Xấu người, hổ ai?

27/07/2016 - 05:49

PNO - Đến tận khi chị Hoa cương quyết ly hôn, anh Hoàng vẫn không hiểu được điều gì đã khiến vợ anh muốn dứt tình. Anh nói với mọi người: “Nó sướng quá hóa rồ..."

Để răn dạy vợ chồng tạo lập hạnh phúc dài lâu, người xưa thường nhắc câu “Tương kính như tân”. Đó là thái độ ứng xử tôn trọng, là biết giữ gìn mực thước, nền nếp với nhau, dù đang sống bên nhau 24 giờ mỗi ngày. Thế nhưng, vẫn có những cặp vợ chồng, sau một thời gian chung sống lại đối xử với nhau hời hợt, người này vô tình xúc phạm người kia bằng sự thiếu tế nhị, tệ hơn là cố tình bêu xấu người kia đến mức không còn nhìn nhau được nữa.

Những ứng xử gây sát thương

Đến tận khi chị Hoa cương quyết ly hôn, anh Hoàng vẫn không hiểu được điều gì đã khiến vợ anh muốn dứt tình. Anh nói với mọi người: “Nó (anh luôn gọi vợ là nó) sướng quá hóa rồ. Nó đâu bao giờ phải bươn chải nắng mưa, lo tiền lo bạc; hàng ngày chỉ chợ búa cơm nước rồi xem ti vi, hát karaoke”. Thế nhưng trong lòng chị Hoa, người từng là một sinh viên giỏi, luôn hối tiếc vì đã vội vã lấy chồng, nghe lời chồng mà sinh liền hai đứa con, rồi ở nhà chăm con, chấp nhận xem việc chăm sóc gia đình là hạnh phúc của mình. Thế nhưng, chồng chị ngày càng tỏ ra coi thường vợ. Không ít lần say rượu hay có chuyện không vừa ý là anh chỉ thẳng mặt vợ: “Nhà này không có tôi thì nữ (ý chỉ chị và con gái) chỉ có đi làm gái, còn nam (cậu con trai) chỉ có đi ăn cướp”.

Làm ăn, nhậu nhẹt, có lúc bạn bè rủ rê tăng hai, tăng ba, anh về kể công khai cho vợ nghe. Thấy chị buồn, anh nạt ngang, nói đó là chuyện đối tác chiêu đãi, tội gì không hưởng. Một lần Hoa ngần ngại hỏi: “Đi thế… rồi lại về với em, anh thấy sao?”, anh thản nhiên trả lời: “Thì cũng thế cả thôi!”. Câu nói này như quất một đòn chí mạng vào lòng tự trọng của chị.

Xau nguoi, ho ai?
Ảnh mang tính minh họa

Sống với nhau đã có một con gái đã 24 tuổi, chị Th. không kìm được nước mắt uất nghẹn của một người vợ bị sỉ nhục khi tìm đến Hạnh Dung. Dù vậy, chị vẫn khẩn khoản xin đừng nêu tên mình lên báo vì chồng chị là một quan chức, có địa vị xã hội khá cao. Chị kể, quan hệ vợ chồng bắt đầu xấu đi từ khi anh có bồ, tìm mọi cách để ly hôn vợ. Anh thường xuyên sỉ nhục chị bất cứ lúc nào, bất kể lý do gì. Gần đây nhất là chuyện anh biết vợ liên lạc lại với bạn bè thời sinh viên, trong đó có người yêu cũ của chị những năm đại học, sau đó người ấy đi định cư ở Mỹ.

Nắm được vài tin nhắn, đoạn chat và hình ảnh cũ của chị được bạn bè đăng lên facebook, anh mượn cớ công khai đánh đập, chửi bới vợ. Mỗi lần đánh là anh lôi chị ra đường, la hét kể lể cho mọi người biết. “Từng này tuổi, đã sắp có con rể rồi mà tôi còn bị chồng chửi là con đ. lăng loàn, đang tìm đường bán thân để được đi Mỹ. Tôi nhục nhã không kể xiết. Cha mẹ tôi khuyên nên ly hôn, nhưng tôi sợ mang tiếng xấu nên ở cũng dở mà bỏ cũng không xong”, chị Th. khóc nghẹn.

Giết chết nghĩa tình

Trên đời này có lẽ uất ức, khổ tâm nhất là những người bị làm nhục mà không nói nên lời. Họ bị xúc phạm lòng tự trọng, bị tổn thương, xấu hổ. Nghèo đói hay bệnh tật, với một số người, có khi còn không đau bằng bị làm nhục. Những người cố tình làm nhục người khác biết rất rõ điều đó, nên tận dụng để thỏa mãn sự tức giận, lòng ích kỷ của mình, không hề nghĩ đến hậu quả. Từ nhiều năm qua, ông Huỳnh, một thầy giáo về hưu, ở quận Bình Thạnh (TP.HCM), gần như sống ly thân với vợ. Bước vào tuổi mãn kinh, vợ ông tuyên bố không muốn quan hệ vợ chồng, cho chuyện đó là việc làm đáng xấu hổ của tuổi già, khi nhà đã có dâu rể. Cô đơn và có cảm giác bị bỏ bê vì vợ suốt ngày tụng kinh gõ mõ, con cái đều có cuộc sống riêng, ông Huỳnh thường ra ngoài cà phê, bida, thậm chí du lịch cùng bạn bè. Rồi ông dính vào quan hệ với một phụ nữ, chị này nằng nặc buộc ông ly hôn để lấy mình, dù ông không hề nghĩ đến chuyện đó.

Không đạt được mục đích, người phụ nữ kia làm tung tóe lên. Vợ ông biết chuyện. Thấy vợ im lặng suốt mấy ngày, ông Huỳnh nghĩ rồi sẽ được tha thứ vì đã xin lỗi bà và hứa không lặp lại sai lầm như thế nữa. Không ngờ, bà họp đại gia đình đưa ra một bản cam kết bắt ông phải từ bỏ hoàn toàn mọi tài sản. Biết mình có lỗi, ông chấp nhận ký. Càng ngày ông càng thấm nỗi nhục khi vợ ông photo hàng chục bản cam kết phát cho gia đình hai bên và treo ngay giữa nhà. Một ngày, ông Huỳnh khăn gói bỏ đi, không nói một lời. Tìm ông khắp nơi không thấy, gia đình mới hối hận. Vợ ông khóc: “Tôi chỉ vì hận, muốn làm cho ông ấy nhục nhã mà hiểu sự tổn thương tôi phải gánh chịu. Thế mà ổng bỏ đi mất tăm như vậy. Đến chết tôi cũng không yên trong lòng”.

Khi bị làm nhục, cảm xúc tiêu cực tích lũy theo thời gian có thể biến những người thân yêu thành kẻ thù tàn ác với nhau. Ngược lại, sự tôn trọng, động viên, tin tưởng lại có sức mạnh nâng người ta lên khỏi những hoàn cảnh tăm tối nhất. Sau một vụ làm ăn thất bại, anh Minh Dũng, Giám đốc công ty TNHH sản xuất đồ nhựa Bình Minh hết sức đau khổ vì mình đã đẩy vợ con vào cảnh khốn khó: ô tô, nhà cửa, thậm chí đến những vật dụng có giá trị trong nhà cũng phải bán hết. Từ một cuộc sống khá giả, gia đình anh phải ở nhà thuê, các con phải nghỉ học trường quốc tế.

Điều khiến anh khổ tâm nhất là đến nữ trang, những món quà anh đã mua tặng vợ và cả tài sản riêng của vợ được cha mẹ cho trước khi lấy chồng, đều cũng phải cầm cố, bán đi. Chính lúc khó khăn ấy, khi anh khóc mà hứa với vợ, có ngày anh sẽ lấy lại được hết mọi thứ, vợ anh đã động viên: “Anh đừng lo, sông có khúc người có lúc". Không một lời trách móc anh từng bỏ qua lời khuyên của mình, chị còn dạy con phải yêu thương, kính trọng cha nhiều hơn để tiếp sức cho anh làm lại từ đầu. Sự tin tưởng của vợ con đã cho anh sức mạnh. Mười năm sau, anh gầy dựng lại được sự nghiệp. Khi anh cám ơn vợ về niềm tin chị đã đặt vào chồng, chị cười nhẹ nhàng, khẳng định: “Em vẫn luôn tin vào anh”.

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI