Xây dựng thói quen đọc từ trường học: Đừng nói suông!

17/06/2019 - 14:20

PNO - Phải thấy rằng, để văn hóa đọc thật sự phát triển, không thể cứ mãi nói suông, hô hào cổ động, mà phải hiện thực hóa từng bước, từng mục tiêu cụ thể, một cách quyết liệt.

“Khảo sát ở lứa tuổi học sinh cấp I và cấp II, có đến 57% em rất thích tham gia các hoạt động đọc sách ở trường: tiết đọc sách, thi kể chuyện, đóng kịch, giao lưu tác giả… Quan trọng là chúng ta có đáp ứng được hay không” - tiến sĩ Quách Thu Nguyệt đặt vấn đề, khi bàn về việc xây dựng thói quen đọc sách trong nhà trường.

Văn phòng đại diện phía Nam của Hội Xuất bản Việt Nam vừa công bố kết quả khảo sát “Niềm tin và thói quen đọc của giới trẻ tại TP.HCM”. Khảo sát thực hiện trong 2 tháng, với 1.600 phiếu, dành cho học sinh các cấp và sinh viên, chủ yếu ở trẻ học cấp I, II. Kết quả đã ghi nhận thói quen đọc của trẻ nhỏ “không mấy tươi sáng”.

Sợ sách chữ, thích truyện tranh

Theo kết quả khảo sát, học sinh cấp I, cấp II đều nhận thức được sự cần thiết, tầm quan trọng của việc đọc sách. Tuy nhiên, cấp độ yêu thích đọc của trẻ trong độ tuổi này lại chiếm chưa đến 50% (cấp I: 42%, cấp II: 36%). Trong khi đó, 64% các em thích chơi với máy tính bảng, điện thoại, xem truyền hình (63% thường xuyên giải trí bằng thiết bị công nghệ). Việc sử dụng smartphone chủ yếu để nhắn tin tán gẫu, chơi game, xem clip hài (10% dùng đọc truyện tranh trên mạng). 59% thích đọc truyện tranh giấy.

Xay dung thoi quen doc tu truong hoc: Dung noi suong!
Niềm yêu thích đọc của trẻ có được khơi nguồn từ sớm hay không, rất cần định hướng của người lớn (Ảnh: Sách về với các em học sinh trường tiểu học Nguyễn Trung Ngạn (Q.8) - Ảnh: nhà xuất bản Kim Đồng)

Kết quả khảo sát dành riêng cho phụ huynh cho ra các con số tích cực: 98% đồng ý “đọc để phát triển trí tuệ bản thân và thành công trong cuộc sống”. 84% đồng ý về “tầm quan trọng của việc đọc đối với kết quả học tập và hoàn thiện nhân cách trẻ”. Tuy nhiên, làm thế nào để con trẻ yêu thích đọc sách một cách tự nhiên lại là băn khoăn của rất nhiều người. Trăn trở này cũng từng được đặt ra tại rất nhiều cuộc tọa đàm liên quan đến văn hóa đọc những năm gần đây. Ngoài ra, việc trẻ nhỏ sợ truyện chữ, chỉ thích truyện tranh cũng là vấn đề.

Một trong những hoạt động hè đang diễn ra tại Đường sách TP.HCM là bình chọn top 10 các tựa sách hay dành cho học sinh các cấp. Danh sách bình chọn cũng chính là cơ sở để cha mẹ chọn sách cho con. Sách thiếu nhi hiện nay không thiếu. Mỗi dịp hè, các đơn vị xuất bản đều giới thiệu sách hay tái bản, trình làng những tựa sách mới dành cho trẻ em. Song định hướng đọc cho các em vẫn cần đến người lớn.

Nhà văn Văn Thành Lê cho biết, nhờ những buổi về trường giao lưu, các em học sinh cấp I mới có dịp tiếp cận rộng rãi hơn những tác phẩm anh viết cho thiếu nhi. Từ yêu thích nhà văn đến tìm đọc tác phẩm là một khoảng cách rất gần. Có rất nhiều cây bút viết cho trẻ nhỏ, với đủ thể loại, nhưng đôi khi, vì nhiều lý do hoặc không có cơ hội, tác phẩm chưa đến được đúng đối tượng.

Uốn nắn từ gốc

Cũng từ kết quả khảo sát cho thấy, gia đình có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ nhỏ. Kết quả cho câu hỏi, “Ở nhà, ai là người đọc sách cùng em?, kết quả ghi nhận 31% là cha mẹ, 37% là anh chị, 20% là ông bà. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, đọc sách là do “cha mẹ bắt buộc”. Không ít em nhỏ mang tâm lý sợ sách chữ, cho rằng sách là sách giáo khoa - loại dùng để học tập, nên khi nhắc đến sách, các em thấy “sợ và chán”.

“Chúng tôi vừa có cuộc họp với các nhà giáo, chuyên gia giáo dục để bàn bạc, xây dựng kiến nghị, gửi đến Bộ Giáo dục và Đào tạo, về việc mở tiết đọc sách trong nhà trường. Có thể hình thành tiết đọc sách độc lập cho các em hoặc đọc thông qua tương tác cùng thầy cô giáo. Hiện đã có trường như Trường tiểu học Đinh Thiện Lý có tiết đọc sách.

Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh từng nói: “Dúi cuốn sách vào tay một đứa trẻ 14, 15 tuổi trước nay chưa từng được nghe chuyện, chưa từng rờ tới sách, suốt ngày chỉ cắm mặt vào máy tính chơi game thì cũng giống như ép một người chuyển máy bay khi máy bay đang ở trên không”. Cho nên, muốn trẻ nhỏ có thói quen đọc sách, cần uốn nắn khi các em còn bé, từ môi trường gia đình và giáo dục” - ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam, nhìn nhận.

Tiến sĩ Quách Thu Nguyệt đồng thuận: “Trẻ cấp I, cấp II là đối tượng nền tảng cần tập trung xây dựng, phát triển thói quen đọc sách. Tuy nhiên, một cá nhân, đơn vị không thể lan tỏa được tinh thần này trong một sớm một chiều. Chúng ta không làm theo phong trào mà cần đầu tư chiến lược tầm quốc gia. Hiện chưa có kênh YouTube nào dành riêng cho văn hóa đọc. Cần phải có các clip quảng cáo, giới thiệu về sách, tác dụng, ý nghĩa của việc đọc sách. Phải làm sao để niềm yêu thích đọc được thấm nhuần từ nhận thức của trẻ lẫn người lớn”.

Trong đề xuất để phát triển văn hóa đọc còn có ý tưởng cần sự tác động từ các sở văn hóa và thể thao. Ví dụ kiến nghị lên UBND TP.HCM về việc thay đổi tiêu chí gia đình văn hóa, trong đó yêu cầu các gia đình phải hình thành tủ sách gia đình. Phải thấy rằng, để văn hóa đọc thật sự phát triển, không thể cứ mãi nói suông, hô hào cổ động, mà phải hiện thực hóa từng bước, từng mục tiêu cụ thể, một cách quyết liệt. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI