Xấu thì đừng ghen?

30/08/2017 - 10:15

PNO - Nhắc tới Khang, Bình bỗng thở dài ngao ngán: 'Số thằng Khang khổ, có vợ đã xấu còn hay ghen'…...

Bình chợt bỏ lửng câu nói khi gặp ánh mắt "hình viên đạn" của tôi. Tự ái đàn bà khiến tôi tự nhiên nổi đóa với gã bạn cũ.

Khang, bạn tôi, làm sếp ở một cơ quan đầu ngành, nổi tiếng đào hoa, “sát gái”, mà toàn gái đẹp tình nguyện “xin chết”. Vậy mà, không hiểu sao giữa đám phụ nữ đẹp vây quanh, trời xui đất khiến thế nào mà hắn phải lòng rồi cưới cô vợ xấu thôi rồi. Công việc, gia cảnh của vợ Khang lại làng nhàng, chẳng có gì nổi bật. 

Xau thi dung ghen?
Ảnh minh họa

Từ lúc lấy vợ, chẳng hiểu sao một ông sếp lẫy lừng như Khang bỗng dưng hồi tâm chuyển ý, không tơ hào gì đến gái đẹp. Thế nhưng vợ hắn vẫn ghen đứng ghen ngồi, từ hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp đến kiểm soát điện thoại, vật dụng cá nhân. Biết facebook của chồng, vợ Khang liên tục post hình lên rồi gắn tên chồng vào như một cách khẳng định “chủ quyền” để “dằn mặt” cô nào muốn ngó nghiêng.

Bình bảo, ai đời phụ nữ giờ này còn mang dép nhựa, con trai thì cho mang dép tổ ong, hai mẹ con tương lên trang cá nhân của chồng những tấm ảnh quê mùa, kệch cỡm, chẳng giống với chú thích ảnh “gia đình hạnh phúc” khiến bạn bè cứ bấm bụng cười chứ không nỡ bình luận ác ý. Mà chị ta mới hơn bốn mươi chứ mấy.

Tôi vặn lại Bình: “Xấu đâu phải cái tội, mắc gì các ông tước đi quyền được ghen của phụ nữ xấu?”. Bình cười hềnh hệch: “Phải chi bả đẹp, bả… có quyền, có ghen cũng đỡ… dị!”.

Xau thi dung ghen?
Ảnh minh họa

Cách nhận xét “khó đỡ” của anh bạn làm tôi nhớ hai người đàn ông ngồi cạnh tôi trong quán ăn hôm nọ. Nhìn cách ăn mặc, nói năng, tôi đoán họ cũng không phải dạng vừa: có địa vị, có thu nhập cao và có cả “phòng nhì” để xơ-cua cho hợp thời. Trong câu chuyện khá ồn ào như muốn khoe cho những người xung quanh về “chiến tích” trên tình trường của mình, họ nhắc đến một gã bạn chung nào đó không hiểu sao lại để “bể kế hoạch” với ả nhân tình vừa già vừa xấu. Một gã cho rằng: “Thằng Tùng (nhân vật trong câu chuyện của họ) vừa liều vừa… dại, chuyện ăn chơi qua đường sao không khéo lại để xảy ra “hậu quả”, phải chi “con đó” đẹp đẽ không nói, đằng này, nó chả được nét nào!”. Gã còn lại tỏ ra khách quan: “Biết đâu “con đó” có “võ” nên thằng Tùng mới chết mê chết mệt vậy”.

Khi tôi ngăn một cô bạn phẫu thuật thẩm mỹ để đẹp hơn, cô bạn đã phản pháo, rằng tôi không thấy ngày nay người ta chỉ quan tâm đến đàn bà đẹp à? Đàn bà đẹp có gia đình vẫn không ít đàn ông theo đuổi, chứ gái tơ mà xấu thì có ma mới để mắt đến! Bạn còn cho rằng Thị Nở mà được yêu, thì cũng chỉ có những gã đàn ông như Chí Phèo.

Không phải bạn tôi không có lý, điều đầu tiên tôi thường nghe khi người ta nhận xét về vợ hoặc người yêu của ai đó là “nhỏ đó đẹp”, “ngon”, “bốc lửa”, “điện – nước đầy đủ” chứ ít ai khen cô ấy nết na, dịu dàng hay khéo léo. Vẫn biết đã qua rồi cái thời cứ gào lên rằng “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng lẽ nào, những giá trị tiềm ẩn khác của phụ nữ thời nay đã hoàn toàn bị đè bẹp dưới sức nặng của nhan sắc, khi các ông chỉ quen đánh giá phụ nữ qua nhan sắc?

Và, có đúng là, đàn bà đã xấu thì đừng có ghen? 

 Đỗ Thu Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI