Xây chợ giữa (chợ) đời

04/10/2014 - 22:19

PNO - PN - Một ngôi chợ có tiếng sầm uất của TP.HCM - chợ Tân Bình, được dự định đập ra xây lại đẹp hơn, hiện đại hơn, nhưng dự án này đã bị bà con tiểu thương trong chợ phản đối gay gắt.

edf40wrjww2tblPage:Content

Chính quyền quận phải tạm ngưng dự án để đối thoại với người dân theo hướng tìm một mô hình hài hòa được lợi ích của các bên. Lợi ích của phía bà con tiểu thương thì đã rõ: họ mong muốn được thuận tiện trong buôn bán làm ăn, không muốn lên tầng cao vì thực tế các chợ xây cao tầng buôn bán ế ẩm, bốc dỡ hàng hóa khó khăn.

Chợ hiện tại đang buôn bán tấp nập, quầy hàng, sạp chợ đang sinh lợi hàng ngày, nên việc ngưng buôn bán để xây chợ mới theo mô hình trung tâm thương mại, dù chắc chắn đẹp hơn, sang trọng hơn chợ hiện tại, nhưng do không phù hợp với loại hình buôn bán của bà con và đặc điểm hàng hóa của khu chợ này, nên bà con không thuận.

Xay cho giua (cho) doi

Chính quyền đang tìm một tiếng nói chung, nhưng có vẻ như lợi ích của một phía chưa được mô tả rõ ràng, nên chắc chắn sẽ phải tốn rất nhiều thời gian, công sức mới tìm được “mô hình hài hòa lợi ích”, “hợp tình hợp lý” mà các bên mong muốn.

Vậy đó, nếu như việc sửa nhà khó vì chín người mười ý, thì việc “sửa chợ” còn phức tạp gấp trăm vạn lần. Chính quyền Q.Tân Bình ngưng dự án lại, chắc vì họ cũng hiểu: đã là chợ, thì phải “thuận mua vừa bán”, phải có người hỏi giá - người trả giá, có trao qua đổi lại.

Thật ra, chợ Tân Bình hiện tại cũng không phải là một ngôi chợ có kiến trúc đẹp đến nỗi người ta luyến tiếc, hay có giá trị di tích văn hóa lịch sử đến nỗi không thể đập ra xây lại. Chợ được lập đâu đó khoảng hơn 50 năm, vốn được gộp lại từ hai khu chợ trời cũ, nay thì trong chợ đã nhiều chỗ xuống cấp, khó có thể đảm bảo an toàn cháy nổ, nhất là đối với loại hình hàng hóa kinh doanh chủ yếu là vải vóc, quần áo…

Ai từng đến chợ thì biết, đa phần sạp chợ đều hẹp, chật, lối đi trong chợ ngổn ngang hàng hóa và bạn hàng, những con đường bao quanh chợ cũng là một phần chợ mở rộng, luôn tấp nập người mua bán và xe cộ từ các tỉnh lên cất hàng. Mặt tiền chợ phía đường Lý Thường Kiệt coi vậy mà ít đông đúc hơn các con đường nhỏ bao quanh. Hàng hóa ở chợ đa phần giá bình dân, nhưng nghe bà con bảo giá sang nhượng một sạp trong chợ phải từ hai đến mười tỷ đồng.

Vậy mới biết, sức sống của một ngôi chợ không phải ở chỗ nó trông đẹp đẽ, hoành tráng, hiện đại, mà ở chỗ mãi lực của nó: hàng hóa vô ra, tiền mẹ đẻ tiền con, bạn hàng có mối mai làm ăn - đó mới là sinh khí của chợ. Tìm được nguồn sinh khí này không dễ, sao lại nỡ bắt người ta rời bỏ nó đi?

Xét từ góc độ ấy, thì chợ Tân Bình như ngôi nhà của người làm nghề buôn bán. Tuy cũ, nhưng việc buôn bán đang thời thịnh vượng phát đạt, nên người ta ngại ngần, tính toán, đắn đo nhiều trong việc sửa nhà, sợ rằng đánh mất cái vượng khí sinh tài, đánh mất cái thời vận đang lúc thịnh đạt của ngôi nhà cũ đó. Ai chẳng muốn lên tới chỗ sạch sẽ, sang trọng, rộng rãi, nhưng cũng phải để cho người ta cân nhắc hết cái được, cái mất, để người ta tự nguyện, xem cái sang trọng rộng rãi kia có cưu mang nổi bao nhiêu phận người - không chỉ tiểu thương buôn bán ở chợ, mà còn những người làm công, những người sống nhờ vào sự tấp nập đông đúc của ngôi chợ này.

Ai từng đi vào những con hẻm nhỏ của khu Bảy Hiền, tai nghe vang vang tiếng máy dệt vải, mới biết chợ Tân Bình chính là cái phần nổi, cái phần đông đúc ồn ào giao thương trao đổi của cả một mạch sống của một khu dân cư rộng lớn và cần cù chịu thương chịu khó. Nay thì tiếng máy dệt thưa dần, nhường chỗ cho những xưởng may gia công, hàng hóa ở chợ có đổi thay, nhưng chợ vẫn là nơi trao đổi, bán mua những sản phẩm của những khu thợ quanh đó, vẫn là đầu mối để hàng hóa và người bình dân tìm được tiếng nói chung.

Có ai lo lắng một mai này, khi cao ốc xây lên lộng lẫy sang trọng rồi, có cặp đôi nghèo nào muốn tìm mua một chiếc áo cưới giá phù hợp với đồng lương ít ỏi của mình, sẽ biết tìm đâu ra giữa những quầy hàng đẹp đẽ nhưng xa lạ đó?

Chợ là hình thức sinh hoạt giao thương mua bán thuộc loại sơ khai và lâu bền nhất của nhân loại. Bởi vậy, họp chợ hay xây chợ, có nhiều điều phải cân nhắc trên cái “tính người” của cái chợ, chứ không phải chỉ trên số mét vuông của cái sạp chợ! Một ngôi chợ, đâu phải chỉ là cái chợ, chợ chính là đời.

Có ai kia cũng từng so sánh việc Thương xá Tax sang trọng là vậy mà tuần rồi đóng cửa là đóng cửa, đập xây mới, sao chợ Tân Bình lại bàn tới bàn lui? Chắc cũng phải nghĩ: tùy đất, tùy người. Ở mảnh đất nơi khu chợ này đang hiện hữu, cái quan trọng là giữ được cái hồn cốt cần cù, chịu khó, cái hiệu quả thương mại của những người mua, người bán ở chợ - đó cũng là cái quý giá mà họ đóng góp cho thành phố. Bởi vậy, đừng quá thiên về những cao ốc sang trọng mà không hiệu quả, không phù hợp đối với nền tảng dân cư chung quanh.

Ngôi chợ xây nên phải từ nhu cầu của chính chủ nhân của nó - tiểu thương và khách chợ, chứ không phải dành cho những nhãn hàng sang trọng nhưng xa lạ với dân tình.

 LẬP PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI