Hội nghị trực tuyến giữa Ủy ban quốc gia Chính phủ điện tử với các ban chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương vừa diễn ra tại TP.Hà Nội trong tinh thần hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số và xã hội số, bảo đảm gắn kết giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính, lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.
Chậm trễ, phong trào: chủ yếu do nhận thức
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ điện tử (CPĐT) là vấn đề mới, khó, nếu không có quyết tâm, không dỡ bỏ những cái cũ thì khó thành công. Ông đánh giá, quá trình xây dựng CPĐT vừa qua đã tạo ra chuyển biến tích cực trong nhận thức về CPĐT.
Trong phần phát biểu của mình, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam viện dẫn kinh nghiệm của thế giới để đưa ra “ba chân kiềng” của CPĐT: hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, nguồn nhân lực, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT). Do đó, việc xử lý hồ sơ công việc trong nội bộ các cơ quan chỉ là một phần, phần quan trọng mà bộ máy phải làm chính là cung cấp DVCTT.
“Tại sao chúng ta làm mãi mà nó cứ khó thế?” - ông Đam hỏi rồi phân tích nguyên nhân. Về chủ quan, vốn và thủ tục đầu tư còn rất khó khăn. Kế đến, phải thay đổi cách làm và gắn với cải cách hành chính (CCHC). “Đối với ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành cung cấp dịch vụ công cho người dân, quan trọng nhất là toàn bộ hệ thống, quy trình phải chuẩn, phải hết sức công khai, minh bạch và vì thế phải gương mẫu từ trên xuống” - ông nói.
Theo ông, không được thực thi CPĐT kiểu phong trào: “Tôi đã chứng kiến rất nhiều nơi đầu tư máy móc, thuê phần mềm, thuê dịch vụ nhưng cuối cùng không phục vụ được người dân. Cần thiết thực, liên tục, không phong trào”.
Về nguyên nhân khách quan, ông Đam cho biết, thế giới đã thống kê, làm CPĐT chắc chắn liên quan đến trình độ phát triển của đất nước. “Các nước mà chúng ta đi học hỏi toàn là các nước có trình độ, thu nhập đầu người cao. Trong khi đó, từ trình độ phát triển cho đến hạ tầng, dân trí và vốn của chúng ta, việc DVCTT xếp hàng thứ 89 cũng không phải là quá yếu” - ông Đam nhận xét.
Một trong ba đề nghị trọng yếu mà Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra cho CPĐT là yêu cầu Văn phòng Chính phủ làm một việc “đã giao rồi, bây giờ trước Thủ tướng Chính phủ, tôi đề nghị các đồng chí cam kết làm”. Điều mà ông yêu cầu cam kết làm là giảm số dịch vụ, vì năm nào cũng trên dưới 100.000 dịch vụ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng nêu những tồn tại thuộc về “quan trí”. Tiến độ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia làm nền tảng phát triển công nghệ CPĐT còn chậm, đặc biệt là các dữ liệu về dân cư, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai hệ thống thông tin các cấp. Một số hệ thống đã triển khai nhưng việc khai thác, sử dụng chưa thật sự hiệu quả, việc kết nối, chia sẻ dữ liệu còn rất hạn chế.
“Vừa qua, có tình trạng xây dựng chính quyền điện tử theo kiểu “trăm hoa đua nở”, thiếu chỉ đạo tập trung, nên các bộ, ngành, địa phương đều nhiều phần mềm có nền tảng cơ sở dữ liệu khác nhau, dẫn đến nguy cơ đầu tư lãng phí, không tương thích, thiếu liên thông, trùng lắp, không đồng bộ. Các đồng chí cứ nghĩ đi, 63 tỉnh, thành trong cả nước mà chúng ta làm không đồng bộ thì sau này tiến tới CPĐT sẽ phức tạp thế nào” - ông Phúc lo lắng.
Thước đo là sự hài lòng giữa người với người
Trao đổi với phóng viên Báo Phụ Nữ TP.HCM về chính quyền điện tử, ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó chủ tịch UBND TP.HCM - nhấn mạnh, xây dựng chính quyền điện tử là một trong những mục tiêu quan trọng của cải cách hành chính, giúp triển khai nhanh các dịch vụ công trực tuyến.
“Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4 giúp giảm phiền hà, nhanh, hiệu quả, tăng cường sự minh bạch, hạn chế những giao tiếp trực tiếp giữa cán bộ với người dân nên hạn chế tối đa chuyện tham nhũng, tiêu cực vặt” - ông Tuyến cho biết.
Đặc biệt, chính quyền điện tử giúp những người đứng đầu các cơ quan công quyền kiểm soát được hoạt động của từng công chức.
“Ở một số nơi như quận Bình Thạnh, huyện Hóc Môn, quận 12, quận 1, đối với một thủ tục hành chính mà người dân đang cần làm, lãnh đạo của chính quyền quận, huyện đó sẽ biết được tiến độ đến đâu, việc xử lý của cán bộ thụ lý như thế nào” - ông Tuyến nêu ví dụ.
Ông cũng cho rằng, chính quyền điện tử là một trong năm trụ cột của đô thị thông minh. Muốn xây dựng đô thị thông minh, phải có một chính quyền điều hành thông minh, chính quyền đó phải dựa trên cơ sở chính quyền điện tử. Tất cả dữ liệu thông tin đều số hóa, cung cấp những dịch vụ công.
|
Ảnh minh họa |
Ông Trần Nam - một người dân ở quận Thủ Đức, TP.HCM - cho rằng, có ba chi tiết trong cải cách hành chính cần ghi nhận là, rút ngắn công đoạn giải quyết, kiểm tra thái độ phục vụ của công chức, viên chức và áp dụng công nghệ thông tin trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.
“Nhưng theo tôi, thái độ cán bộ, công chức là vấn đề não trạng con người. Khả năng gây khó dễ hay phục vụ người dân ở từng trường hợp khi làm việc trực tiếp mới quan trọng, còn việc đánh giá như hiện nay chỉ tạo tâm lý đối phó ở cán bộ, công chức mà thôi. Tại các nước mình đi qua, họ đâu cần đánh giá mà nhân viên sân bay, hải quan, xuất nhập cảnh vẫn có thái độ phục vụ và kết quả công việc rất tốt” - ông Nam nói.
Ông Diệp Văn Sơn - chuyên gia cải cách hành chính, nguyên Phó vụ trưởng Cơ quan đại diện phía Nam của Bộ Nội vụ - đánh giá, hiện nay, khi xây dựng cái gì cũng có hiện tượng “trên nóng, dưới lạnh”.
Ông cho rằng, rất khó chuyển hóa nhanh tình hình mà phải làm dần dần, do đó chưa đáp ứng đúng mong đợi của dân. Muốn truyền “sức nóng” ở trên xuống, phải có giải pháp, chế tài mạnh mẽ chứ không thể hô hào mà xử lý được tình trạng này.
“Bộ mặt chế độ chính là chính quyền cấp cơ sở, các sở, ngành. Chúng ta nên nhìn thẳng vào sự thực là đội ngũ ở cơ sở còn rất yếu. Tôi thấy đội ngũ trẻ còn bị phân tâm nhiều lắm. Họ cũng có học này học kia, cũng có bằng cấp nhưng chỉ để đạt chuẩn thôi chứ để thực sự làm việc thì thật tình là chưa” - ông nhận định.
Theo ông Sơn, việc phân cấp của chính quyền thành phố cho địa phương phải đi đôi với việc đôn đốc, kiểm tra, giám sát, chế tài mạnh. “Mong lãnh đạo thành phố nhìn nhận được sự thật này và có giải pháp quyết liệt hơn đối với các cấp điều hành bên dưới. Khi chưa an tâm với đội ngũ cán bộ cơ sở thì cơ quan cấp trên phải vi hành nhiều hơn chứ đừng chỉ nghe báo cáo, đi lớt phớt” - ông Sơn ưu tư.
Quốc Ngọc