Xanh tươi như cây đời

01/01/2017 - 06:35

PNO - Tập sách của Huyền Sâm là một chuyên luận rất công phu. Với 290 trang, chuyên luận này đề cập tới tầm quan trọng của việc nghiên cứu về nữ quyền trong giai đoạn hiện nay.

Tôi luôn có một điều thắc mắc: khái niệm về thân phận đàn bà xuất hiện từ bao giờ? Trong cộng đồng người thuở ban sơ, chắc chắn người mẹ của bộ tộc không bị xem nhẹ, họ là người giữ lửa cuộc sống cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhưng rồi sau đó, vai trò người đàn ông càng lúc càng chiếm ưu thế, dần dần người đàn bà bị dồn vào thế phụ thuộc và đã từng bị nô dịch đến tận cùng. Điều này còn in dấu trong kinh văn của các tôn giáo, vì đó là nơi lưu giữ được nhiều ký ức cổ xưa nhất của loài người.

Kinh Lương Hoàng Sám chẳng hạn, có câu khuyên người ta ăn ở hiền lương để kiếp sau được thác sinh làm đàn ông, còn những ai ác đức thì kiếp sau sẽ phải làm đàn bà hoặc làm… súc vật. Còn Kinh Tabarri (Ba Tư) thì khuyên chúng ta: “Hãy đối đãi với đàn bà cho tốt, vì họ cũng như gia súc trong nhà, họ chẳng giữ vật gì cho riêng họ”.

Và cho đến nay, trong khi phụ nữ ở phương Tây đã được pháp luật và công luận bảo vệ, thì đâu đó trên thế giới vẫn còn những người đàn bà phải che mặt, những người đàn bà không được phép xức nước hoa khi ra khỏi nhà; và tại Việt Nam, hai từ “nữ quyền” vẫn còn gây một cảm giác hơi khó chịu cho một số đàn ông... Sự khó chịu đó nhiều phần bắt nguồn từ sự nhầm lẫn khá phổ biến giữa hai khái niệm “giới” (gender) và “giới tính”(sex). Bình đẳng giới là bình đẳng trước mọi cơ hội, một sự tiến bộ của cuộc sống văn minh; hoàn toàn khác với sự cào bằng giữa hai giới tính, phản tự nhiên và thiếu thẩm mỹ.

Tập sách của Huyền Sâm là một chuyên luận rất công phu. Với 290 trang, chuyên luận này đề cập tới tầm quan trọng của việc nghiên cứu về nữ quyền trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề nữ quyền là một vấn đề của nhân loại, và tuyên ngôn nữ quyền đầu tiên là do một phụ nữ Anh - bà Mary Wollstonecraft với tác phẩm nổi tiếng của mình: Bản chứng minh các quyền của phụ nữ. Tại châu Á thì nhà nữ quyền đầu tiên là một phụ nữ Ấn: Pandita Ramabai (1858- 1922). Tuy vậy, trong chuyên luận này, Trần Huyền Sâm đã tập trung vào phong trào nữ quyền ở Pháp, bởi những lý do mà chúng ta sẽ hiểu được khi đọc sâu vào toàn bộ tác phẩm.

Xanh tuoi nhu cay doi

Pháp không phải là nước đầu tiên khởi xướng phong trào nữ quyền thế giới, nhưng chính ở nước Pháp có những nhà nữ quyền tạo được ảnh hưởng sâu sắc và rộng lớn nhất trong tâm tưởng nhân loại. Bởi vì tiếng nói của chủ nghĩa nữ quyền ở Pháp không phải chỉ thông qua những hành động chính trị, mà thông qua tiếng nói mãnh liệt và sâu thẳm của văn chương và triết học.

Trần Huyền Sâm đã dành rất nhiều trang để nói về Simone de Beauvoir, nữ văn sĩ đồng thời là nữ triết gia, được xem là bà đỡ của chủ nghĩa nữ quyền thế giới. Qua tiếng nói của văn chương, nữ quyền không chỉ dừng lại ở những quyền lợi xã hội của người phụ nữ, mà vươn tới thể hiện khát vọng sâu xa của Người đàn bà muốn vượt thoát khỏi thân phận nô dịch của mình.

Trong gần ba trăm trang sách, với những cứ liệu rất thuyết phục, Huyền Sâm đã đề cập những vấn đề rất gần gũi với chúng ta: vấn đề trinh tiết, vấn đề ngôn ngữ thân thể, cảm nhận tình dục của người phụ nữ, vấn đề ngừa thai và phá thai… Những luận điểm của tác giả đều thú vị ở chỗ chúng mở đường cho những tranh luận sôi nổi, cho dù đã được đặt ra và tranh luận rất nhiều lần trong quá khứ.

Chọn Pháp làm vùng nghiên cứu về nữ quyền luận có một lý do chính đáng nữa: người Việt Nam đón nhận văn minh phương Tây từ cuộc va chạm với văn hóa Pháp trong hơn một trăm năm. Dù muốn dù không, văn chương và nghệ thuật Việt Nam cũng đã chịu một phần ảnh hưởng rất sâu đậm từ văn chương và triết học Pháp.

Điều đó giúp tác giả dễ dàng mở đường cho người đọc tiến sang phần hai của chuyên luận: Nữ quyền luận trong tiểu thuyết nữ Việt Nam hiện đại. Huyền Sâm đã nghiên cứu hầu như tất cả tiểu thuyết nữ Việt Nam đương thời để rút ra những nét riêng trong thủ pháp viết văn của nữ giới, xác định tố chất của giới tính nữ và sự thức tỉnh của ý thức nữ quyền.

Để viết phần này, tác giả đã phải đọc, phân tích và bao quát một lượng lớn tiểu thuyết nữ Việt Nam trong hai thập niên qua. Một việc làm thú vị nhưng cũng rất lao nhọc, bởi các nhà văn nữ Việt tuy lên tiếng mạnh mẽ trước sự bất hạnh và thiệt thòi của phụ nữ trong xã hội đương đại, nhưng chưa thực sự bày tỏ một ý thức rõ rệt về nữ quyền.

Nữ quyền trong tiểu thuyết nữ Việt chủ yếu bộc lộ qua ý thức về cơ thể và khát vọng tự do. Điều này, Huyền Sâm đã cảm nhận được không phải chỉ bằng sự minh triết của một nhà lý luận mà còn bằng tấm lòng của một người đàn bà, như Simone de Beauvoir, trở thành nhà triết học không phải chỉ bằng trí tuệ mà bằng cả trái tim.

Cuối cùng, xin tóm tắt cảm tưởng của tôi về tập sách này:

Tôi thường ít thích đọc sách về lý luận văn học, vì thường nhớ câu “Lý luận thì màu xám, mà cây đời thì mãi mãi xanh tươi”. Nhưng đọc tập sách của Huyền Sâm, tôi có cảm giác rằng lý luận không xám, không khô cằn, mà rất tươi mới và hấp dẫn. Hấp dẫn không những vì sự súc tích và phong phú của tư liệu, mà còn vì những luận điểm táo bạo, cởi mở và gây tranh cãi. Một luận điểm có khả năng gây tranh cãi mới là luận điểm đầy sức sống.

“Có hai quyền lực trên thế gian, một là quyền lực của thanh kiếm, và một là quyền lực của ngòi bút. Có một cuộc cạnh tranh và kình địch không ngừng giữa hai quyền lực ấy. Tuy vậy, còn có một quyền lực thứ ba còn mạnh hơn cả hai, đấy là quyền lực của phụ nữ”(*). Vậy khi một người phụ nữ cầm bút, họ đã nắm trong tay phần lớn sức mạnh của thế giới.

(Đọc Nữ quyền luận ở Pháp và tiểu thuyết nữ Việt Nam đương đại, Trần Huyền Sâm, NXB Phụ Nữ, 2016)

Trần Thùy Mai 

(*) Phát biểu của Muhamad Ali Jinnah, người sáng lập nước Cộng hòa Hồi giáo Pakistan.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI