Xăng tăng giá, tàu cá nằm bờ, doanh nghiệp chới với

16/02/2022 - 06:39

PNO - Chi phí cho xăng dầu chiếm 28 - 30% tổng giá thành trong vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ. Do vậy, việc tăng giá xăng quá cao khiến các hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn trong bối cảnh các doanh nghiệp cần nhanh chóng phục hồi các hoạt động sau sự tàn phá của đại dịch COVID-19.

Chủ tàu cá không dám ra khơi

Giá xăng tăng cao không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động vận tải đường bộ. Ông Trần Văn Lĩnh - Chủ tịch Hội Nghề cá TP.Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thủy sản và Thương mại Thuận Phước - cho biết công ty ông chuyên xuất khẩu hải sản. Giá xăng tăng cao, chi phí thu mua chắc chắn sẽ tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu, lợi nhuận. Nếu giá cả tăng cao trong thời gian dài, công ty buộc phải thương thảo lại các hợp đồng với đối tác, đương nhiên sẽ giảm sức cạnh tranh so với các công ty khác.

Vừa trở về sau chuyến đi biển “lấy lộc đầu năm”, anh Phạm Văn Hiến - ở thôn Đức Trung, xã Đức Trạch, H.Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình - cho hay nhiều tháng trước tết Nhâm Dần, tàu cá của anh phải nằm bờ do dịch, nay mới hết tết thì giá xăng tăng. Theo anh Hiến, một chuyến ra khơi sau tết từ 5-7 ngày tốn 4.000 lít dầu, chi phí gần 60 triệu đồng thì nay cũng chừng đó lít dầu nhưng chi phí gần 90 triệu đồng. May thay, đợt này, tàu anh câu được gần 1 tấn mực, bán được gần 100 triệu đồng, vừa đủ thanh toán các loại chi phí và trả tiền công cho các bạn thuyền. “Tàu tôi gặp may, chứ một số tàu bị lỗ, thu không đủ bù chi phí. Rất mong Nhà nước có sự điều chỉnh kịp thời về giá xăng dầu để ngư dân giảm bớt khó khăn, tiếp tục vươn khơi bám biển trong vụ đánh bắt cá nam này” - anh nói.

Sau tết, do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá phải nằm tại cảng cá Thuận An, TP.Huế - ẢNH: THUẬN HÓA
Sau tết, do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu cá phải nằm tại cảng cá Thuận An, TP.Huế - Ảnh: Thuận Hóa

Xăng dầu tăng giá bất ngờ, chi phí đi biển tăng cao khiến anh Phạm Tuyển - ở thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh, TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình - phải cho tàu cá nằm bờ sau tết. Thường, một chuyến đi biển Hoàng Sa tốn tiền dầu hơn 110 triệu đồng, nhưng nay dự tính tăng lên hơn 140 triệu đồng. Ngư trường ngày càng cạn kiệt nên tàu phải đi xa hơn, dài ngày hơn, cần lượng xăng dầu nhiều hơn trong khi giá mua hải sản vẫn thấp. “Đi về lỗ vốn, tiền chia cho bạn thuyền ít hơn nên nhiều người cũng không muốn đi biển. Hiện giờ, nhiều chủ tàu đánh bắt xa bờ đang tạm nghỉ” - anh Tuyển cho biết.

Xã biển Cảnh Dương, H.Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình có 650 tàu cá, trong đó có 170 chiếc đánh bắt xa bờ vụ cá nam sau tết Nhâm Dần. Theo ông Đồng Vinh Quang - Chủ tịch UBND xã Cảnh Dương - nhiên liệu chiếm từ 30 - 40% chi phí của mỗi chuyến đi biển, nên khi giá xăng dầu tăng cao cộng với giá đầu ra thủy sản không ổn định, nguồn lao động khan hiếm đã khiến nhiều tàu nằm bờ.

Ông Nguyễn Trung Sơn - Phó Giám đốc Ban Quản lý cảng cá tỉnh Quảng Bình, Trưởng cảng cá Sông Gianh - cho  hay trước đây, đến mùa đánh bắt cá vụ nam, khu neo đậu thường rất vắng tàu thuyền nhưng nay có 150/300 tàu nằm tại cảng. Ông Lê Ngọc Linh - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình - thông tin toàn tỉnh có 6.790 tàu thuyền, trong đó có hơn 1.200 tàu có chiều dài từ 15m trở lên. Giá xăng dầu tăng khiến gần 30% tàu thuyền phải tạm thời nằm bờ.

“Đầu vụ nam năm nay, toàn xã có hơn 30 tàu cá nằm bờ do giá xăng dầu tăng cao. Chúng tôi phải cử cán bộ đến nhà động viên ngư dân, lãnh đạo xã cũng tìm cách kết nối để tiêu thụ hải sản cho ngư dân” - ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, H.Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đợi - Chủ tịch Hội Nghề cá xã Tiến Thủy, thị xã Hoàng Mai, một trong những xã có lượng tàu đánh bắt xa bờ nhiều nhất tỉnh Nghệ An - cho biết xã này có trên 200 tàu đánh cá, trong đó có 135 tàu công suất lớn, đánh cá xa bờ. Do giá xăng dầu tăng cao, nhiều tàu đánh bắt xa bờ buộc phải rút ngắn hải trình để tiết kiệm chi phí nên bị giảm sản lượng.

Ông Phạm Đức Long (P.Nghi Thủy, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An) cho biết ngư dân ở P.Nghi Thủy chủ yếu đánh bắt hải sản gần bờ bằng thuyền thúng. Mỗi chuyến đi lưới bằng thuyền thúng tiêu tốn khoảng 4-5 lít dầu diesel. Giá dầu tăng trong khi tôm cá ngày càng khan hiếm nên nhiều người không muốn đi biển nữa do sợ thua lỗ.

Cú sốc với doanh nghiệp sau dịch 

Theo ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) - chi phí xăng dầu chiếm 28 - 30% tổng giá thành trong vận tải, đặc biệt là vận tải đường bộ. Việc tăng giá xăng đột biến lần này như một cú sốc với DN trong ngành logistics bởi đây là giai đoạn đầu trở lại “bình thường mới” sau đỉnh điểm của đại dịch COVID-19. 

“Giá xăng tăng cao nhất trong vòng tám năm nay. Tôi không hiểu việc quản lý giá xăng dầu như thế nào mà để giá tăng đột biến đến như vậy. Giá xăng phải phụ thuộc vào giá nhập khẩu và sự điều hành của các cơ quan liên quan. Chúng ta không thể so sánh với giá xăng trong khu vực vì trong nước đã có quỹ bình ổn. Vài tháng trước, giá đã tăng cao nhất trong vòng bảy năm qua. Trong thời điểm cạnh tranh hiện nay, DN không thể đàm phán với khách hàng để tăng giá vận chuyển theo giá xăng được. Chúng tôi đang chịu lỗ cho những đơn hàng đang thực hiện” - ông Lê Duy Hiệp bức xúc.

Năm 2021, DN ngành logistics đã phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 để duy trì chuỗi cung ứng ổn định. Theo khảo sát của VLA, lúc có dịch, hoạt động và doanh thu của các hội viên bị giảm 20 - 50%; dịch vụ logistics hàng không, đường bộ và đường sắt bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội. 80% hội viên VLA là DN vừa và nhỏ, nên nhiều DN bị đình trệ sản xuất. Một số DN có thể sẽ phải giải thể nếu đại dịch kéo dài. Năm nay, dịch đã được kiểm soát nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng bất lợi đến các chuỗi cung ứng và hoạt động logistics.

Theo ông Lê Duy Hiệp, giá xăng tăng kéo theo giá dầu tăng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến kinh tế, xã hội. Nếu chi phí tiếp tục tăng cao thì suy cho cùng, người chịu thiệt nhất vẫn là người tiêu dùng. Khi chi phí vận tải cao, chắc chắn hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ tăng giá. Điều này hoàn toàn không có lợi cho thị trường khi sức mua chưa hồi phục hoàn toàn. Hiện nay, toàn bộ DN vận tải chỉ mới trong giai đoạn bắt đầu phục hồi. Trong khi đó, chi phí vận tải biển vẫn tiếp tục tăng cao và chưa có dấu hiệu dừng lại do thiếu hụt về nguồn cung và lao động vận tải toàn cầu. Chưa kể, các DN vẫn đang phải gánh thêm các chi phí phòng, chống dịch. 

Ngày 11/2, Liên bộ Tài chính - Công Thương đã điều chỉnh tăng giá bán lẻ xăng dầu trong nước trong bối cảnh giá dầu thô thế giới tăng mạnh. Giá xăng RON 95 và E5 RON 92 lần lượt ở mức 25.320-26.330 đồng/lít và 24.570-25.060 đồng/lít, cao nhất trong vòng tám năm qua. Giá xăng bình quân trong nước đã tăng hơn 4% so với lần điều chỉnh trước đó vào ngày 22/1 và tăng khoảng 9% so với cuối năm 2021. 

Điều chỉnh thuế để giảm ảnh hưởng của sự tăng giá xăng

Ông Phan Hùng Sơn - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thừa Thiên - Huế - cho rằng việc giá xăng, dầu tăng cao sẽ tác động đến nhiều lĩnh vực. Hiện công cụ để kiểm soát giá xăng dầu mà Nhà nước có thể tính đến là thuế, phí. Nhà nước cần giảm thuế nhập khẩu hoặc thuế môi trường ở mức hợp lý. Hiện mức thu thuế bảo vệ môi trường ở lĩnh vực xăng dầu khá lớn, từ 3.800-4.000 đồng/lít; các bộ, ngành chức năng cần xem xét, giảm thu loại thuế này để giảm gây xáo trộn trong hoạt động kinh doanh vận tải và các lĩnh vực liên quan.

Thuận Hóa

 

Kiến nghị Chính phủ ổn định giá xăng

Trước những tác động lớn từ tăng giá xăng, VLA kiến nghị Chính phủ cùng các đơn vị liên quan điều hành giá xăng dầu ổn định để giúp DN dịch vụ logistics vượt qua khó khăn và phục hồi; nếu tăng giá xăng thì phải báo trước để DN chủ động ứng phó với các đơn hàng đã ký hay sắp ký. 
Trong Công văn số 14/VP-HH gửi Thủ tướng Chính phủ, VLA cũng nêu nhiều giải pháp hỗ trợ DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Một số kiến nghị riêng cho ngành logistics đã được xem xét, giải quyết nhưng DN chưa thực sự được tiếp cận hoặc giải quyết các vấn đề như giảm thuế thu nhập DN, vay vốn ngân hàng, giảm chi phí cho vận tải…
Ông Lê Duy Hiệp cho hay, VLA đã nhiều lần làm việc với các bộ, ban, ngành về việc tăng giá xăng và thu thuế, phí cầu đường (chiếm khoảng 10 - 20% giá thành). Trong mỗi lít xăng, DN phải trả 1.000 đồng phí bảo trì đường bộ. Đây là nguyên nhân đẩy chi phí logistics ở Việt Nam lên cao, giảm khả năng cạnh tranh của ngành đối với khu vực.

Tháng 11/2021, Bộ Giao thông Vận tải đã làm việc cùng các hiệp hội, DN vận tải, cảng biển, logistics và xuất nhập khẩu để tháo gỡ khó khăn do đại dịch COVID-19 gây ra, đồng thời hỗ trợ cho DN. Qua đó, Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải, Hiệp hội Cảng biển Việt Nam, Hiệp hội Logistics Việt Nam, Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Cảng đường thủy nội địa Việt Nam… đã nêu các khó khăn như hàng hóa về cảng giảm sút, đề nghị hạn chế tăng giá thuế phí, giá xăng dầu để giảm áp lực cho các DN vận tải, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan… 

Mỹ Huyền

 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI