Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp, doanh nhân: Cần những tư duy đột phá

25/07/2023 - 15:35

PNO - Ngày 25/7, Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM và Hội Doanh nhân trẻ TPHCM tổ chức hội thảo “Giải pháp xây dựng văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp, doanh nhân TPHCM trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh”.

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh Nhân Sài Gòn - cho biết, hội thảo mong muốn lắng nghe những ý kiến tâm huyết cùng các giải pháp của các nhà khoa học, các chuyên gia, giảng viên và các doanh nhân, giúp doanh nghiệp, doanh nhân TPHCM tìm ra những giá trị cốt lõi, để từ đó, mỗi doanh nhân TPHCM có thể tự hào vì những giá trị, bản sắc khác biệt của doanh nhân thành phố mang tên Bác, giúp các doanh nhân tiếp tục và không ngừng hoàn thiện, phát huy bản sắc văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, làm nền tảng và động lực cho doanh nghiệp phát triển liên tục, hiệu quả và trường tồn.

Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phát biểu tại sự kiện
Ông Trần Hoàng - Tổng biên tập Tạp chí Doanh nhân Sài Gòn phát biểu tại sự kiện

Ông Phạm Phú Trường - Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ TPHCM cho rằng, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là một chủ trương sáng tạo của Đảng bộ TPHCM hướng tới sự phát triển văn hóa, con người đáp ứng thực tiễn của một đô thị đặc thù, trung tâm về kinh tế - văn hóa và hội nhập hàng đầu cả nước. Với ý nghĩa đó, chủ trương này sẽ là nhân tố góp phần tạo động lực cho sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Theo ông, để xây dựng văn hóa đặc trưng của doanh nghiệp, doanh nhân TPHCM trong không gian văn hóa Hồ Chí Minh, phải xem tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh là nền tảng văn hóa, là trụ cột quan trọng của phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, từ đó, ứng dụng tư tưởng, văn hóa và đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào đời sống của doanh nhân, người lao động trong bối cảnh hội nhập, môi trường năng động sáng tạo và đa thông tin như hiện nay.

“Bên cạnh đó, phải có giải pháp để không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp phát triển tự nhiên và hòa mình vào không gian chung của thành phố, tạo nguồn sinh khí cho doanh nghiệp triển khai. Đồng thời, cách tiếp cận về tuyên truyền, trình bày không gian, hình ảnh, tư liệu… cũng cần có chiến lược, gần gũi, phù hợp và sát với thực tiễn hội nhập của thành phố, của sự phát triển của công nghệ thông tin…”, ông Phạm Phú Trường lưu ý thêm.

Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nhân tại TPHCM
Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học, chuyên gia, các doanh nhân tại TPHCM

Chia sẻ tại hội thảo, nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định, không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong doanh nghiệp trước hết phải là một môi trường văn hóa lành mạnh để hình thành lớp cư dân năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái và nghĩa tình trong các hoạt động kinh tế phát triển bền vững. Nói cách khác là xây dựng một môi trường sinh thái về kinh tế tương xứng với không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM.

Theo nhà sử học, môi trường sinh thái đó phải là nỗ lực của toàn thành phố chứ không phải chỉ là sự cộng lại các không gian riêng lẻ của những cộng đồng, đơn vị, khu dân cư như các trường học, khu phố, cơ quan xí nghiệp… Tuy nhiên, đối với mỗi cộng đồng có những cách tiếp cận để hình thành những giá trị phù hợp. Từ những phân tích đó, ông khẳng định, muốn việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM đi vào thực chất… cần có những tư duy “đột phá".

Theo đó, nhà sử học Dương Trung Quốc đã đưa ra 2 nội dung mà ông cho là mang tính đột phá, đó là, cần nâng cấp cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sang “Hàng TPHCM chinh phục khách hàng Việt Nam” (trong đó có TPHCM) và tiếp tục cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong một vị thế mới, mà ở đó, những người lãnh đạo phải học và hành trước hết và trước mặt quần chúng để mọi người đánh giá và biểu dương.

“Làm được 2 việc này sẽ bám sát được những mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ TPHCM đã đặt ra và một không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ trở thành hiện thực như một môi trường lành mạnh cho người dân, doanh nhân thành phố phấn đấu có được những phẩm chất trên”, ông Dương Trung Quốc nói.

Để có một “môi trường văn hóa lành mạnh” mà nhà sử học Dương Trung Quốc đã đặt ra, nhiều đại biểu tham dự hội thảo nhấn mạnh cần thiết phải xây dựng được một hệ thống luật pháp “lành mạnh” bao gồm cả câu chuyện thực thi. Song song đó, mỗi doanh nghiệp, doanh nhân sẽ xây dựng văn hóa doanh nghiệp mang bản sắc của riêng mình, mà ở đó không tách rời các yếu tố năng động, sáng tạo, đi đầu, dám chấp nhận thử thách, nhân ái nghĩa tình.

Nguyệt Minh - Tâm Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI