Hết “hội” thì “chợ” tan
Xế chiều, dọc hai bên đường Đặng Thai Mai, đoạn qua Khu công nghiệp Bắc Vinh (xã Đông Hưng, TP.Vinh, tỉnh Nghệ An), tấp nập người mua, kẻ bán. Người bán tràn ra lề đường, cộng với công nhân các xí nghiệp tan ca, khiến nhiều đoạn đường bị tắc nghẽn. Gần đó, hai ngôi chợ dân sinh mới được đầu tư tiền tỷ, cửa vẫn khóa im lìm. Trước mặt tiền chợ, vài người tận dụng bày bán thịt cá, hoa quả…
Ông Trần Anh Tấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Đông, TP.Vinh - cho biết chợ Hưng Đông xây xong năm 2018, có diện tích 3.600m2, gồm hai đình chính, hai dãy ki ốt và các công trình phụ trợ, với tổng kinh phí 5,7 tỷ đồng. Nhưng sau khi khánh thành thì chợ phải đóng cửa vì không có ai đến mua bán. Chính quyền xã đã làm nhiều cách, tổ chức các hội chợ, giao cho mỗi tổ chức, đoàn thể ở xã một gian hàng để duy trì hoạt động, nhưng chỉ sau 2 - 3 ngày, hết “hội” thì “chợ” tan.
“Hiện đình chính của chợ vẫn đang phải đóng cửa, chỉ có vài người buôn bán ở phía trước chợ. Chúng tôi cũng đã làm đủ mọi cách, tiểu thương cũng được miễn thuế phí toàn bộ, nhưng khổ là tiểu thương có vào bán thì dân cũng không vào mua. Giờ chỉ còn hy vọng khi tuyến đường chính đi qua chợ được làm lại, khu đô thị mới phía sau chợ hình thành, dân cư về ở đông đúc thì chợ mới có cơ may hoạt động được” - ông Tấn nói.
Cách chợ tự phát trước Khu công nghiệp Bắc Vinh vài trăm mét, chợ Nghi Kim (xã Nghi Kim, TP.Vinh) cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Chợ có diện tích 1.200m2, được xây dựng khang trang trong khu đô thị mới của xã, nhưng gần sáu năm qua vẫn chưa một lần mở cửa mà chỉ có một số người căng lều bạt bán hàng phía trước, bên cạnh trục đường chính.
Chợ Đồng Vàng, xã Hưng Phúc, H.Hưng Nguyên được xây dựng năm 2018, sát Tỉnh lộ 547. Đây là chợ xã nông thôn mới, rộng hơn 2.000m2, rất thoáng đãng, vị trí rất thuận lợi. Thế nhưng, sau ba năm với ba lần “khai trương”, miễn thuế phí và được hỗ trợ thêm từ 200.000 - 1.000.000 đồng để khuyến khích tiểu thương vào chợ buôn bán, đến nay vẫn im lìm. Sau mỗi lần khai trương, chợ họp được vài ngày rồi tan vì không cạnh tranh được với chợ tự phát gần đó. UBND H.Hưng Nguyên cũng đã yêu cầu dẹp bỏ chợ tự phát này để đưa hoạt động mua bán vào chợ Đồng Vàng, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được.
Xây chợ để... đủ tiêu chuẩn nông thôn mới!
Ông Nguyễn Văn Khiêm - Chủ tịch UBND xã Nghi Kim - cho rằng hiện xã này vẫn chưa có chợ, người dân lâu nay vẫn quen đi chợ các xã lân cận hoặc mua bán ở một số địa điểm tự phát. Để chợ có thể đi vào hoạt động thì cần phải dẹp bỏ các điểm mua bán tự phát, đặc biệt là chợ tự phát trước Khu công nghiệp Bắc Vinh. Tuy nhiên, ông Trần Anh Tấn - Chủ tịch UBND xã Hưng Đông - cho rằng điều này rất khó, chính quyền xã Hưng Đông vẫn thường xuyên ra quân kiểm tra, lập biên bản xử phạt, nhưng rồi mọi thứ lại trở về như cũ. “Anh em công an xã thường xuyên đi kiểm tra từ chiều đến tận đêm khuya, đã xử phạt rất nhiều trường hợp, thậm chí nhờ cả Đội trật tự đô thị TP.Vinh vào cuộc, nhưng chẳng thay đổi được nhiều” - ông Tấn nói.
Với mục tiêu trở thành trung tâm kinh doanh, buôn bán của xã, đồng thời đáp ứng tiêu chí nông thôn mới, năm 2013, chợ Nam Thái, xã Nam Thái, H.Nam Đàn được đầu tư xây dựng trên diện tích 3.000m2 với tổng kinh phí 3,6 tỷ đồng. Nhưng xây gần xong thì phải bỏ dở, trở thành nơi chăn thả trâu bò cho đến nay. Ông Văn Bá Hòa - Chủ tịch UBND xã Nam Thái - cho biết công trình phải tạm dừng do thiếu vốn. Tuy nhiên, nếu có vốn thì cũng khó tiếp tục triển khai xây dựng bởi vị trí xây chợ không hiệu quả. Xã chỉ có 4.200 người, ở rải rác trong khi ba xã giáp ranh đều đã có chợ, nên nếu xây chợ cũng sẽ khó thu hút người đến buôn bán. Do đó, xã Nam Thái đã đề nghị bỏ chợ này và đang làm các thủ tục gửi Sở Công thương Nghệ An để thanh lý, chuyển đổi mục đích sử dụng.
Theo ghi nhận của phóng viên, hiện trên địa bàn tỉnh Nghệ An có rất nhiều ngôi chợ đang trong cảnh đìu hiu, phải đóng cửa, thậm chí chợ xây xong nhiều năm nhưng chưa họp chợ một lần. Ngoài thói quen mua bán nơi chợ cóc, nhu cầu buôn bán không nhiều, thì một số chợ mới xây được cho là đặt ở vị trí không thuận lợi. “Tan ca, ai cũng vội, phải tranh thủ, vì thế nên tôi cũng tranh thủ mang rau củ ra đây bán, để trong chợ Hưng Đông thì khách nào vào mua” - bà M., một người bán rau củ trước Khu công nghiệp Bắc Vinh - nói.
Ông Phạm Văn Hóa - Giám đốc Sở Công thương Nghệ An - cho biết chợ do các địa phương quản lý, sở chỉ định hướng về quy mô, vị trí theo quy chuẩn, đánh giá hiệu quả lúc lập dự án xây dựng. Một số chợ đang bị bỏ hoang là do “xây ép” để đủ tiêu chuẩn nông thôn mới. Do chợ là một trong những tiêu chí để đạt nông thôn mới nên một số xã lập dự án cho có.
Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Nghệ An - cho biết địa phương này có hơn 400 chợ, nhưng hiện nay chỉ có 371 chợ đang hoạt động. Về tình trạng chợ xây xong đóng cửa, bà Mỹ Hà cho rằng: Khi đã dùng mọi biện pháp để khuyến khích mà vẫn không thể họp chợ được, các địa phương sẽ đề xuất UBND tỉnh và các ban ngành chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh lãng phí tiền đầu tư cũng như quỹ đất. |
Ngoài ra, một số chợ hiện được xây dựng theo hình thức hợp tác xã, kêu gọi nhà đầu tư vào, song hiệu quả chưa cao do việc chuyển đổi giữa chợ cũ và chợ mới vẫn còn phức tạp.
“Biết là lãng phí nhưng giờ chẳng biết làm sao. Với những công trình đang xây dựng dang dở thì có thể điều chỉnh sang đất thương mại dịch vụ cho doanh nghiệp thuê thì sẽ đỡ lãng phí. Còn chợ đã xây xong, bỏ hoang, thì có thể chuyển đổi mô hình quản lý, cho doanh nghiệp tư nhân vào. Tuy nhiên, hình thức này hiện vẫn còn khó vì đang vướng mắc cơ chế” - ông Hóa nói.
Phan Ngọc