|
Hội thảo đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý với gần 100 báo cáo khoa học, trong đó Ban tổ chức đã chắt lọc 82 tham luận để biên tập đăng kỷ yếu |
Theo GS.TS Trần Ngọc Thêm, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM thời gian qua đã nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng rộng rãi của các địa phương, đơn vị - các nơi đều chủ động xây dựng mà không cần chờ chỉ thị, hướng dẫn. Tuy nhiên, qua đó cũng đã bộc lộ một số hạn chế, như là vẫn còn hình thức, rập khuôn khi các nơi làm theo nhau và rất ít tạo được nét riêng, cũng như thiên về lượng hơn chất.
“Để khắc phục các nhược điểm này, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải gắn với hệ giá trị văn hóa, tinh thần của cộng đồng. Đồng thời, mỗi cơ quan, đơn vị cần sáng tạo trong việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh dựa trên đặc thù riêng của mình. Việc đầu tư cũng cần có trọng điểm, không dàn trải, nhất là đối với các công trình vật thể” - GS.TS Trần Ngọc Thêm đề xuất.
Với việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng, GS.TS Trần Ngọc Thêm cũng cho rằng, cần đầu tư 1 địa chỉ nào đó thật quy mô, chuyên nghiệp, trong đó xây dựng 1 "bảo tàng ảo" với đầy đủ hệ thống thông tin và dễ tiếp cận để mọi người dân đều có thể tìm hiểu, tra cứu, tham khảo. Còn lại các nơi chỉ tập trung phát huy đặc trưng riêng của mình chứ không sao chép những cái chung như hàng loạt những trang web của nhiều cơ quan, đơn vị hiện nay.
|
Nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề xuất nhiều giải pháp cụ thể xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh |
Nguyên Phó bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo đề xuất những giải pháp cụ thể, trong đó gắn với việc phát triển toàn diện con người TPHCM với những phẩm chất: kiên cường, tiên phong, năng động, sáng tạo, nghĩa tình.
Về công việc cụ thể trong nhiệm kỳ 2020-2025, theo bà Phạm Phương Thảo, cần hoàn thành quy hoạch tổng thể không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
“Hiện chúng ta có những tượng, tác phẩm điêu khắc về Bác rất đẹp nhưng chưa có chỗ trưng bày thì quy hoạch cũng phải tính. Ngoài ra, cần cố gắng đầu tư một số công trình gắn với Bác, điển hình như: nâng cấp Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM, có thể mở rộng quy mô thêm một số công trình như công viên, tái hiện khung cảnh cảng Nhà Rồng năm 1911, xây dựng bảo tàng thông minh; xây dựng Quảng trường Hồ Chí Minh, Công viên Hồ Chí Minh…” - bà Phạm Phương Thảo nói.
|
Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh TPHCM cần được nâng cấp, mở rộng |
Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu cho biết, dự kiến trong quý I/2023, TPHCM sẽ tổ chức hội nghị văn hóa và một trong những nội dung quan trọng là triển khai chương trình hành động xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những văn bản chính thức, có tính hệ thống.
Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là sự kiện đặc biệt đối với 1 thành phố đặc biệt, là công trình lớn của Đảng bộ TPHCM nhằm vinh danh Người, nguyện học tập và không ngừng lan tỏa tư tưởng của Bác đến tất cả chủ thể của thành phố. Trong đó, cần gắn vai trò xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh với việc phát triển văn hóa nói riêng và phát triển TPHCM nói chung.
“Cần xem đây là động lực phát triển của thành phố mang tên Bác nhằm tạo sự đồng thuận cao trong cán bộ, nhân dân thành phố để cùng hưởng ứng, chung tay thực hiện. Động lực này gắn với xây dựng văn hóa cơ sở từ mỗi cơ quan, đơn vị, mỗi tổ chức đảng, mỗi con người thành phố. Làm sao để gắn với việc xây dựng thành phố ngày càng có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình; làm sao để nhân dân ấm no, hạnh phúc hơn - đó mới là đích đến của việc triển khai học tập Bác hay là xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh” - Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh.
|
Phó bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại hội thảo |
Cùng với đó, việc xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh cũng góp phần xây dựng đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, nâng cao tinh thần phụng sự Tổ quốc, nhân dân.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng lưu ý việc triển khai xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong thực tiễn ở các trường học từ bậc mầm non đến đại học, từ từng góc phố, cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp đến doanh nghiệp và thậm chí các cơ sở thờ tự, tín ngưỡng dân gian. Chia sẻ câu chuyện về công trình Tổ đình Xuân Hiệp (phường Linh Xuân, TP Thủ Đức) - 1 ngôi đình cổ trên 200 năm tuổi - vừa hoàn thành tu bổ, trong đó có bàn thờ Bác Hồ rất trang trọng, Phó bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng: “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần thấm đẫm trong đời sống, có thể đi vào các cơ sở tín ngưỡng dân gian một cách tự giác, tự nguyện như thế…”.
Ông Nguyễn Văn Hiếu cũng đồng tình và nhấn mạnh giải pháp về việc phát huy vai trò các chủ thể của thành phố mà trước hết, từng cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị phải lan tỏa ra các cộng đồng dân cư. “Làm sao để mỗi tổ chức tốt hơn, mỗi cơ quan, đơn vị tốt hơn, để xây dựng, phát triển thành phố ngày một tốt hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên, hội viên, sinh viên phải làm gương và lan tỏa các giá trị. Và chủ thể quan trọng nhất chính là nhân dân - người thụ hưởng cũng như tham gia xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh - cũng làm cho gia đình tốt hơn, con người tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Hiếu nói.
Tam Bình