Xây dựng lá chắn tội phạm

23/12/2023 - 06:29

PNO - Năm 2023, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố tăng 1.748 vụ và tiếp tục diễn biến phức tạp.

Tại kỳ họp thứ 13 của HĐND TPHCM khóa X, diễn ra đầu tháng Mười hai vừa qua, Viện trưởng Viện Kiểm sát TPHCM Nguyễn Đức Thái thông tin, năm 2023, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố tăng 1.748 vụ và tiếp tục diễn biến phức tạp.

Các tổ trinh sát Cảnh sát hình sự Công an TPHCM mật phục tuần tra trên đường phố vào ban đêm. Ảnh: Chí Thạch
Các tổ trinh sát Cảnh sát hình sự Công an TPHCM mật phục tuần tra trên đường phố vào ban đêm - Ảnh: Chí Thạch

Trước đó, phiên thảo luận tổ tại hội trường Quốc hội chiều 21/11 cũng “nóng” với các chất vấn của đại biểu Quốc hội liên quan đến sự gia tăng của tội phạm, đặc biệt là cướp giật tài sản (tăng 44% so với cùng kỳ) và tội phạm công nghệ thông tin mạng internet (tăng hơn 200 vụ)…

Năm 2023, hậu đại dịch COVID-19, với những khó khăn về kinh tế - xã hội tác động đến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người dân. “Bần cùng sinh đạo tặc” là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng của tội phạm xâm hại tài sản trong năm. Các hội/nhóm: “vỡ nợ làm liều”, “túng quá làm liều”, “bùng nợ”… được lập ra trên mạng xã hội có hàng chục ngàn người tham gia. Đây cũng trở thành nơi để các đối tượng bàn bạc, rủ rê nhau trộm cướp. Vụ việc 3 đối tượng là thành viên “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều” rủ nhau đi cướp ngân hàng ở huyện Hóc Môn, TPHCM ngày 26/10 là ví dụ.

Trong thời đại công nghệ số, internet đã trở thành một phần của đời sống. Hiện nay, Việt Nam có khoảng 85 triệu “công dân mạng”. Internet luôn là môi trường lý tưởng để tội phạm hoạt động. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các băng nhóm tội phạm đang “chuyển địa bàn” lên môi trường mạng thay vì hoạt động theo phương thức truyền thống. Chúng dùng mạng xã hội để cổ xúy, kích động, lôi kéo người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Phương thức hoạt động của các đối tượng rất tinh vi, thường dùng tài khoản ảo, lôi kéo những người khó khăn về kinh tế. Đối tượng mà chúng nhắm đến là trẻ vị thành niên, người có trình độ học vấn thấp…

Để ngăn chặn các hội/nhóm này, cơ quan chức năng cần rà soát hoạt động của các hội nhóm tội phạm online để đấu tranh, xử lý kịp thời. Cần có những “lá chắn” kỹ thuật để những hội/nhóm xấu, các thông tin độc được lọc bỏ một cách tự động, không tiếp cận được người dùng. Đồng thời, người dùng mạng xã hội cũng cần được định danh và có chế tài chặt chẽ về trách nhiệm trên thế giới ảo.

Trong công tác xây dựng pháp luật, cần tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các quy định. Hiện nay, tội phạm trên môi trường mạng đang có xu hướng gia tăng về số lượng, mức độ nguy hiểm và hậu quả thiệt hại. Để đấu tranh với loại tội phạm này có hiệu quả, cần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm, đặc biệt là các chứng cứ điện tử. Cần có quy định cụ thể về khám nghiệm hiện trường kỹ thuật số, điện tử để việc thu thập dấu vết, đấu tranh với các loại tội phạm trên môi trường mạng có hiệu quả.

Chuyên gia tội phạm học Đỗ Cảnh Thìn cho biết, ông từng tham gia một nghiên cứu liên quan đến tội phạm vị thành niên trên địa bàn TP Hà Nội. Kết quả khảo sát cho thấy, có hơn 90% cho biết, các em sống trong gia đình không hạnh phúc hoặc thiếu sự quan tâm của gia đình. Từ số liệu trên và nhiều nghiên cứu tội phạm khác, ông đúc kết rằng: mỗi gia đình sẽ là một lá chắn tội phạm.

Để ngăn ngừa tội phạm, gia đình cần phải là tấm lá chắn, cùng với nhà trường phối hợp trong việc quản lý, giáo dục con em về đạo đức, lối sống, văn hóa và ý thức chấp hành kỷ luật, pháp luật trong quá trình học tập tại trường và khi tiếp xúc ngoài xã hội. Nếu làm tốt được công tác này, sẽ giúp con em mình hình thành nên một nhân cách tốt đẹp, biết nhận thức; phân biệt được đúng, sai, tốt, xấu; có lối sống lành mạnh, văn hóa, tự phòng ngừa và tránh xa được các tệ nạn xã hội phức tạp. Kỹ năng sử dụng mạng xã hội trong nhà trường cần được đưa vào chương trình dạy và học từ sớm và thường xuyên để tạo được sức đề kháng cho học sinh. 
Suy thoái kinh tế toàn cầu đang tác động tiêu cực, khiến cuộc sống một bộ phận không nhỏ người dân gặp khó khăn. Để ngăn ngừa tội phạm, cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác an sinh, hỗ trợ đào tạo việc làm để người dân không rơi vào cảnh “bần cùng sinh đạo tặc”.

Cuối cùng, mỗi người dân cũng cần tự xây dựng tấm lá chắn tội phạm cho mình. Cần nâng cao cảnh giác, sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, an toàn; nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động bảo vệ chính mình trước các thủ đoạn của tội phạm. Khi những giải pháp nêu trên được thực hiện một cách đồng bộ, sẽ tạo nên những liều vắc xin, những tuyến phòng thủ vững chắc để ngăn ngừa tội phạm.

Sơn Vinh 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI