh… Tuy nhiên, triển vọng cũng đi kèm với không ít thách thức.
Theo báo cáo “Tổng quan ngành công nghiệp âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam 2024: Sự chuyển mình, các xu hướng mới và tiềm năng phát triển” do nhóm nghiên cứu Khoa Truyền thông và Thiết kế, Trường đại học RMIT Việt Nam thực hiện, dịch vụ phát nhạc trực tuyến toàn cầu có giá trị khoảng 17,5 tỉ USD và sẽ còn tăng mạnh trong những năm tiếp theo.
Show Anh trai vượt ngàn chông gai quy tụ đông đảo khán giả, được xem là một trong những sự kiện âm nhạc lớn của năm - Ảnh do ban tổ chức cung cấp
Báo cáo “Thị trường âm nhạc toàn cầu 2023” từ Liên đoàn quốc tế của ngành công nghiệp ghi âm (IFPI) cho thấy: doanh thu từ nhạc trực tuyến (có quảng cáo và đăng ký không quảng cáo) chiếm đến 67% doanh thu âm nhạc toàn cầu. Khoảng một nửa số người dùng internet ở Việt Nam thưởng thức âm nhạc và video trên các nền tảng trực tuyến. Đến năm 2027, thị trường phát nhạc trực tuyến tại Việt Nam sẽ đạt quy mô 72,4 triệu USD (theo Thống kê âm nhạc kỹ thuật số Việt Nam của Statista Market Forecast - cổng thông tin điện tử tích hợp dữ liệu của hơn 600 ngành công nghiệp ở hơn 50 quốc gia).
Còn báo cáo “Digital 2023: Việt Nam” từ We Are Social cho thấy: có 58,3% video trực tuyến được người dùng Việt Nam xem là video âm nhạc; 49,2% người dùng internet truy cập mạng để nghe nhạc. Hiện các đơn vị phát hành trực tuyến toàn cầu như Spotify, Universal Music, Warner Music… đã có mặt tại Việt Nam trong khi nền tảng YouTube đã mang sản phẩm âm nhạc của nghệ sĩ Việt đến thế giới. Điều này mở ra nhiều hy vọng cho tương lai của nhạc số tại Việt Nam. Việc biểu diễn trực tiếp, thông qua những sự kiện âm nhạc lớn cũng mang lại nguồn thu khổng lồ cho nền kinh tế không chỉ từ việc bán vé mà còn là hoạt động du lịch. Hà Nội đã thu gần 630 tỉ đồng trong 2 đêm diễn của nhóm nhạc Blackpink hồi tháng Tám là ví dụ điển hình. Tại một tọa đàm thuộc khuôn khổ Tuần lễ Âm nhạc Việt Nam, bà Nguyễn Trần Tâm Hà - Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TPHCM - cho biết: theo ghi nhận từ các doanh nghiệp lữ hành, doanh thu ngành du lịch tăng từ 30 - 40% trong mùa diễn ra các lễ hội văn hóa có kết hợp với sự kiện âm nhạc.
2 năm trở lại đây, Việt Nam càng tạo được sự chú ý trong khu vực khi có nhiều nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn. Trong đó có cả những tên tuổi đương thời như: Blackpink, Katy Perry, Charlie Puth… thay vì chỉ là những nghệ sĩ đã qua thời đỉnh cao như trước đây. Sức hút của những concert như: Anh trai say hi, Anh trai vượt ngàn chông gai cũng cho thấy triển vọng của những tên tuổi trong nước.
Phải có những thương hiệu đủ mạnh
Để thị trường nhạc Việt nổi bật, thu hút thêm sự chú ý bên ngoài, các nhà chuyên môn trong lĩnh vực này nhấn mạnh vấn đề bản sắc phải được đặt lên hàng đầu. Trong mục tiêu phát triển văn hóa nói chung, âm nhạc nói riêng, việc giữ gìn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc được đánh giá là rất quan trọng. Hiện nay, chất liệu này đã được rất nhiều người trẻ tài năng ứng dụng như: Hoàng Thùy Linh, Phương Mỹ Chi, Masew (Lê Tuấn Anh)…
Các thành viên trong nhóm Imagine Dragons biểu diễn tại đêm nhạc 8WONDER Winter 2024 ở TPHCM hôm 8/12 (Ảnh: Ban tổ chức)
Nhạc sĩ Huy Tuấn nhấn mạnh: những chất liệu truyền thống cần được kể bằng ngôn ngữ âm nhạc toàn cầu, đại chúng để chinh phục khán giả. Trong những sự kiện âm nhạc lớn, chẳng hạn như Hò Dô, những chất liệu này đã được giới thiệu nhưng lại đứng đơn lẻ. Vì vậy, chưa phát huy hết giá trị để tạo ấn tượng với công chúng, đặc biệt với khán giả quốc tế.
Theo nhạc sĩ Dương Khắc Linh, bản sắc của một nền âm nhạc còn được tạo nên từ nhiều yếu tố khác. Anh lấy ví dụ về sự thành công của âm nhạc Hàn Quốc với mang màu sắc Âu, Mỹ. Nhưng Chính phủ Hàn Quốc và các công ty giải trí đã có những chiến lược bài bản trong truyền thông để định vị thương hiệu, tăng sự ảnh hưởng. Họ thực sự xem văn hóa, giải trí là ngành trọng tâm, đầu tư lớn để có thể thu lợi nhuận. Anh đánh giá: nhạc Việt hiện nay đã nằm trong tốp chất lượng cao của châu Á nhưng tất cả vẫn đang phát triển riêng lẻ, không có một chiến lược truyền thông, quảng bá nào để định vị thương hiệu, hình ảnh. Vì thế, sự hợp tác của các bên, sự hỗ trợ của Nhà nước là hết sức quan trọng.
Theo ông Phạm Đình Tâm - quản lý dự án của IME, đơn vị đưa Blackpink về Việt Nam biểu diễn - chiến lược phát triển cần đặt ra từng giai đoạn cụ thể. Muốn thu lợi nhuận từ văn hóa, giải trí nói chung phải tạo được những thương hiệu đủ mạnh, có ảnh hưởng rộng lớn, từ đó phát triển sản phẩm vệ tinh xung quanh. Với âm nhạc, xuất phát điểm vẫn nên là tác phẩm hay, chất lượng, biểu diễn cuốn hút và nghệ sĩ có tầm ảnh hưởng. Ông cho hay, đơn vị của mình cũng có kế hoạch đưa ca sĩ Việt ra nước ngoài biểu diễn để mở rộng thị trường, tăng độ nhận diện, ảnh hưởng, nhưng thực sự tên tuổi của các ca sĩ vẫn chưa đủ sức hút để bán được vé. Để bước ra quốc tế, các ca sĩ Việt cần nhiều nỗ lực hơn nữa, nhất là về kỹ thuật, công nghệ biểu diễn.
Đối với biểu diễn trực tiếp, cần đẩy mạnh sự hợp tác công - tư để tạo ra các sự kiện quy mô, có ảnh hưởng lớn. Nhà nước có vai trò quản lý, điều phối, hỗ trợ chính sách, địa điểm biểu diễn; các đơn vị tư nhân có lợi thế am hiểu thị trường, gu khán giả, tiếp cận đối tác quốc tế… Khi kết hợp được những vấn đề này, thị trường âm nhạc sẽ phát triển nhanh hơn.