Xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ phải đảm bảo hiệu quả kinh tế - xã hội

13/06/2024 - 15:41

PNO - Tại hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TPHCM khóa XI, nhiệm kỳ 2020-2025 lần thứ 31 (mở rộng), Ban cán sự Đảng UBND TPHCM đã có báo cáo gửi Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố về kết quả xây dựng Đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.

Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ là bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ, khai thác tàu trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi điều kiện đủ.

Với vị trí dự kiến nằm ở cửa sông Cái Mép - Thị Vải, trong Vịnh Gành Rái, gần các tuyến hàng hải quốc tế đi qua Biển Đông, giữa các khu vực có tiềm năng tăng trưởng lớn của Châu Á (Trung Quốc và Ấn Độ), thuận lợi để phát triển cảng trung chuyển quốc tế.

Vị trí này có nhiều lợi thế cạnh tranh, thu hút nguồn hàng quốc tế tới từ các quốc gia trong khu vực như: Campuchia, Thái Lan, Brunei, Nam Trung Quốc và Philippines.

Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Ảnh: Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) cung cấp
Phối cảnh dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ - Ảnh: Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) cung cấp

Khi Cảng đi vào hoạt động (giai đoạn hoàn thiện), sơ bộ đóng góp trực tiếp cho ngân sách nhà nước khoảng từ 34.000 đến 40.000 tỷ đồng/năm, ước tính sẽ tạo ra việc làm cho 6.000 - 8.000 lao động.

Đồng thời, tạo động lực thúc đẩy phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng khu vực, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vận tải biển trong nước phát triển, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài muốn mở rộng hoạt động kinh doanh và tiếp cận các thị trường mới, thu hút vốn đầu tư FDI vào các khu công nghiệp trong toàn vùng Đông Nam Bộ; tạo môi trường thu hút các công ty vận tải, logistics, thương mại, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm lớn trên thế giới về đặt trụ sở kinh doanh tại khu vực, góp phần thúc đẩy sự hình thành Trung tâm tài chính quốc tế tại TPHCM.

Ông Trần Quang Lâm phát biểu tại hội nghị  - Ảnh: Tú Ngân
Ông Trần Quang Lâm phát biểu tại hội nghị - Ảnh: Tú Ngân

Ông Trần Quang Lâm - Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM - cho biết, khi thực hiện dự án, có nhiều ý kiến quan ngại đến sự phát triển bền vững của môi trường. Tuy nhiên, ông Lâm khẳng định, quan điểm của UBND TPHCM là việc đầu tư xây dựng cảng phải đảm bảo các yếu tố hiệu quả kinh tế, xã hội, bảo vệ môi trường, đặc biệt bảo vệ giữ gìn hệ sinh thái Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM cho biết: Qua các đánh giá sơ bộ tác động môi trường khi hình thành cảng tại khu vực, trong đó nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính như: môi trường, nước, không khí, tiếng ổn; phát sinh chất thải, tác động có rủi ro sự cố hàng hải; tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, thủy hải sản hiện hữu...

Khi triển khai xây dựng Cảng Cần Giờ, có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường như: Nghiên cứu phát triển cảng đồng bộ, hiện đại, các thiết bị sử dụng tại cảng như sử dụng điện, nhằm hạn chế cao nhất chất thải các loại ra môi trường để giảm thiểu, ngăn ngừa tác động đến môi trường. Trồng rừng thay thế, với diện tích trồng rừng thay thế bằng ba lần diện tích rừng bị thay thế, dự kiến sơ bộ diện tích trồng rừng thay thế trên 248ha.

Mặt khác, các kết quả mô phỏng theo các kịch bản mặt bằng quy hoạch cho thấy khu vực xã đảo Thạnh An và Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và khu vực lân cận đều không bị tác động bởi hiện tượng xói lở đường bờ, do tác động của việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.

Ngược lại, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đóng vai trò như “đê chắn sóng”, bảo vệ đảo Thạnh An và khu vực phía trong, dưới tác động của xâm thực biển.

Thiên Ân - Tú Ngân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI