Xây dựng đội ngũ kế thừa tại cơ sở hội: Giải pháp từ đâu?

28/02/2023 - 09:19

PNO - Thời gian qua, các cơ sở hội đã tổ chức nhiều chuyên đề nhằm thu hút và phát triển nguồn nhân lực trẻ để nâng chất hoạt động và xây dựng đội ngũ kế thừa.

Cơ sở hội “đỏ mắt” tìm người trẻ 

Tại hội nghị chuyên đề “Giải pháp nâng cao năng lực cán bộ chi tổ hội” do cụm thi đua 3 (gồm các phường 17, 19, 21, 22), Hội LHPN quận Bình Thạnh tổ chức sáng 21/2 vừa qua, bà Lữ Thị Kim Loan - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường 15 - trăn trở với việc tìm kiếm và đào tạo thế hệ kế thừa. Bà nói: “Lực lượng phụ nữ nòng cốt của chúng tôi phần lớn đều thuộc lứa cao niên, như tôi năm nay 75 tuổi rồi nhưng vẫn chưa bỏ được công tác hội. Chị em chúng tôi hay nói vui với nhau rằng chúng tôi “già mà còn ham vui”. Nhưng thực chất, không muốn ham vui cũng không được, bởi khi tổ chức bất cứ hoạt động nào, chúng tôi đi kiếm người tham gia “đỏ con mắt”, năn nỉ mãi vẫn không ai chịu đi”.

Thực tế ấy là không xa lạ. Thống kê tại các phường thuộc cụm thi đua 3 cho thấy các cơ sở hội hiện rất “khát” lực lượng nòng cốt trẻ, đặc biệt là lớp nữ thanh. Phường 19 hiện có 560 hội viên phụ nữ dưới 30 tuổi thì chỉ có 11 hội viên nòng cốt (tham gia tích cực, có mặt thường xuyên trong các hoạt động, phong trào). Phường 22 có 10 hội viên nòng cốt/162 hội viên dưới 30 tuổi. Con số đó ở phường 17 là 11/546 và ở phường 21 là 16/301.

Bà Sầm Kim Tương năm nay đã gần  70 tuổi nhưng vẫn gắn bó với hoạt động hội trên vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường 19,  quận Bình Thạnh ảnh: Trang Thư
Bà Sầm Kim Tương năm nay đã gần 70 tuổi nhưng vẫn gắn bó với hoạt động hội trên vai trò Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường 19, quận Bình Thạnh - Ảnh: Trang Thư

Cùng nỗi trăn trở đó, trong buổi tọa đàm bàn về giải pháp “Xây dựng cơ sở hội vững mạnh, nâng cao năng lực cán bộ cơ sở hội” do cụm các phường 6, 7, 8, 9, Hội LHPN quận 5 tổ chức, bà Trần Thị Minh Hiếu - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ khu phố 4, phường 8 - nhận định: hiện nay, phụ nữ ngày càng rời xa tổ chức hội khi số lượng hội viên mới ngày càng giảm theo từng năm, đặc biệt người trẻ rất hiếm. “Khu phố 4 nằm trên tuyến đường Trần Phú, chỉ có 3 tổ dân phố. Đa số là nhà cho thuê, chủ nhà ở chỗ khác, hoặc con cái có gia đình theo chồng ở riêng, cư dân đa số là người Hoa, trong độ tuổi lao động và người già, sức khỏe yếu nên việc vận động họ tham gia công tác hội rất khó”, bà Hiếu cho biết.

Sự thiếu hụt thế hệ kế thừa có thể hình dung rõ nét hơn qua chia sẻ của một cán bộ hội. Chị này cho biết, trong một lần lực lượng y tế quận, huyện, thành phố xuống địa phương làm công tác truyền thông về vấn đề sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình, Hội LHPN cơ sở được giao nhiệm vụ huy động lực lượng đến tham dự. Mặc dù đã thông báo, mời gọi chị em, nhưng đến ngày sự kiện diễn ra, các chị đã bị báo cáo viên kiểm điểm khi nhìn xuống bên dưới, hầu hết đối tượng tham gia là những người ở tuổi mãn kinh. “Biết như vậy là không phù hợp nhưng tụi tôi không còn cách nào khác. Mời rã họng nhưng người trẻ không đến thì phải mời người già chứ biết làm sao” - chị than thở.

Có lợi ích thực tế, người trẻ sẽ tìm đến

Theo bà Lữ Thị Kim Loan, nguyên nhân khiến người trẻ không mặn mà với phong trào hội chủ yếu liên quan đến kinh tế và trách nhiệm gia đình. Với lớp trẻ hiện nay, trách nhiệm học hành, áp lực công việc quá lớn khiến họ không còn nhiều thời gian để quan tâm đến những vấn đề không có ích lợi trực tiếp cho công việc, học hành của mình. Còn với phụ nữ trẻ mới lập gia đình thì gánh nặng áo cơm cũng như thời gian chăm sóc con cái choán hết thời gian khiến họ khó lòng tham gia các cuộc họp, các hoạt động phong trào. “Sinh hoạt hội diễn ra thường xuyên, chúng tôi không đi làm thì còn dự được. Còn các cháu đi làm cả ngày, chiều về còn phải lo nhà cửa, chồng con, mà 19 giờ đi họp thì thật sự rất khó thu xếp. Họ phải lo kinh tế, lo gia đình trước rồi mới nghĩ tới chuyện sinh hoạt, hội nhóm” - bà Kim Loan thông cảm. 

Từ thực tiễn đó, bà Loan đề xuất, để thu hút sự tham gia của chị em trẻ, các cấp hội phải chú trọng xây dựng hoạt động có trọng tâm, liên quan và hữu ích, thiết thực với các khía cạnh của đời sống chị em. Không chỉ hay, hấp dẫn, các hoạt động còn phải tổ chức vào các khung thời gian phù hợp để chị em thuận lợi tham gia. Bên cạnh đó, theo bà, hội cần đẩy mạnh công tác hỗ trợ hội viên phụ nữ làm chủ kinh tế, điển hình như hoạt động cho vay vốn lãi suất thấp để chị em buôn bán, làm ăn. “Nhu cầu sống cơ bản như cái ăn, cái mặc được đảm bảo, chị em mới có thể yên tâm nghĩ về việc phát triển đời sống tinh thần” - bà Loan khẳng định.

Hội thi “Trình diễn thời trang tái chế truyền thông về  bảo vệ môi trường”  do Hội LHPN phường 19,  quận Bình Thạnh thu hút sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ ảnh: Thu Lê
Hội thi “Trình diễn thời trang tái chế truyền thông về bảo vệ môi trường” do Hội LHPN phường 19, quận Bình Thạnh thu hút sự tham gia của rất nhiều bạn trẻ - Ảnh: Thu Lê

Bà Sầm Kim Tương - Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 1, phường 19, quận Bình Thạnh - chia sẻ: biết người trẻ có rất ít thời gian dành cho công tác hội, tổ bà đã chọn thời gian cũng như hình thức hội họp sao cho phù hợp nhất với nhiều người, đó là vào trưa Chủ nhật, khi chị em đã xong cơm nước, việc nhà. Địa điểm họp thường là nhà riêng của hội viên, nơi có các yếu tố được chị em quan tâm như áo dài, giày dép, túi xách… để mọi người cùng nhau tìm hiểu, hướng dẫn nhau các chủ đề làm đẹp, ăn mặc, sau đó mới lồng ghép câu chuyện nuôi con khỏe, dạy con ngoan cũng như giới thiệu các hoạt động sắp tới của hội. 

Bà Tương cho biết, từ khi triển khai hình thức này, hội viên hỏi thăm lịch sinh hoạt hội nhiều hơn. “Thừa thắng xông lên”, bà động viên các gia đình có con, cháu gái từ 20 tuổi trở lên tham gia Hội LHPN để học tập và thể hiện tinh thần phái đẹp. Trước mắt, tổ thu hút được thêm 2 em, dù bận học, bận làm nhưng hễ các cô, các dì hú là có mặt hỗ trợ. Theo bà, đây chính là những bước đi đầu tiên để xây dựng cơ sở hội, trọng tâm là nâng cao chất lượng cán bộ tại cơ sở.

Nắm rõ nhu cầu của bạn trẻ, Hội LHPN phường 9, quận 5 dự kiến tổ chức đào tạo miễn phí các lớp học ứng dụng công nghệ thông tin chuyên sâu để thu hút đối tượng là học sinh, sinh viên và các bạn nữ trẻ có nhu cầu học thêm để hỗ trợ công việc. Chị Trần Thị Kim Anh - Chủ tịch Hội LHPN phường 9, quận 5 - cho biết, các nội dung của lớp ứng dụng công nghệ thông tin chuyên sâu như thiết kế đồ họa, dựng media… gắn với nhu cầu rất thiết thực của các bạn trẻ khiến họ tham gia hào hứng rồi áp dụng những kiến thức đã học để hỗ trợ hội trong công tác tuyên truyền, tổ chức hoạt động. “Nếu các bạn trẻ tìm kiếm được thu nhập từ cái nghề mà mình dạy họ, hoặc nhìn thấy ích lợi từ đó, họ sẽ gắn bó với mình nhiều hơn” - chị Kim Anh tin tưởng. 

Cán bộ hội phải tự làm trẻ mình

Mặc dù các chi, tổ hội hiện nay đang rất thiếu người trẻ, nhưng cán bộ hội cấp phường dường như ngày càng được trẻ hóa khi có những gương mặt mới, có trình độ giữ vai trò thường trực. Tôi nghĩ đó cũng là yếu tố thuận lợi để chúng ta nâng chất hoạt động tại cơ sở vì họ năng động, chịu khó, luôn tiếp thu, ứng dụng cái mới, nhờ đó mà thu hút được lực lượng trẻ.

Hiện tại, chúng tôi tập hợp được bạn trẻ thông qua văn nghệ, làm đẹp và các hiệu ứng trên các trang mạng để giúp các bạn phát triển kinh doanh. Để làm được như vậy, chúng tôi cũng phải tự làm trẻ mình khi dành thời gian tìm hiểu những mối quan tâm của các bạn và tham gia các hoạt động đó. Dần dần, chúng tôi hướng các bạn làm tổ trưởng tổ phụ nữ, rồi chủ nhiệm câu lạc bộ nữ thanh, có người mạnh dạn làm chi hội phó hỗ trợ các cô lớn tuổi. Dù bận rộn công việc, nhưng chỉ cần truyền được nhiệt huyết, thì ở đâu, các bạn cũng luôn thể hiện được vai trò nòng cốt.

Chị Trần Thiện Bảo Khang - Chủ tịch Hội LHPN phường 19

Trang Thư - Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI