Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0”

Xây “con người văn hóa” từ những điều tưởng như nhỏ nhặt

26/03/2024 - 07:55

PNO - Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0” được Báo Phụ nữ TPHCM mở từ tháng 10/2023; đến nay đã nhận được rất nhiều ý kiến bạn đọc nhìn về những hiện tượng/thực trạng kém văn hóa còn tồn đọng trong ứng xử của cộng đồng.

Nơi nào cũng có hành vi kém văn hóa

Ông bà ta thường nói “tốt khoe xấu che”, nhưng trước cái xấu/tiêu cực/phản cảm đã trở thành hiện tượng, thậm chí đến mức báo động, việc cùng lên tiếng để nhìn lại, chấn chỉnh và sửa đổi là vô cùng cần thiết.

Một số vấn đề về thực trạng ứng xử lệch chuẩn/kém  văn hóa của cộng đồng được nêu ra trong diễn đàn
Một số vấn đề về thực trạng ứng xử lệch chuẩn/kém văn hóa của cộng đồng được nêu ra trong diễn đàn

Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0” thời gian qua đã chỉ ra rất nhiều khuyết điểm và thẳng thắn phê phán những hành vi phản cảm/kém văn hóa trong cộng đồng. Thành phố đang hướng tới xây dựng không gian đô thị văn minh, đô thị bản sắc, nhưng nhìn lại, nơi nào/khía cạnh nào của đời sống cũng có những hành vi kém văn hóa.

Trên đường phố, khu dân cư, không gian công cộng, địa điểm du lịch, rạp chiếu phim, những lễ hội văn hóa và đặc biệt là trên mạng xã hội… đều tồn tại bao hình ảnh/lời nói/hành vi ứng xử không phù hợp chuẩn mực. Người ở nhiều độ tuổi, dù là lao động bình dân hay trí thức, học sinh - sinh viên đều dự phần vào những hành vi/ứng xử kém văn hóa nơi công cộng. Cả không ít người nổi tiếng/có ảnh hưởng cũng không nằm ngoài cuộc.

Việc một đứa trẻ qua đường biết cúi đầu cảm ơn hay luôn chào chú bảo vệ ở cổng trường được tán dương, vốn là điều rất tốt và có ý nghĩa truyền cảm hứng. Nhưng ở một góc độ khác, điều đó lại cho thấy những hành vi/ứng xử văn hóa như vậy vẫn còn là hiếm hoi, là “gương điển hình”. Điều đó vốn nên là lẽ thường, là hình ảnh phổ biến trong xã hội.

Hình ảnh 2 tài xế va quẹt trên đường sau đó cùng ngồi lại nhẹ nhàng giải quyết vấn đề được cộng đồng ca ngợi lại gợi nhắc việc thường xuyên diễn ra: người tham gia giao thông rất dễ nảy sinh xung đột, chửi mắng, ẩu đả trên đường phố. Khi những hình ảnh/hành động đẹp hiếm hoi được nêu ra làm bài học thì cũng phản chiếu mặt đối lập, về mọi khía cạnh ứng xử kém văn hóa của cộng đồng.

Bỏ rác vào thùng, chọn mặc trang phục lịch sự vào nơi thờ tự, không leo lề/chạy ngược chiều khi tham gia giao thông, giảm nói tục/chửi bậy, sử dụng ngôn từ phù hợp chuẩn mực khi tranh luận trên mạng xã hội… đều là những việc đơn giản mà mỗi người đều có thể lựa chọn. Xử phạt hay chế tài là cần thiết đối với những hành vi phạm luật, nhưng thay đổi được những hành vi lệch chuẩn/ứng xử kém văn hóa đòi hỏi và mong chờ ở ý thức của mỗi cá nhân. Việc ứng xử có văn hóa của người lớn không chỉ tốt cho bản thân họ mà còn có ý nghĩa cho trẻ nhỏ. Một thế hệ được bồi đắp nhân cách từ thời thơ ấu sẽ là thế hệ mai này góp phần xây dựng và giữ gìn những giá trị tốt đẹp của cộng đồng.

Ý thức công dân Việt trên “trường quốc tế”

Một hành vi xấu/lệch chuẩn của mỗi cá nhân diễn ra trong phạm vi gia đình/địa phương/quốc gia có thể chỉ là câu chuyện của cá nhân giữa một cộng đồng lớn. Nhưng khi ra nước ngoài, hành vi lệch chuẩn/kém văn hóa của mỗi người đều sẽ gắn với hình ảnh quốc gia. Đã từng xảy ra nhiều vụ việc như vậy: công dân Việt ra nước ngoài bị bắt vì trộm vặt, bị phạt vì xả rác, bị chỉ trích vì lãng phí thức ăn, bị kỳ thị vì có hành vi phản cảm… Ứng xử kém văn hóa của số ít nhưng khi “ra thế giới” lại thành hình ảnh “người Việt Nam”.

Mới đây, clip vợ chồng nam ca sĩ trẻ cãi nhau với chủ quán ăn ở Trung Quốc đã tạo tranh luận ồn ào suốt nhiều ngày trên mạng xã hội. Bất luận đó là mâu thuẫn thế nào nhưng những gì diễn ra đều cho thấy hành xử kém của những người trong cuộc. Một xung đột nhỏ trong giao tiếp thường ngày lại trở thành vấn đề nổi cộm trên mạng và trở thành hình ảnh xấu xí mãi còn lưu lại trên internet. Quan trọng hơn, phạm vi chia sẻ của clip không chỉ ở khuôn khổ trong nước.

“Người Việt Nam chen lấn, ồn ào” cũng là những lời nhận xét mà người viết từng nghe khi đến Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc… Vài năm trước, còn có chuyện 2 người Việt tiểu bậy ở danh thắng hồ Nhật Nguyệt (Đài Loan, Trung Quốc), từng khiến cộng đồng xứ Đài phẫn nộ. Tất cả đều là “con sâu làm rầu nồi canh”, nhưng tiếng xấu đồn xa. Chỉ cần gõ cụm từ “người Việt xấu xí trong mắt người nước ngoài”, ta sẽ nhận được bao kết quả về những hành vi/ứng xử thiếu ý thức, kém văn hóa mà một bộ phận người Việt đã thể hiện ngoài biên giới quốc gia.

Một dạo, cộng đồng mạng trong nước một phen tranh luận và tự xấu hổ trước việc du khách nước ngoài đăng bài về việc bị chặt chém, bị quỵt tiền thối khi du lịch Việt Nam. Đây không phải là chuyện hy hữu, tình trạng chặt chém du khách đã và đang diễn ra ở nhiều điểm du lịch. Rất nhiều cá nhân/tổ chức nỗ lực cùng xây dựng hình ảnh một Việt Nam thân thiện, hiếu khách, nhưng cũng có không ít người vì tư lợi trước mắt, bất chấp việc giữ gìn, lan tỏa những giá trị đẹp đẽ đến bạn bè quốc tế.

Lào để lại ấn tượng đẹp về “văn hóa còi xe”, Singapore là hình ảnh đường phố luôn xanh sạch đẹp, Nhật Bản lan tỏa giá trị trong văn hóa ứng xử bắt đầu từ những điều rất nhỏ… Ứng xử văn hóa cũng là một phần trong “sức mạnh mềm” của một cộng đồng/dân tộc. Thời đại mà mỗi hành động/ứng xử đều có thể được/bị đăng lên mạng, với phạm vi lan tỏa toàn cầu, mỗi cá nhân cần ý thức và có trách nhiệm hơn nữa về bản thân đối với cộng đồng, vì mỗi người đều có thể là một sứ giả văn hóa cho quốc gia mình.

Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0” khép lại, Báo Phụ nữ TPHCM trân trọng cảm ơn bạn đọc đã cùng tham gia, đóng góp ý kiến cho diễn đàn. Tất cả những vấn đề được nêu ra trong thời gian qua, cùng những góc nhìn thẳng thắn đều là những tiếng nói phản biện tích cực và thiết thực. Hy vọng diễn đàn đã góp phần tác động đến nhận thức của mỗi cá nhân trong hành trình xây dựng một cộng đồng ứng xử có văn hóa, giữa thời đại văn minh và hội nhập toàn cầu.

Từng hạt nước làm nên dòng sông. Phẩm cách văn hóa của dân tộc Việt Nam đã được các nhà nghiên cứu đúc kết những giá trị tốt đẹp: yêu nước, đoàn kết, trọng tình nghĩa, dũng cảm, hiếu học, cần cù, ngay thẳng, hòa hiếu, khoan dung… Nhưng thời đại mới, văn hóa ứng xử của cộng đồng phải đối diện với rất nhiều thách thức. Điều này cần sự nhận diện và bản lĩnh tiếp nhận, sửa đổi hành vi của mỗi người.

Đạo diễn Tôn Thất Cần- Phó chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM:

Cần có thêm những “diễn đàn nhánh”

“Những năm qua, tôi thấy nhiều cơ quan, đơn vị quan tâm nhiều đến việc tuyên tuyền, lan tỏa ý thức xây dựng cộng đồng văn minh. Các cơ quan báo chí, truyền thông với đa dạng hình thức tuyên truyền đã khơi gợi vấn đề này rất tốt. Diễn đàn “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0” của Báo Phụ nữ TPHCM đã góp một cách làm hay khi tạo một kênh để mọi người đóng góp ý kiến, giải pháp cho những vấn đề mình quan tâm trong ứng xử thời đại 4.0. Tuy nhiên, đây là một chủ đề mênh mông và gần như nhìn đâu cũng thấy vấn đề - riêng chuyện ứng xử, giao tiếp đã có rất nhiều chuyện để nói, như: ứng xử giao tiếp trong trường học - chuẩn mực giữa thầy cô với học trò, bạn bè với nhau; ứng xử giao tiếp trong gia đình - cư xử chuẩn mực giữa các thế hệ; ứng xử giao tiếp khi tham gia giao thông… Tất cả đều cần “văn hóa”, ứng xử văn minh. Hy vọng rằng, báo tiếp tục có những “diễn đàn nhánh” để chúng ta đi sâu, bàn kỹ hơn nữa từng vấn đề cụ thể”.

Tác giả Vương Huyền Cơ:

Mong báo tiếp tục theo đuổi

“Tôi cho rằng những diễn đàn về “Xây dựng cộng đồng văn hóa thời đại 4.0” như thế này là cần thiết khi khơi gợi vấn đề thiết thực được nhiều người quan tâm hiện nay. Nhưng mong rằng đừng “đánh trống bỏ dùi”, xong diễn đàn là xong. Chúng ta không thể thiết lập một thể chế văn hóa, văn minh chỉ trong vòng 3-4 tháng; những gì đã nói, cần nói vẫn chưa đủ thấm, chưa đủ lan tỏa các nơi thì đã qua rồi.
Tôi mong rằng, tuy diễn đàn kết thúc, nhưng vấn đề này cần tiếp tục được theo đuổi qua các bài báo nêu gương tốt cũng như phản ánh những nơi làm chưa tốt. Có thể thiết lập thêm đường dây nóng nhận thông tin, phản hồi của bạn đọc về các nơi xảy ra hành vi kém văn minh, làm ảnh hưởng hình ảnh cộng đồng cũng như những mô hình hay, thiết thực, cần lan tỏa”.

Ninh Lộc (ghi)

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI