Xây cảng nước sâu để phát triển vận tải biển ở miền Tây

01/02/2024 - 06:20

PNO - Việc đầu tư xây cảng Trần Đề là hết sức cần thiết nhằm tháo gỡ nút thắt trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí logistics của vùng

Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 12 cảng biển, 73 bến cảng với tổng chiều dài 6.775m nhưng hạ tầng phân tán, quy mô nhỏ, hiệu suất khai thác thấp, thiếu trung tâm logistics nên hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu phải thông qua các cảng ở TPHCM và vùng Đông Nam Bộ. Do đó, việc xây dựng cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) là yêu cầu cấp thiết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát vị trí dự kiến xây dựng cảng nước sâu Trần Đề vào tháng 4/2022. Ảnh TQ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khảo sát vị trí dự kiến xây dựng cảng nước sâu Trần Đề vào tháng 4/2022. Ảnh TQ

Ông Trần Văn Lâu - Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng - cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là vùng trọng điểm về nông nghiệp của cả nước, nhất là lúa gạo, trái cây và thủy sản nhưng lại phát triển chưa xứng với tiềm năng do hạ tầng giao thông còn hạn chế. Để tháo gỡ “nút thắt” này, trong quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó có việc xây dựng cảng biển nước sâu Trần Đề.  

Dự án xây dựng cảng biển Trần Đề có tổng mức đầu tư đến năm 2030 là hơn 51.000 tỉ đồng, đến năm 2050 là 145.200 tỉ đồng, gồm xây dựng 1 bến cảng ngoài khơi có quy mô 1.400ha và kết nối với bến trong bờ quy mô khoảng 4.000ha bằng hệ thống cầu dẫn dài 18km. Trong đó, khu bến cảng ngoài khơi có khả năng tiếp nhận tàu container 100.000 tấn và tàu hàng 160.000 tấn, công suất thiết kế 80-100 triệu tấn/năm… 

Theo ông Trần Văn Lâu, cảng này sẽ là cảng cửa ngõ cho vùng, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của vùng nên đảng bộ, chính quyền tỉnh Sóc Trăng đang định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng.

Mới đây, UBND tỉnh Sóc Trăng đã tổ chức cuộc họp thông qua báo cáo đầu kỳ nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng bến cảng Trần Đề”. Theo các đơn vị tư vấn, việc đầu tư xây cảng Trần Đề là hết sức cần thiết nhằm tháo gỡ nút thắt trong vận tải hàng hóa xuất nhập khẩu, giảm chi phí logistics của vùng, phù hợp với quy hoạch tổng thể cảng biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện việc thiết kế các hạng mục như cầu cảng có tổng chiều dài 5.300m, hệ thống kè đê chắn sóng dài 9.800m, dự án nạo vét khu nước trước bến, bể cảng, luồng tàu, vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu hàng hải đồng bộ, khu dịch vụ hậu cần cảng, logistics… đã được trình các cơ quan chức năng xem xét. 

Nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, UBND tỉnh Sóc Trăng giao Sở Giao thông Vận tải và các sở, ngành liên quan phối hợp với đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đánh giá sơ bộ tác động môi trường để thông qua lần thứ hai trong tháng 2/2024; phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam xúc tiến việc thuê đơn vị tư vấn nghiên cứu, lập đề án đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với cảng biển Trần Đề.

Huỳnh Trọng 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI