Diễn đàn “Để thành phố khỏe lại”:

Xây dựng thành phố thông minh: Cần đóng góp nguồn lực và trí tuệ của mọi người

08/10/2021 - 06:28

PNO - Để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì còn cần đến sự đồng hành của người dân trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch và thường xuyên sử dụng các ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch.


Trong những ngày vừa qua, app “Y tế HCM” đang được triển khai vận hành để người dân, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp...  thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 tại thành phố từ ngày 1/10. 

Người dân trình khai báo y tế trên app khi qua các chốt kiểm tra - Ảnh: Tam Nguyên
Người dân trình khai báo y tế trên app khi qua các chốt kiểm tra - Ảnh: Tam Nguyên

Người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp có thể truy cập vào địa chỉ https://antoan-covid.tphcm.gov.vn thực hiện đăng ký để nhận mã QR. Những người dân không dùng điện thoại thông minh, hoặc không sử dụng internet, có thể liên hệ UBND phường, xã, thị trấn để được hỗ trợ tạo mã QR cá nhân. Các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp truy cập để được cấp mã QR đơn vị và tài khoản quản trị ứng dụng hỗ trợ các hoạt động phục vụ hoạt động, sản xuất, kinh doanh an toàn. 

Theo lộ trình, TPHCM sẽ chuyển dữ liệu từ ứng dụng “Y tế HCM” sang ứng dụng PC-COVID (của Chính phủ), sau đó ứng dụng “Y tế HCM” trở thành một tiện ích trong ứng dụng PC-COVID. Tiện ích này cung cấp các chức năng hỗ trợ người dân, phục vụ công tác phòng, chống dịch ở thành phố như theo dõi và hỗ trợ chăm sóc F0 đang điều trị tại nhà, thông tin các F0 đang điều trị tại các bệnh viện. 

Để có được app “Y tế HCM” vận hành ngay khi thành phố mở cửa trở lại là nhờ khai thác kết quả từ kho dữ liệu dùng chung của đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến 2025” mà chính quyền thành phố đã và đang thực hiện. Trong đó, không chỉ trong công tác phòng, chống dịch mà ở nhiều lĩnh vực, người dân đã từng bước được thụ hưởng các tiện ích. 

Có thể nói, từ câu chuyện ứng dụng “Y tế HCM” trong phòng, chống dịch bệnh cho thấy việc xây dựng đô thị thông minh là một vấn đề cấp thiết của thành phố. Nó giúp TPHCM hiện đại hóa đô thị và sử dụng những công cụ thông minh để giải quyết mọi vấn đề phát sinh một cách hiệu quả. Nó cũng giúp bộ máy chính quyền làm việc hiệu quả hơn, cuộc sống có chất lượng cao hơn, mọi người được phục vụ tốt hơn.

Tuy nhiên, thách thức nằm ở chỗ chính con người ra quyết định vận hành chứ không phải máy móc, thiết bị. Hiện nay, thành phố vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các dữ liệu gốc liên quan đến người dân, doanh nghiệp, đất đai để phát triển kho dữ liệu dùng chung, đóng vai trò thiết yếu trong việc triển khai đề án đô thị thông minh. 

Tôi cho rằng, để thật sự trở thành đô thị thông minh thì TPHCM còn phải nỗ lực nhiều trong đầu tư nguồn lực con người, hoàn thiện thể chế, cơ sở dữ liệu. Đặc biệt, để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 thì còn cần đến sự đồng hành của người dân trong việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch và thường xuyên sử dụng các ứng dụng công nghệ hỗ trợ phòng, chống dịch. Muốn vậy, từng người trong cộng đồng phải nỗ lực, đóng góp nhiều hơn nữa cả về nguồn lực, tâm sức và trí tuệ. 

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn “Để thành phố khỏe lại”

Thành phố đang rất cần những ý kiến góp ý của người dân nhằm xây dựng một hệ thống các giải pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước mắt và lâu dài một cách hiệu quả.

Báo Phụ Nữ TPHCM mở diễn đàn “Để thành phố khỏe lại”. Rất mong đón nhận được những ý kiến, những bài viết của quý bạn đọc, các chuyên gia kinh tế, văn hóa, xã hội góp tiếng nói cho diễn đàn. 

Bài viết (tối đa 800 từ) xin gửi qua email: toasoan@baophunu.org.vn trước ngày 30/9/2021.


Võ Thị Trung Trinh

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI