Phải thể hiện được nét riêng, tính đặc thù, hấp dẫn
Hội thảo làm rõ khái niệm, quan điểm về xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM, từ đó đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để xây dựng gắn với thực hiện có hiệu quả Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh tại thành phố mang tên Bác.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM - phát biểu tại hội thảo
Dẫn lại nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần thứ XI nhiệm kỳ 2020-2025 về “Xây dựng TPHCM trở thành một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, nơi tư tưởng, đạo đức, phong cách và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn hiện hữu, trở thành tài sản tinh thần, giá trị văn hóa đặc trưng của người dân, cán bộ, đảng viên của thành phố mang tên Bác”, bà Phạm Phương Thảo - nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM - khẳng định, đây không chỉ là công trình lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân mà còn là động lực phát triển của thành phố.
Bà Phạm Phương Thảo nhận định, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với thế giới cũng như kinh tế thị trường phát triển ở giai đoạn mới hiện nay đã đặt ra nhiều cơ hội cũng như không ít khó khăn, thách thức. Và mục tiêu phấn đấu trở thành đất nước phát triển, phồn vinh, hạnh phúc theo khát vọng của nhân dân thì không chỉ “sức mạnh cứng” là đủ mà còn cần có “sức mạnh mềm”. Đặt trong mục tiêu đó, TPHCM không chỉ là đầu tàu về kinh tế mà còn là địa chỉ văn hóa, do đó, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành nét đẹp rất riêng, mang tính đặc thù, hấp dẫn là cần thiết.
Đoàn viên, thanh niên Báo Phụ nữ TPHCM trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại tòa soạn - Ảnh: Sơn Vinh
Các đại biểu tham dự tọa đàm đều đồng ý với nhau rằng, trong giai đoạn vừa qua, việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh đã có những kết quả đáng ghi nhận khi đã xây dựng được những công trình, thiết chế văn hóa vật thể gắn với cuộc đời, sự nghiệp của Bác. Nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật cũng như việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được triển khai sâu rộng trong nhiều năm qua; nhiều mô hình trưng bày trên không gian mạng; những tọa đàm, sáng tác, triển lãm, cũng rất phong phú...
Theo báo cáo, đến thời điểm hiện nay, TPHCM có 2.906 mô hình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ quan, đơn vị, trường học, các cơ sở tôn giáo… Riêng TP Thủ Đức có 227 mô hình. Quận Phú Nhuận cũng triển khai trước hết ở 22 trường học. TPHCM cũng tổ chức hơn 22.000 cuộc triển lãm ảnh, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh và có nhiều tấm gương học tập theo đạo đức, phong cách của Bác được tuyên dương, khen thưởng.
Cần có quy hoạch tổng thể
Mặc dù đã có “bước khởi động” trong xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở các cấp, các ngành và các địa phương trên địa bàn TPHCM trong thời gian qua, tuy nhiên, theo phó giáo sư Lâm Nhân - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Văn hóa TPHCM - cần thiết phải xác định rõ nội hàm của Không gian văn hóa Hồ Chí Minh, bởi việc nhận thức chưa đúng, chưa rõ, sẽ dẫn đến tình trạng rập khuôn, thậm chí, các Không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ chỉ mang tính trưng bày, triển lãm hình ảnh mà không mang lại tác động gì đối với nhận thức của người dân thành phố.
Theo phó giáo sư Nhân, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM phải gắn liền với việc xây dựng không gian văn hóa đô thị TPHCM, từ đó truyền tải, “thổi hồn” những giá trị tư tưởng, phong cách Hồ Chí Minh vào bên trong không gian đó. Có 3 vấn đề liên quan cần quan tâm giải quyết là môi trường sống, con người và thiết chế văn hóa.
“Chúng ta đang xây dựng môi trường đô thị ngày càng tốt đẹp, văn minh hơn. Riêng về thiết chế văn hóa, chúng ta còn thiếu. Các thiết chế truyền thống ngày càng giảm đi, và hầu như chưa có công trình thiết chế văn hóa mới nào mang dấu ấn được xây dựng trong gần 50 năm qua. Thiếu thiết chế văn hóa dẫn đến các hoạt động văn hóa, những sản phẩm thể hiện bản sắc văn hóa TPHCM chưa được xây dựng rõ nét. Ví dụ du khách đến TPHCM muốn xem 1 vở kịch thì xem gì? Muốn mua 1 món quà thì mua gì?” - ông Lâm Nhân trăn trở.
Hội LHPN quận 8 ra mắt Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở
Từ những trăn trở đó, ông đề xuất, xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần có định hướng và bản thiết kế tổng thể, quy định rõ năm nay làm gì, năm tới làm gì; từng cấp phải làm gì để tránh rập khuôn, máy móc.
Bà Phạm Phương Thảo cho rằng, thành phố cần thiết phải hoàn thành quy hoạch tổng thể về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên cơ sở đầu tư xây dựng một số điểm chính cho những công trình vật thể, như đầu tư xây dựng thêm các chi nhánh bảo tàng Hồ Chí Minh để mở rộng không gian bảo tàng, quảng trường Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển các sáng tác, văn học nghệ thuật và tổ chức biểu diễn thường xuyên, thường niên bởi lĩnh vực này tác động rất nhiều đến nhận thức, tình cảm của nhân dân.
Mặc dù chính quyền thành phố đã xác định việc xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là nhiệm vụ lâu dài, trong nhiều nhiệm kỳ, nhưng bà Phạm Phương Thảo cho rằng, cần có sự tập trung và làm cho có nhiều thành quả ngay trong nhiệm kỳ này. Đặc biệt, điểm nhấn trong năm 2023, theo bà, TPHCM cần tập trung xây dựng con người thành phố gắn với việc thực hiện chỉ thị 05, chỉ thị 19, gắn với trách nhiệm nêu gương, xây dựng lối sống đẹp; gắn với việc xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, gia đình Việt Nam, trong đó phải phát huy cho được những nét đẹp của con người thành phố là kiên cường, tính tiên phong, dám chấp nhận thử thách, sự năng động, sáng tạo, nghĩa tình.
“Phải xây dựng môi trường văn hóa bằng những công trình, sản phẩm cụ thể. Mỗi chi bộ, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, cộng đồng, mỗi gia đình cần cố gắng là 1 không gian văn hóa thu nhỏ và mỗi người dân thành phố là 1 đại sứ văn hóa” - bà Phạm Phương Thảo nói.
Phụ nữ TPHCM tham gia xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng nét riêng và mang bản sắc giới
Bà Trịnh Thị Thanh - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - cho biết, đến nay, 100% cơ sở Hội Phụ nữ các cấp tại TPHCM đã xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và mở rộng xây dựng ở 66 khu sinh hoạt cộng đồng, 36 cơ sở tôn giáo, 21 trường học, 10 khu nhà trọ, 9 khu chung cư; trong đó, nổi bật là xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các chùa, tu viện, khu nhà trọ an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Hội LHPN TPHCM cũng xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại trụ sở cơ quan kết hợp với triển lãm “Lời Bác soi đường chúng ta đi” nhằm hình thành một không gian đặc biệt, trình bày các hình ảnh, tư liệu về Bác, nhất là các tư liệu về Bác với phụ nữ Việt Nam và phụ nữ miền Nam qua nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, của giới.
“Trong thời gian tới, hội phát động phong trào thi đua xây dựng người phụ nữ TPHCM “Đoàn kết, nhân văn, năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên, gia đình hạnh phúc” mà nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ TPHCM lần thứ XI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã đề ra. Bên cạnh đó, hội sẽ tăng cường phát hiện, biểu dương, lan tỏa những gương sáng phụ nữ thành phố trên các lĩnh vực, tạo cảm hứng, nguồn động lực to lớn tác động đến hội viên, phụ nữ trong cuộc sống, giúp chị em mạnh dạn thay đổi, dấn thân, có nhiều đóng góp cho xã hội. Chúng tôi cũng chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ hội có tâm, có tầm, nhiệt huyết với phong trào, chia sẻ, thấu hiểu với phụ nữ và gương mẫu, tiên phong trong mọi hoạt động, phong trào của phụ nữ thành phố” - bà Trịnh Thị Thanh cho biết.
Ngày 10/12, quận Tân Bình phối hợp với Ban quản trị chung cư K300, Phòng VH-TT Tân Bình khánh thành khuôn viên hoạt động văn hóa, thể dục thể thao ngoài trời.