Xây dựng Công trình xanh gắn khu dân cư Đoàn kết - Nghĩa tình - Tự quản

08/10/2024 - 15:03

PNO - Nhiều công trình xanh được Ủy ban MTTQ Việt Nam TPHCM triển khai thực hiện, mang lại giá trị thiết thực gắn với cộng đồng dân cư.

Mở thêm điểm sinh hoạt cộng đồng từ khu đất trống

Vào các buổi sáng và buổi chiều mát, có rất đông người đến công trình “Không gian xanh” tại 117 đường Lý Nam Đế, phường 7, quận 11 để vui chơi. Người già, người trẻ ngồi trò chuyện, tập thể dục với bộ dụng cụ tập thể dục được lắp đặt ngoài trời. Trẻ nhỏ chạy chơi, tập xe đạp… Được biết, đây cũng là nơi cho Đoàn thanh niên tổ chức sinh hoạt hè, hoạt động hội đoàn hay câu lạc bộ ông bà cháu tổ chức sinh hoạt, sân tập thể dục cho các nhóm, câu lạc bộ của khu phố, phường…

Không gian xanh tại phường 7, quận 11 là điểm đến vui chơi, sinh hoạt của người dân địa phương
Không gian xanh tại phường 7, quận 11 là điểm đến vui chơi, sinh hoạt của người dân địa phương

Bà Phạm Thị Kim Tuyến - Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố 4 (trước đây là Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố 3) - nhìn quanh nơi này, cho biết: Nhiều năm trước, đây là khu đất trống. Người dân xung quanh thường lấn chiếm, tận dụng để bày bán đồ lạc xoong. Trong khi đó, nhà người dân quanh khu vực này hầu như có diện tích rất nhỏ, lại ở cùng 2,3 thế hệ. Ở trong nhà bức bối nên cứ đến chiều là người người, nhà nhà đều phải bắc ghế, dắt nhau ra ngoài đường ngồi cho thoáng.

Nhận thấy khu phố cần có khoảng không gian riêng để cho người dân vui chơi, tập thể dục… nên từ năm 2023, khu phố, phường đã xây dựng kế hoạch thực hiện công trình “Không gian xanh” tại đây. Công trình có diện tích khoảng 80m2.

“Bước đầu, cũng có những khó khăn do người dân buôn bán lâu ngày đã thành thói quen nên chúng tôi phải từng bước làm công tác vận động, họp nhân dân, tổ chức tuyên truyền, vận động, giải thích cho người dân hiểu bằng song ngữ Việt - Hoa do ở đây đa phần là bà con dân tộc Hoa”, bà Tuyến chia sẻ.

Ngay khi được địa phương vận động và thấy được lợi ích mà công trình mang lại, nghĩ đến một sân chơi chung, rộng rãi, sạch sẽ… nên người dân đồng tình, cùng góp sức làm “xanh, sạch” nơi này. Người dân quanh khu vực thì dọn dẹp hàng hóa, trả lại mặt bằng, Đoàn thanh niên đảm nhận nhiệm vụ vẽ trang trí tường, chị em chi hội phụ nữ lo trồng mảng xanh… Nhanh chóng, một bãi đất trống bị lấn chiếm để kinh doanh buôn bán đã phát triển thành không gian sinh hoạt cộng đồng.

Không gian xanh tại phường 7, quận 11 cũng là điểm sinh hoạt CLB của câu lạc bộ ông bà cháu
Không gian xanh tại phường 7, quận 11 cũng là điểm sinh hoạt của câu lạc bộ ông bà cháu

Bà Phạm Việt Thu - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường 7 - cho biết: Công trình được thi công với 4 giai đoạn gồm: khởi công, cải tạo mảng tường, sơn, vẽ tranh tuyên truyền về không gian xanh; thực hiện lắp đặt bồn cây và trồng cây xanh; lắp đặt dụng cụ thể dục thể thao; thiết lập trang tin điện tử … Công trình “Không gian xanh” được xã hội hóa bổ sung đóng góp của người dân tại khu phố với tổng kinh phí xây dựng 30 triệu đồng.

“Công trình tuy có qui mô không lớn nhưng đó là kết quả của việc phát huy được sức mạnh các đoàn thể, nhân dân tại địa bàn dân cư cùng góp sức thực hiện công trình, do nhân dân tự quản. Từ ngày có địa điểm sinh hoạt chung tại 117 đường Lý Nam Đế, bà con ai nấy cũng đều phấn khởi”, bà Thu chia sẻ.

Biến bãi rác thành khu vui chơi, tập thể dục thể thao

Chiều mát, chị Nguyễn Thị Gái đi bộ vài bước từ nhà sang phía Trường Mẫu giáo ấp Ràng (đường Trung Lập, ấp Ràng, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi), hóng mát sẵn tiện ngó chừng mấy luống hoa mà chị và nhiều người khác đã trồng suốt mấy tháng qua.

Nơi chị Gái vừa nhắc đến chính là Công trình chuyển hóa điểm tồn đọng rác thải thành khu vui chơi, giải trí tại cộng đồng dân cư được Ủy ban MTTQ và các đoàn thể địa phương xã thực hiện tại điểm Trường mẫu giáo ấp Ràng.

Chị Gái cho biết thêm: “Ngôi trường này bị bỏ hoang chắc đã hơn chục năm, tuy không phát sinh các vấn đề tệ nạn, mất an ninh nhưng cỏ mọc um tùm. Từ ngày khu vực này được cải tạo, san lấp thành sân đánh bóng chuyền, trồng thêm mảng xanh, tạo sân chơi chung cho mọi người, ai cũng thấy phấn khởi, nhất là mấy đứa thanh niên có sân bóng chuyền tự quản để tập luyện thể dục thể thao”.

Ông Huỳnh Thanh Trí - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Trung Lập Thượng - thông tin: “Nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân, từ tháng 3/2024 Ủy ban MTTQ xã đã triển khai thực hiện công trình. Chúng tôi đã vận động được người dân cùng tham gia thực hiện các hạng mục của công trình với khoảng 50 ngày công, đóng góp kinh phí khoảng 50 triệu đồng. Trong thời gian tới, Ủy ban MTTQ Việt nam xã sẽ tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội hóa để lắp đặt thêm các bộ dụng cụ tập thể dục thể thao, giúp người dân có thêm địa điểm sinh hoạt cộng đồng, vui chơi ngay tại địa phương”, ông Trí nói.

Diện mạo Công viên mini, khu vui chơi tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh được cải tại từ khu đất hoang
Diện mạo Công viên mini, khu vui chơi tại xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh được cải tại từ khu đất hoang

Cũng bằng cách dựa vào cộng đồng dân cư, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh đã “biến” khu đất hoang với diện tích khoảng 750m2 đối diện Trường Tiểu học Bình Chánh với nhiều rác, nhếch nhác và ô nhiễm thành công viên mini, khu vui chơi sạch sẽ, có dụng cụ thể thao, thiết bị vui chơi được thiết kế từ các vật liệu thân thiện với môi trường, có hình dáng đẹp mắt.

Ông Huỳnh Thanh Long - Phó chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Bình Chánh - cho biết: Để thực hiện công trình, Ủy ban MTTQ xã đã huy động hơn 300 người với nhiều lượt tham gia tổng vệ sinh, dọn cỏ, phát quang bụi rậm, san lấp cải tạo khu đất, xây dựng các khu vực trồng cây xanh, trồng và chăm sóc cây xanh theo từng khu vực, đồng thời xây dựng mới 1 sân cầu lông, trang bị các dụng cụ thể dục thể thao, vui chơi, giải trí... Ước tính khoảng hơn 1.000 ngày công thực hiện, kinh phí thực hiện khoảng 100 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa.

Người dân có thêm điểm vui chơi ngay tại cộng đồng dân cư
Người dân có thêm điểm vui chơi ngay tại cộng đồng dân cư

Tính đến nay, quận, huyện, Thành phố Thủ Đức công nhận 223 khu dân cư Đoàn kết - Nghĩa tình - Tự quản cấp quận, huyện, góp phần phát huy tinh thần tự quản của nhân dân trong tham gia xây dựng và thực hiện quy ước của khu dân cư; tham gia tự quản trong việc giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương, xây dựng gia đình hạnh phúc, phòng chống các tệ nạn xã hội.

Trang Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI