Xây dựng nếp nhà phù hợp nếp sống văn minh đô thị

09/01/2025 - 06:11

PNO - Sau khi nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường bộ và điều 77 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, cho phép sử dụng tạm thời lòng đường, vỉa hè vào một số mục đích, trong đó có tổ chức đám cưới, đám tang… nhiều bạn đọc, chuyên gia đã có ý kiến.

Một đám cưới tổ chức dưới gầm công trình giao thông ở TPHCM ngày 8/10/2023 - Ảnh do người dân cung cấp
Một đám cưới tổ chức dưới gầm công trình giao thông ở TPHCM ngày 8/10/2023 - Ảnh do người dân cung cấp

Tiến sĩ, kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn - Chủ tịch NgoViet Architects & Planners:

Mỗi dự án cao tầng nên có nhà cộng đồng dành cho quan hôn tang tế

Khi tôi qua Singapore, thấy họ phát triển những cụm dự án cao tầng, trong đó tầng 1 luôn để trống, mục đích là để cho cộng đồng, người dân sử dụng khi có việc quan hôn tang tế. Nghĩa là dù đám cưới, đám tang hay sự kiện tụ họp… đều luôn có sẵn khu sinh hoạt cộng đồng phục vụ người dân. Đây là cách làm rất hay.

Tuy nhiên, điều này không phải do tư nhân mà là cơ quan nhà nước của Singapore thực hiện. Nhu cầu về không gian để tổ chức đám cưới, lễ tang ở đâu cũng có, kể cả ở nhiều quốc gia Bắc Mỹ, châu Âu đều có quy hoạch cộng đồng. Còn Việt Nam mình chưa có.

Việc cho phép tổ chức đám cưới, lễ tang ở lòng đường, vỉa hè chỉ phù hợp với đô thị nhỏ, làng xã. Còn với những đô thị lớn như TPHCM thì cần có quy hoạch, dần dần đưa vào quy củ. Thành phố nên có một quy hoạch không gian cộng đồng - một không gian đa dụng cho việc quan hôn tang tế. Ở mỗi phường nên xây dựng một nhà cộng đồng có không gian mở cho người dân đăng ký tổ chức các nghi lễ tưởng niệm, đám cưới, tang lễ… Không gian cộng đồng này phải là sở hữu công.

Thành phố có thể cấp cho phường quỹ đất để xây dựng nhà cộng đồng. Có thể làm theo mô hình văn phòng làm việc ở các tầng trên, còn tầng dưới có khu riêng biệt, lối đi riêng để tổ chức làm dịch vụ cộng đồng. Có thể miễn phí cho người dân hoặc thu một khoản phí nhất định như chi phí vệ sinh, điện nước… Chính sách này là lấy từ tiền thuế của người dân phục vụ lại người dân - Singapore cũng làm vậy.

Bên cạnh xây dựng nhà cộng đồng, địa phương nên vận động các chùa, nhà thờ dành một không gian tương tự vậy. Tổ chức các nghi lễ quan hôn tang tế ở nhà cộng đồng địa phương hay các địa điểm như chùa Vĩnh Nghiêm, chùa Xá Lợi… - những nơi có sẵn không gian cho hoạt động này sẽ tốt hơn so với việc cho phép làm ở lòng, lề đường. Ngoài ra, ở nhiều địa phương cũng có nhà tang lễ thì việc tổ chức đám tang ở đây rõ ràng thuận lợi hơn ở nhà, trừ với người có nhà rộng.

Luật sư Nguyễn Hồng Lâm - Trưởng văn phòng luật sư Đông Du, Đoàn Luật sư TPHCM:

Cho thuê một số khu vực công cộng với giá rẻ khi tổ chức sự kiện hiếu hỉ

Theo tôi, đây là giải pháp mang tính tạm thời để đáp ứng nhu cầu của một bộ phận nhỏ dân cư. Do tập quán của người dân hình thành từ lâu nên việc tổ chức các sự kiện hiếu hỉ trên đường phố là rất khó dẹp bỏ hay cấm đoán một sớm một chiều. Về lâu dài, tôi nghĩ vẫn phải tiếp tục cho phép người dân sử dụng lòng lề đường, tiến tới giảm dần, rồi xóa bỏ.

Với quy định mới ban hành, để người dân sử dụng lòng đường, vỉa hè tổ chức đám tang, đám cưới mà không gây ảnh hưởng giao thông, mỹ quan đô thị, hội đồng nhân dân cần phê duyệt danh sách các tuyến đường được phép tổ chức, dựa trên tiêu chí chung thống nhất. Danh sách này có thể được bổ sung hay rút gọn hằng năm.

Cũng cần quy định rõ diện tích lòng, lề đường tối đa được sử dụng, thời gian ma chay không quá 3 ngày, đám cưới không quá 24 giờ… Ngoài ra, chính quyền cấp phường, xã phải bố trí lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, điều tiết giao thông, chủ nhà sẽ hỗ trợ một phần kinh phí cho lực lượng này.

Song song đó, để khắc phục tình trạng thiếu nơi tổ chức các sự kiện hiếu hỉ, Nhà nước nên xem xét phương án tận dụng các địa điểm công cộng như nhà văn hóa, điểm sinh hoạt chung… cho người dân thuê sử dụng với giá rẻ.

Việc cho thuê như trên sẽ dẫn đến một số khó khăn, lúng túng ở bước đầu thực hiện. Do đó, cần có quy định rạch ròi để đảm bảo quyền lợi của các bên. Cụ thể như: ban hành quy hoạch địa điểm cho thuê; giá thuê trên địa bàn cấp quận, huyện dựa trên khung giá do tỉnh, thành quy định; quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người thuê khi sử dụng địa điểm thuê…

Các nước phát triển hiện nay hoàn toàn không có chuyện cấp phép cho người dân sử dụng lòng, lề đường với bất kỳ lý do gì, nên giải pháp căn cơ và lâu dài vẫn là tuyên truyền nếp sống văn minh để người dân hạn chế sử dụng lòng, lề đường vào những dịp hiếu hỉ; tăng cường xây dựng các địa điểm tổ chức sự kiện công cộng (nhà tang lễ, hội trường tiệc cưới…) trong quy hoạch phát triển đô thị.

Đặc biệt, nên xem việc xây dựng các địa điểm tổ chức sự kiện công cộng là điều kiện bắt buộc phải có để phê duyệt các dự án xây dựng nhà ở, công trình.

Chị Dương Ngọc Hà - TP Thủ Đức, TPHCM:

Cần vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị

Cách đây không lâu, tôi từng dự một đám cưới che rạp dựng ngay dưới lòng đường. Nói thật là vừa ngồi xuống tôi đã “lạnh sống lưng” khi nghe tiếng xe máy chạy sát bên cạnh. Cảm giác không an toàn nên cứ có tiếng xe là tôi phải ngoái đầu lại nhìn. Sự lo lắng càng tăng thêm khi chiếc xe đang đi tới là xe hơi hay xe tải. Sau 10 phút nhập tiệc, tôi viện cớ có việc gấp và xin phép ra về.

Thực tế, nhà ở tại đô thị Việt Nam đa phần là nhà ống, không có sân, nên khi có việc cần không gian lớn thì “đưa nhau ra đường ngồi” - từ tiệc cưới, đám tang đến đám giỗ thậm chí đám nhậu nhẹt cũng ngồi ngoài đường. Đã có những tai nạn đáng tiếc xảy ra khi xe cộ đi ngang, vì né tránh cái rạp đám cưới, đám tang mà gây tai nạn cho người đi đường. Không ít vụ xe còn tông thẳng vô cái rạp đang dựng ngoài đường.

Đã có nhiều tranh luận giữa nguyên tắc đường chỉ dành cho giao thông và nhu cầu thực tế của người dân phù hợp với thói quen, phong tục. Ở TPHCM, UBND thành phố ban hành quy định cho phép sử dụng tạm một phần lòng, lề đường để làm đám cưới, đám tang và các hoạt động khác, nhưng quy định rất chặt chẽ về điều kiện, diện tích sử dụng, bảo đảm cho người đi bộ, bảo đảm giao thông trên phần đường còn lại ra sao…

Tuy quy định của TPHCM là vậy, nhưng một số địa phương, xét trên tình hình thực tế, cũng chỉ cho thực hiện một phần quy định. Ví dụ như ở phường Bình Chiểu (TP Thủ Đức) chỉ cho sử dụng tạm một phần lòng đường để làm đám tang kèm theo yêu cầu phải có bảng cảnh báo để ở 2 đầu rạp và tuyệt đối không cho dựng rạp đám cưới dưới lòng đường. Người dân ở đây cũng vui vẻ dời đám cưới đến sân trụ sở khu phố, mượn những nhà còn đất rộng và phổ biến là làm đám cưới ở nhà hàng. Thậm chí, một số gia đình có đám tang còn tự giác đưa đến chùa gần đó để tổ chức nghi thức cho người đã mất trước khi đưa ra nghĩa trang.

Thực tế trên cho thấy: người dân đã dần ý thức việc sử dụng lòng đường, vỉa hè làm việc riêng là không an toàn, từ đó điều chỉnh nếp nhà phù hợp với nếp sống văn minh. Đối với những đô thị lớn như TPHCM, việc cho phép tổ chức đám tiệc trên vỉa hè có thể phá vỡ những nỗ lực của các địa phương về vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị.

Việc “nới lỏng” quy định, tạo điều kiện cho người dân sử dụng lòng đường, vỉa hè tổ chức đám tiệc chỉ nên là giải pháp trước mắt, tạm thời, trên lộ trình tiến tới thống nhất quy định lòng đường, vỉa hè hoàn toàn chỉ phục vụ cho mục đích giao thông và các mục đích công cộng cấp bách như cứu nạn, cứu hộ, chống dịch, phòng cháy chữa cháy…

Thùy Dương - Nhã Chân - Thanh Trung (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI