Xây dựng các tổ nghề - giúp hội viên phụ nữ phục hồi và phát triển kinh tế

24/01/2023 - 06:13

PNO - Nhiều tổ may gia công cùng các lớp đào tạo nghề miễn phí trên địa bàn huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh đã và đang giúp hàng trăm hội viên phụ nữ khuyết tật, hoàn cảnh khó khăn có việc làm, thu nhập và ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Thêm nghề thêm thu nhập

Hơn một năm nay, ngoài tham gia công tác Hội, chị Đỗ Thị Ngọc Phượng (ấp 2, xã Tân Kiên) mỗi tháng có thêm 2 - 3 triệu đồng từ nghề kết cườm mà chị học được từ lớp đào tạo nghề do Hội LHPN xã Tân Kiên tổ chức.

Tổ kết cườm ấp 2, xã Tân Kiên có khoảng 12 thành viên, thu nhập bình quân từ 2 - 7 triệu đồng/tháng. Sản phẩm làm ra được các chị bán qua zalo, facebook và trưng bày, giới thiệu tại các hội nghị, các buổi giao lưu trao đổi nghề do Hội LHPN tổ chức. Ngoài ra, các chị em trong tổ còn nhận gia công kết cườm cho một số cơ sở tại quận Bình Tân. 

Tương tự, nhờ tham gia học lớp nấu ăn vào năm 2018 mà chị Võ Thị Mỹ Vân (ấp 2, xã Qui Đức) biết nấu thêm nhiều món mới. Sau một năm học nghề, chị đã giúp gia đình thoát nghèo và có thu nhập ổn định mỗi tháng từ 10 - 15 triệu đồng.

Tổ hợp tác nghề may, là mô hình tổ nghề phổ biến ở huyện Bình Chánh
Tổ hợp tác nghề may, là mô hình tổ nghề phổ biến ở huyện Bình Chánh


Chị Vân kể, trước khi được học thêm nghề, chị đi làm lao công, mỗi tháng thu nhập chỉ khoảng 3 triệu đồng. Ngoài thời gian trên thì “ai kêu gì chị làm nấy”, cuộc sống khá bấp bênh. Hiện tại, nếu không có người đặt nấu đám, chị Vân vẫn có đơn hàng làm bánh ú, bánh tét… Nhờ vậy mà cuộc sống thoải mái hơn trước. 

“Nhiều chị em nghi ngại, học nghề ra không làm được gì. Nhưng với tôi, được hỗ trợ học nghề miễn phí là điều tốt. Mình cứ học, ít nhiều gì cũng có thêm kinh nghiệm. Nếu không làm dịch vụ thì cũng biết thêm cách nấu nướng phục vụ gia đình, người thân” - chị Vân nói.

Không những giúp gia đình thoát nghèo, chị Vân còn giúp 6 chị em trong xóm kiếm thêm thu nhập. Cụ thể, chị nào tham gia gói bánh mỗi giờ nhận 25.000 đồng, tham gia phụ nấu đám nhận khoảng 30.000 đồng/giờ, nếu phục vụ xuyên suốt hết đám được trả 500.000 đồng/ngày.

Từ tháng 5/2019 đến nay, chị Vân được Hội LHPN xã Qui Đức 4 lần giới thiệu vay vốn, mỗi đợt vay từ 30 - 50 triệu đồng để mua sắm, trang bị vật dụng làm nghề. 

Mở tổ nghề thu hút chị em

Sau 4 năm mở tổ may gia công, chị Vũ Thị Thu Hồng (42 tuổi), chủ cơ sở may quần áo thời trang ấp 4, xã Phạm Văn Hai, có thu nhập hằng tháng khoảng 30 triệu đồng và tạo việc làm cho hàng chục phụ nữ khuyết tật, khó khăn tại địa phương với thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng.

Tương tự như nhiều tổ may gia công khác trên địa bàn huyện, cơ sở may của chị Hồng không gò bó giờ giấc làm việc, chị em rảnh giờ nào tới làm giờ đó. Đặc biệt, cơ sở của chị nhận đào tạo nghề may miễn phí và cung cấp nguồn hàng để chị em đem về gia công tại nhà kiếm thêm thu nhập. “Không nhớ nổi từ lúc mới thành lập đến nay mình đã dạy nghề cho bao nhiêu người. Cứ đến xin học là mình dạy. Nhiều chị khó khăn tới đây học, biết nghề rồi vào làm ở công ty khác cũng không sao. Giúp được nhiều chị khiếm khuyết, không biết chữ có một cái nghề là mình vui rồi. Chị em vào công ty, vừa có việc làm ổn định, vừa được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội thì vẫn tốt hơn” - chị Hồng nói.

Chị Đặng Thị Thùy Nguyên (52 tuổi) tại ấp 7, xã Phạm Văn Hai, kể: Trước đây chị và em trai (50 tuổi, tật nguyền, không còn sức lao động) sống nhờ vào sự đùm bọc rau cháo của người thân, vì hoàn toàn không có thu nhập. Một lần, nghe hàng xóm nói về tổ may của chị Hồng, chị tìm đến xin học nghề rồi có việc làm ổn định với thu nhập trung bình mỗi tháng hơn 5 triệu đồng. “Ban đầu tôi chỉ phụ một số việc lặt vặt. Sau đó, cô Hồng chỉ cho từng chút một, từ vắt sổ đến tập may những mặt hàng đơn giản. Nói tiếng xin vô học nghề nhưng vẫn ăn lương học việc mỗi tháng hơn 2 triệu đồng. Tháng đầu tiên cầm tiền học việc mà tôi mừng rớt nước mắt” - chị Nguyên khoe. Còn chị Hồng tâm sự: “Hồi đó nhà mình khổ lắm, muốn đi học nghề mà chẳng có tiền. Một người chị chẳng mấy thân thiết đã giúp tôi đi học nghề may rồi giới thiệu việc làm. Nghĩ vậy mà sau này làm ăn được, tôi muốn làm cái gì đó để trả lại ơn năm xưa”.

Tổ may gia công của chị Hồng thành lập từ năm 2018 và trải qua bao lần lao đao vì bị khách hàng quỵt nợ, nhưng nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và đặc biệt là 3 lần hỗ trợ vốn vay của Hội LHPN nên chị Hồng đã vượt qua khó khăn để tồn tại và phát triển. Đến nay, từ tổ may gia công của chị, hơn 100 chị em phụ nữ khuyết tật, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn đã được đào tạo nghề và có việc làm, có thu nhập. Chị Hồng dự tính, sang năm sẽ mở rộng cơ sở để có thể giúp đào tạo nghề và giải quyết việc làm nhiều hơn cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn phải nghỉ học sớm.

Tổ hợp tác giúp hội viên gia tăng lợi nhuận

Dù mới thành lập vào tháng 5/2022 nhưng tổ hợp tác trồng, chăm sóc và cung ứng cây mai vàng (Hội LHPN xã Bình Lợi, gồm 5 thành viên) đã tạo việc làm thêm cho hơn 40 chị em có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ nghèo. Với những công việc giản đơn như nhổ cỏ, tỉa cành, bón phân, chăm cây, chị em được trả 250.000 đồng/ngày. Chị Thiều Thị Thu Vân - Tổ trưởng - cho hay, Hội LHPN xã đã giới thiệu mỗi thành viên vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội để cải tạo, đầu tư cho vườn mai, đồng thời phối hợp với Hội Nông dân xã mở các lớp hướng dẫn về kỹ thuật trồng, tạo dáng cây giúp thành viên của tổ tạo ra những sản phẩm chất lượng để tăng giá trị cho sản phẩm. Dự kiến, sau khi trừ chi phí cây giống, chăm sóc, các thành viên sẽ thu lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/ha/năm. Sắp tới, Hội LHPN xã sẽ thành lập thêm các tổ hợp tác trồng, chăm sóc và cung ứng cây mai vàng tương tự.

Các nữ doanh nhân huyện Bình Chánh tham quan vườn lan Sơn Hà, xã Đa Phước của chị Trần Thị Ngọc Thảo, cùng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp
Các nữ doanh nhân huyện Bình Chánh tham quan vườn lan Sơn Hà, xã Đa Phước của chị Trần Thị Ngọc Thảo, cùng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp

Trên địa bàn xã Bình Lợi, hiện có 4 tổ hợp tác với 45 thành viên, gồm: may gia công, sản xuất nhang, trồng và cung ứng mai vàng, trồng lan. Trong đó, Hội LHPN xã xác định tổ hợp tác trồng, chăm sóc và cung ứng cây mai vàng là tổ “chủ lực” tạo ra giá trị kinh tế giúp các chị em thành viên gia tăng lợi nhuận; giúp chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có việc làm, cải thiện đời sống. 

Phạm Phan

Kiên trì giúp hội viên, phụ nữ vượt khó, có việc làm và tăng thu nhập

Hằng năm, tùy vào điều kiện thực tế tại địa phương, Hội LHPN huyện Bình Chánh khảo sát nhu cầu học nghề của hội viên phụ nữ và phối hợp các đơn vị tổ chức mở các lớp dạy nghề giúp các chị có việc làm và thu nhập ổn định. Huyện Hội phối hợp mở gần 100 lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp và nông nghiệp cho khoảng 2.325 học viên là hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn.

Thông qua các lớp nghề: trang điểm, nấu ăn, làm bánh, kết cườm, cắm hoa, cắt uốn tóc, giữ trẻ, dịch vụ gia đình… nhiều chị em đã tự tạo việc làm cho bản thân và vươn lên thoát nghèo.

Toàn huyện Bình Chánh hiện có 58 tổ ngành nghề, 8 tổ hợp tác. Trong năm 2022, Hội LHPN huyện thành lập 8 tổ hợp tác và ngành nghề với 58 thành viên, tạo việc làm cho 829 hội viên phụ nữ với mức thu nhập từ 2 - 7 triệu đồng/người/tháng. 

Chị HUỲNH THỊ KIM ÂN Chủ tịch Hội LHPN huyện Bình Chánh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI