Xăng lậu, giả lộng hành, trách nhiệm Bộ Công thương ở đâu?

12/03/2021 - 18:26

PNO - Tại cuộc họp báo của Bộ Công thương, phóng viên đặt câu hỏi về vấn đề trách nhiệm của Bộ khi tình trạng xăng dầu lậu, xăng dầu giả kém chất lượng lộng hành.

 

Bộ Công thương khẳng định về cơ bản đã quản lý tốt xăng dầu
Bộ Công thương khẳng định, về cơ bản đã làm tốt công tác quản lý xăng dầu theo chức năng nhiệm vụ của mình (Ảnh minh họa)

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Công thương chiều 12/3, nhiều câu hỏi chất vấn trách nhiệm của Bộ khi tình trạng xăng dầu lậu, xăng giả kém chất lượng lộng hành, hàng loạt vụ xăng dầu lậu, kém chất lượng được cơ quan điều tra phát hiện thời gian gần đây.

Ông Trần Duy Đông - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) cho biết, quản lý mặt hàng xăng dầu thuộc chức năng của nhiều cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Công thương, công an, hải quan, biên phòng, cảnh sát biển.

Theo Nghị định 83, Bộ Công thương có 3 trách nhiệm chính là chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính làm giá, giám sát việc thực hiện, điều hành giá đối với các thương nhân kinh doanh xăng dầu; đảm bảo nguồn cung cho sản xuất và người tiêu dùng đồng thời phát triển hệ thống phân phối, làm sao để phục vụ tốt hơn cho sản xuất và tiêu dùng.

Ông Đông khẳng định, Bộ Công thương về cơ bản đã thực hiện, đáp ứng tốt những yêu cầu của Nghị định trong lĩnh vực quản lý của mình. Tuy nhiên, trong quá trình kiểm tra, giám sát, vẫn có một số doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có dấu hiệu, biểu hiện vi phạm.

“Bộ cũng thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng liên quan như công an, hải quan, Bộ Tài chính, quản lý thị trường, Bộ Khoa học và Công nghệ, cảnh sát biển để làm tốt công tác phòng chống gian lận thương mại cũng như giám sát hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu”, ông Trần Duy Đông nhấn mạnh. 

Hiện Bộ đang tập trung hoàn thiện văn bản pháp luật, cơ sở pháp lý về kinh doanh xăng dầu, sửa đổi Nghị định 83. “Về cơ bản, sau 5 lần chỉnh sửa, chúng tôi đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hy vọng rằng đây là bước cuối cùng để Nghị định 83 về sửa đổi về kinh doanh xăng dầu được thông qua”, lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước thông tin thêm. 

Theo ông Đông, Ban soạn thảo đã tập trung tháo gỡ những bất cập, vướng mắc trong kinh doanh xăng dầu. Trong đó, có vấn đề liên quan đến quy định phát triển hệ thống phân phối minh bạch, rõ ràng hơn, tránh tình trạng phát triển không đi vào chất lượng, thực chất; vấn đề hạn ngạch mức nhập khẩu tối thiểu cũng có những đề xuất hợp lý hơn; trong quá trình sửa đổi đặc biệt quan tâm đến chất lượng và sự an toàn. 

Ông Đông đưa ra dẫn chứng, ở Nghị định 83 cũ, vấn đề xăng dầu hàng không chưa được quan tâm nhiều. Đến khi mặt hàng này phát triển hơn, nhiều doanh nghiệp tham gia “sân chơi” hơn thì một trong những ưu tiên là mặt hàng này phải đảm bảo an toàn, an ninh vì liên quan đến vấn đề vận hành máy bay. 

Tại cuộc họp báo, liên quan đến vấn đề hạn mức nhập khẩu xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải thông tin thêm, trước đây 70-75% nguồn xăng dầu phải nhập khẩu. Khi được cấp phép thành doanh nghiệp đầu mối, hàng năm các doanh nghiệp phải đăng ký kế hoạch và được phê duyệt hạn mức nhập khẩu. Vì nếu như không có hạn mức thì sẽ không đủ cho nhu cầu trong nước.

Thứ trưởng Bộ Công thương, ông Đỗ Thắng Hải
Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho hay, hiện nguồn cung xăng dầu đã có nhiều thay đổi

Đối với doanh nghiệp phân phối, đại lý cấp dưới có quyền không nhập hàng của doanh nghiệp đầu mối mà có thể nhập của doanh nghiệp khác. Nhiều khi hạn mức của một doanh nghiệp đầu mối còn ít, trong khi đó tổng số tiêu thụ, trực tiếp vận hành trên thị trường lại nhiều hơn. 

Hiện nay tình hình nguồn cung xăng dầu đã thay đổi hoàn toàn. 70-75% nguồn cung là từ trong nước, được cung cấp bởi 2 nhà máy - nhà máy lọc dầu Nghi sơn và nhà máy lọc dầu Dung Quất. Nguồn nhập khẩu chỉ còn 20-25%. 

Vì thế, trong Nghị định sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp đề xuất các cơ quan quản lý nên bỏ hạn mức này, vì doanh nghiệp cho rằng họ có thể chủ động trong việc kinh doanh. “Nếu doanh nghiệp kinh doanh hàng giả phải quản lý theo cách khác, trong đó Ban chỉ đạo 389 và các lực lượng sẽ làm công tác chống hàng lậu, chống hàng giả. Doanh nghiệp nào vi phạm sẽ có pháp luật xử lý”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói. 

Ánh Dương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI