Bàn tay thô ráp vì nước mặn, gió, nắng mưa, nhưng sự sần sùi giản dị đến nao lòng của nó, in hình gương mặt mẹ. Ai đến Trường Sa, ngoài chuyện tay bắt mặt mừng lính đảo, thì như một lẽ thường tình của người đi thám hiểm, xem dân cư cây cỏ thế nào.
Tôi đã ngồi với những đứa trẻ ở Song Tử Tây, Trường Sa Lớn, Sinh Tồn Đông cùng ba mẹ chúng, thấy có khác gì đâu những cựa quậy nhịp sống của làng chài đất liền, chỉ thiếu là không chợ búa, những khu vui chơi, những viễn du xa xăm mà có dịp họ lại đưa con cái đi mở mắt để chúng thấy “ngoài biển còn có biển” và thừa một thứ, đó là... nước mặn, nên những gì toát ra ở họ đều như đằm xuống, trĩu lòng.
Người ta nói nhiều đến những gia đình ngư dân từ Khánh Hòa ra Trường Sa với những gian khó, thiệt thòi, nhưng khi tôi nghe từ chính chị Nhữ Thị Kim Chi ở Song Tử Tây kể, thì mới thất kinh. Chị và chồng quê ở Cam Ranh, ở đây đã được ba năm. Lúc ra tới đây, chị sụt 5kg, bởi gặp bão biển, tàu quăng quật lênh đênh nửa tháng mới tới.
Chuyến đi nhớ đời, cập bờ chị vẫn chưa tin mình còn sống. Lúc chuẩn bị sinh con, chị theo tàu hải quân về đất liền, cũng đi một mình, chứ chồng phải ở lại chăm con, sinh xong, một tháng sau lại ra, cũng một mình, gặp bữa gió lớn, chị say sóng chết đi sống lại, ba ngày ba đêm không ăn uống, mẹ nôn phần mẹ, con khát sữa kêu khóc phần con.
Tôi nghĩ đến đứa trẻ mới chào đời, sóng và gió đã tắm tưới nó với bao gian nan, giống như trẻ con miền núi ấy, đứa nào vượt qua được thiếu mặc đói ăn, đứa đó sẽ cứng cáp như cây lim rừng, thì những đứa trẻ như con của chị dứt khoát sẽ làm kình ngư của biển.
Đối diện với nước, như ở Trường Sa, quanh quất cũng chỉ là nước, nên những người như vợ chồng chị, như lính đảo, chỉ còn cách xem biển là bạn, nương vào đó mà thở mà bằng lòng, vì thế sự hy sinh của họ, dẫu lặng thầm, cũng mênh mông như biển.
Và như phép đăng đối cần có để nói với biển rằng, đâu chỉ có biển mới có màu xanh, mà sắc xanh ngồn ngộn ở các đảo, cây tự mọc, từ đất liền mang ra, tán lá nhỏ to che nắng, đến kiểu dáng uốn lượn, từ phô phang đến âm thầm khoe sắc, và màu xanh ấy có tự trong máu, trong nhịp thở của những người như chị như lính đảo khi họ ngước nhìn cây lá, từng thớ gỗ đường gân lá, cả nhánh hoa đã tả tơi vì gió, cũng khao khát chứng tỏ sức bền như định mệnh buộc lấy phận mình.
Bây giờ ở Trường Sa có đủ hoa phong lan, mười giờ, giấy, sứ, cúc, được lính đảo chăm bẫm, nâng niu như giữ gìn khí tài quân dụng. Chỉ có cây phong ba, bàng vuông, tra, là mọc tự nhiên trên nền san hô, đối mặt với gió và nước mặn. Cây phong ba nở hoa từ tháng 1-4, tôi ra gần cuối mùa, vẫn còn nhìn thấy màu tím sót lại như cố nấn ná chờ người, như giao tình chung thủy với bằng hữu viễn phương lai.
Tôi đã có một chiều bần thần ở đảo chìm Len Đao. Giữa cái nắng tróc da, chín chậu hoa giấy và cúc trên những chiếc can nhựa như bữa tiệc bày cạnh sắt thép là pháo. Hoa nở mặc sóng gió. Tôi nhớ anh lính trẻ tên Thành ôm súng đứng canh ở đó, nói câu da diết, nhà người yêu ở quê cũng có giàn hoa giấy, đẹp lắm, lâu lắm rồi em không về, người yêu cũng không gửi thư.
Nỗi niềm cuộc sống nhiều khi là những chạm nhẹ không đến từ người, nhưng lại dấy lên phong ba. Tôi nghe lính trẻ nói nhiều về cây ở Trường Sa, như lòng biết ơn chân thành, cây che gió, cản cát, giữ nước, tạo màu xanh, gợi nhớ bao điều.
Tôi ngồi trên mép công sự, che ở trên là cây phong ba vốn là thế trực mà lại chuyển qua thế hoành như người lính đang diễn tập động tác bò, ngạc nhiên nhìn cách đó chừng ba mét, có ngôi mộ. Không giấu được tò mò, tôi đứng dậy, mở hàng rào tre che tạm chung quanh. Sâu khuất trong hốc cát đã được chèn bê tông, là bức ảnh lồng trong bia, cương nghị, trẻ măng với tuổi 22.
Chiến sĩ Nguyễn Hoàng Lĩnh, quê Sầm Sơn - Thanh Hóa, chức vụ binh nhất, hy sinh ngày 3/8/1992, tại đảo Sinh Tồn Đông. “Có tuổi hai mươi thành sóng nước” (Lê Bá Dương). Đứng cạnh tôi là đại tá Đặng Tấn Thành, nguyên phó tham mưu trưởng binh chủng đặc công, hiện là Chủ tịch hội CCB quận 12, khói nhang nghi ngút trên tay ông, mắt người già như nhòa đi theo lời khấn: “Hôm nay chúng tôi đến thăm và thắp nén nhang tưởng nhớ đồng chí, mong đồng chí phù hộ độ trì cho cán bộ chiến sĩ Trường Sa vững tay súng canh giữ biển đảo quê hương”.
Hoa muống biển tím biếc phủ kín mộ. Loài hoa này nở quanh năm, dai dẳng, dù khắc nghiệt đến mấy thì sắc hoa cũng không đổi. Có con sóng nhẹ lăn trong tim.
Gần tối, trước khi biển kịp thẫm đen mà nếu không có ánh đèn khiến ta thấy sóng, biển mênh mông như những cánh đồng ngút ngàn ở miền tây nam bộ, như đi lạc vào đồng hoang hút gió giữa đêm tối tăm trời đất. Mặt trời lặn xuống, nước từ từ chuyển sang màu bạc pha tím như lời chào hẹn thề kín đáo sâu thẳm trước khi chuyển sang đêm với những thâm u.
Ở đó, người lính cô đơn nhưng không cô độc, họ làm bạn với sóng, cá, hoa, cây và những chú chó, cả cát nữa, rồi hương hồn đồng đội đã mất. Những chuyến tàu ngang qua, kéo một hồi còi. Tiếng còi như dư vang xa xôi của miền thương nhớ. Tôi sợ tiếng còi tàu mỗi khi rời đảo. Nó cất lên lời từ biệt, còn lại những người lính với nhau, những xôn xao giờ lặn vào tim, ấp ủ như đánh cược với vất vả, với thăm thẳm giấc mơ đất liền.
Và trong thoáng chốc, tôi như thấy ngoài bàn tay vẫy, còn có một tiếng còi khác không thành tiếng, đó là ánh cười của lính đảo khi nói về tình yêu, về nhọc nhằn gian khó, cả chút thẹn thùng khi họ đứng bên những cụm hoa chụp ảnh chung cùng khách. Nhìn nụ cười đó, bao tị hiềm ganh ghét nhỏ nhen, những li ti vô lương vốn có sẵn trong mỗi người, phải tan biến ngay lập tức.
Nỗi cô đơn nhìn đâu cũng thấy đầy bất trắc, lúc đó con người mới thấy đồng loại gần gũi biết bao, mới thấy hơi ấm bàn tay là món quà vô giá giúp họ tin rằng họ đang sống. Tôi thấy lính trẻ ngẩn ngơ bên hoa. Có ai ngăn được họ đang nhớ về bóng hồng nào đó đã đi qua đời họ, hoặc đang khao khát đợi chờ.
Và hình như khi con người đối diện với nhỏ nhoi sinh mệnh, họ mới thấy rằng cây cỏ cũng là một sinh vật cựa quậy, không ngừng cất lên tiếng nói, và lúc đó như là phép ứng xử cần có và đương nhiên, cây cỏ hoa lá ngang hàng bình đẳng như người. Ít ra điều này tôi đã thấy ở Trường Sa.
Thiếu tá Đỗ Hải Đăng, Chính trị viên phó đảo Trường Sa Lớn, đã 23 năm quân ngũ, nói về cây cỏ Trường Sa như bàn tay mình. Đây là cây tra, mọc tự nhiên, cho hoa màu trắng, trái nhỏ và màu như trái nho, ăn vào hơi chát, chua nhưng ngọt, bộ đội gọi là nho biển. Phổ biến nhất, như biên chế có sẵn trong đội hình Trường Sa là cây phong ba, bàng vuông, giữ nước cho hoa, hoa nở kiên cường, không toan tính, đòi hỏi, kiên gan với mưa nắng, màu tím dịu dàng như lời hò hẹn thủy chung.
Thân không cứng mà chịu được khắc nghiệt, nó như bù trừ của tạo hóa là nền địa chất san hô mà có cây. Tôi nghĩ đến lẽ hiếu sinh của trời đất dành cho người ở biển, bởi lẽ chơ vơ biết bao nếu ở đó nhìn đâu cũng thấy người mà chẳng có bóng cây, chẳng có màu xanh như cưỡng lại nỗi khổ ải triền miên, cưỡng lại cái nắng quay quắt, như vỗ về nỗi mệt mỏi của họ, để họ nhìn cây mà thấy làng mạc, quê xứ, ngồi dưới bóng hoa mà mộng dưới hoa.
Thượng úy Nguyễn Đức Dũng, ở đảo Trường Sa Lớn, nói như... xót của rằng, gió mùa đông bắc mà về thì buồn lắm, nó lạnh tái tê đã đành, nhưng nẫu ruột hơn là sứ sẽ bị nó quật rụng hết lá, che chắn gì cũng không được, đành để nó trần thân, chờ mùa giông gió qua đi, mọc trở lại.
Mặt trời như sắp chạm mặt biển để đi ngủ, nước biển có màu lục non khi nhìn thấy đáy cát và nhấp nhô san hô. Màu xanh của nước cộng hưởng với màu trắng của cát, trên kia là nền trời trong vắt in xuống, tất cả như chiếc áo thiên thanh, rồi thật bất ngờ, nước chuyển sang màu tím dần dần thẫm đi rất nhanh và biển trở về với mịt mùng cố hữu.
Tôi quay lại nhìn lần nữa Trường Sa Lớn. Bóng tối đã trốn tìm trong những rặng cây rồi tất cả nhòa đi, nhòa cả màu áo trắng gợn sóng xanh của lính. Những đảo nổi đảo chìm, nhà giàn đã đi qua, đàn ông cứ đụng đầu vào nhau, mới thấy sức chịu đựng của con người là ghê gớm.
Nếu là chiến tranh, với mệnh lệnh sinh-tử lơ lửng đã đành, còn bây giờ là thời bình với bao lôi cuốn, bao cơ hội để họ sống tận cùng với khao khát, nhưng hơn ai hết, họ hiểu mênh mông sóng nước kia ẩn họa bao bất trắc khôn lường của vận mệnh tổ quốc. Suốt mấy ngàn năm nào có yên, từ trong tim người trai đất Việt luôn có tiếng kêu từ thẳm xanh cuộn thành hình một chữ “xả thân”.
Trung Việt