PNO - Năm nay, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp trở thành môn bắt buộc đối với lớp 7 và 10. Theo các trường, xây dựng các hoạt động môn học sao cho hấp dẫn và phù hợp với từng lứa tuổi không phải dễ.
Bà Trương Thị Bích Thủy - Hiệu trưởng Trường THPT Trưng Vương (quận 1) - cho biết từ trước đến nay, chủ trương của trường là chú trọng cho học sinh trải nghiệm để phát triển toàn diện. Tuy vậy, từ năm học này, trải nghiệm, hướng nghiệp trở thành môn bắt buộc đối với lớp Mười, nghĩa là có chương trình, có kiểm tra, đánh giá. Cho nên từ đầu năm, nhà trường đã xây dựng kế hoạch giáo dục và bố trí giáo viên xây dựng các hoạt động để đảm bảo hiệu quả môn học. Định hướng của trường là thực hiện nội dung môn học theo hướng gắn liền “học đi đôi với hành”, trong đó đổi mới phương pháp giảng dạy, sẽ cho học sinh chủ động dẫn chương trình, điều hành, tổ chức lớp.
Một hoạt động trải nghiệm, ngoài giờ lên lớp của học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) - Ảnh: P.T.
Một số hoạt động sẽ chuyển dần từ “thầy thiết kế - trò thi công” hướng đến “trò tự thiết kế, tự thi công”. Với môn học này, thầy cô cố gắng “thoát ly” hẳn kiểu truyền đạt kiến thức một cách khô khan mà dùng các hình thức như: thảo luận nhóm, diễn đàn, đóng vai, tạo tình huống, trò chơi... trong hoạt động của từng chủ điểm. Đối với các hoạt động tổ chức ở sân trường sẽ có các trò chơi, đố vui, đóng kịch, xử lý tình huống, văn nghệ, giao lưu... Để học sinh được đi thực tế trải nghiệm, trường cũng đã có kế hoạch tổ chức chương trình tham quan học tập tại TP.Đà Lạt (tháng 12) và miền Tây (tháng 3) để các em tiếp cận với thực tế ngành nghề, hoạt động sản xuất của các địa phương.
Đối với bậc THCS, ông Đoàn Hữu Khánh - Hiệu trưởng Trường THCS Hai Bà Trưng (quận 3) - nhìn nhận việc xây dựng các hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp cho lứa tuổi này cần hết sức sinh động, thú vị, tránh sa vào hình thức. Đối với lớp 6 đã học môn trải nghiệm, hướng nghiệp từ năm học 2021-2022, tuy vậy, do vướng dịch bệnh nên vẫn chưa tổ chức được nhiều hoạt động đúng nghĩa cho các em. Do đó, năm nay, đối với cả khối 6 và 7, trường đang nỗ lực thiết kế các hoạt động phù hợp với từng chủ điểm của môn học.
Khác với trước đây là chỉ đến cấp THPT mới quan tâm đến hướng nghiệp cho học sinh thì hiện nay phải hướng nghiệp từ khi các em bước chân vào THCS. Với từng độ tuổi, các em cần nhận biết về hoạt động nghề nghiệp và khả năng của bản thân đến mức độ nào. “Chúng tôi phối hợp với trường nghề, cao đẳng nghề để xây dựng các hoạt động phù hợp. Trong đó, với lớp 6, 7, mục tiêu là giúp các em hiểu biết cơ bản và khơi dậy niềm yêu thích với các nghề nghiệp. Còn với lớp 8, 9 bắt đầu định hướng nghề nghiệp cụ thể hơn, tư vấn, hỗ trợ học sinh xác định được thế mạnh của bản thân ở các môn học để tiến tới chọn tổ hợp môn học khi bước vào lớp Mười” - ông Đoàn Hữu Khánh nói.
Cũng phải “liệu cơm gắp mắm”
Dù các trường đều mong muốn xây dựng các chương trình, hoạt động để học sinh được đi thực tế, trải nghiệm đúng nghĩa, tuy vậy vẫn phải gói gọn trong nguồn kinh phí hạn hẹp. Cô Trương Thị Bích Thủy cho hay các hoạt động trong lớp học, trong sân trường sẽ được lấy kinh phí từ nguồn thu buổi hai. Còn đối với hoạt động đi thực tế tại các tỉnh, thành khác thì học sinh tự nguyện đăng ký tham gia, trường sẽ ký hợp đồng với công ty tổ chức và học sinh đóng tiền theo giá trong hợp đồng.
Tuy vậy, đối với một số trường ở khu vực khó khăn, việc huy động phụ huynh học sinh đóng góp cũng không dễ dàng. Ông Ngô Tấn Hưng - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Khánh (huyện Cần Giờ) - chia sẻ: Ở khu vực Cần Giờ, đa phần gia đình học sinh đều khó khăn, do đó trường cân nhắc tổ chức các chương trình đi thực tế tại một số làng nghề, cơ sở sản xuất ngay trong huyện. Nếu đi các quận, huyện khác, phát sinh chi phí thuê xe, ăn trưa, mỗi học sinh phải đóng góp ít nhất 400.000-500.000 cũng rất khó khăn cho các em. Tuy vậy, trường cố gắng “bù lại” bằng cách giao giáo viên xây dựng các hoạt động môn học sinh động, đa dạng. Chẳng hạn, với chủ điểm “giữ gìn truyền thống nhà trường”, trong đó có phổ biến nội quy nhà trường, nếu chỉ đọc cho các em nghe thì rất khô khan, khó tiếp thu. Cho nên, giáo viên xây dựng các hoạt động tập thể ở sân trường, tạo tình huống để học sinh xử lý. Qua một vài buổi học, học sinh tỏ ra rất hào hứng với hình thức tổ chức mới mẻ này.
Tương tự, bà Lại Thị Hồng Phụng - Phó hiệu trưởng Trường THCS Gò Xoài (huyện Bình Chánh) - cũng cho rằng tùy vào điều kiện của phụ huynh học sinh, trường xây dựng các hoạt động trải nghiệm vừa tầm kinh phí. Sau đó, trên tinh thần vận động học sinh tham gia, đóng góp. Nhưng với các em không có điều kiện tham gia, trường vẫn phải tổ chức các hoạt động khác tương tự để đảm bảo chương trình học cho các em. Chẳng hạn, với chủ điểm “bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường tự nhiên”, nếu em nào không có điều kiện đi Thảo Cầm Viên, trường cho các em tham quan, học tập về cây cối xung quanh trường.
Đối với việc hướng nghiệp cho lứa tuổi THCS, theo bà Lại Thị Hồng Phụng, sẽ tổ chức các cuộc thi làm sản phẩm của các ngành nghề, như làm bánh, làm nón lá... để bước đầu xây dựng niềm yêu thích nghề nghiệp cho học sinh.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, đối với cấp THCS và THPT, nhà trường tổ chức cho học sinh đi trải nghiệm, thực hành, tìm hiểu thực tế các nhóm ngành nghề tại các doanh nghiệp, cơ quan ít nhất 1 lần/năm. Một số chương trình và địa điểm phối hợp tổ chức thực hiện các hoạt động trải nghiệm gồm: chương trình trải nghiệm tại khu nông nghiệp công nghệ cao - huyện Củ Chi, công viên văn hóa Đầm Sen, chương trình trải nghiệm tại công viên phần mềm Quang Trung (STEM), khu sinh thái giáo dục Green Land Farm, trại thực nghiệm Trường đại học Nông lâm TPHCM.
Ngày 16/12, Trường đại học Trà Vinh cho biết, vừa ghi dấu ấn trong bảng xếp hạng UI GreenMetric World University Rankings 2024 khi đạt vị trí 133/1.477...